, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 19/10/2022, 06:29

Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu

NGUYẾN THỊ HỒNG ANH
(nhandan.vn)
Chiều 18/10 tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo "Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu".
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, tại Việt Nam, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển; xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được ban hành ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, trở thành thành phần kinh tế quan trọng, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kinh tế thế giới và khu vực phục hồi chậm, liên kết và tự do hoá thương mại vẫn là xu thế chủ đạo, nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại; khoa học, công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số phát triển nhanh; phương thức kinh tế bao trùm, chia sẻ và xanh, cùng với đó là phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã diễn ra phổ biến ở nhiều nước.

Do đó, để tiếp tục duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hợp tác xã phải đổi mặt với những khó khăn do đại dịch, biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã phải chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất bền vững, xanh hóa và ít phát thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.

“Trong xu thế phát triển hiện nay, sản xuất xanh, ít phát thải và phát triển bền vững hiện đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi; trong đó có Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Âu-Mỹ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, thời gian qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh luôn tăng trưởng mạnh; trong đó Anh là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Âu-châu Mỹ.

Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 22 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Anh; trong đó, các mặt hàng xuất khẩu tập trung chủ yếu vào thuỷ sản, cà phê, hạt điều, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, hạt tiêu, rau quả. Đặc biệt, hai bên đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Vương Quốc Anh (UKVFTA) và chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021. Theo đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm… sẽ có mức thuế được xóa bỏ hoàn toàn hoặc xóa bỏ dần theo hiệp định này.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, hiện nay các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh khi xuất khẩu sang Anh đang là rào cản với nhiều doanh nghiệp Việt. Mặt khác, việc thiếu hụt nguồn vốn, người sản xuất, thương nhân hạn chế tiếp xúc với thông tin, cơ hội xuất khẩu cũng đang là khó khăn không nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Anh. Vì vậy, trong những năm tới, khu vực châu Âu; trong đó có Anh, tiếp tục được xác định là thị trường quan trọng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng tập trung thảo luận vào các nội dung như Khung chương trình hợp tác FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) - Việt Nam về phát triển bền vững; nông nghiệp xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại hợp tác xã; chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu cũng chú trọng các vấn đề liên quan tới việc phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam - khuyến nghị chính sách; xuất khẩu gạo của Việt Nam biến động trong đại dịch Covid-19 và chuyển đổi bền vững; các giải pháp năng lượng xanh của Anh về sinh khối và chất thải nông nghiệp, di truyền học và kết nối thương mại giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp giữa 2 nước…

Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Khoa học công nghệ và Môi trường với Công ty TNHH năng lượng tái tạo Qube (Anh) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất