, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/03/2021, 15:56

Phát triển rừng, cần nói "không" với gỗ bất hợp pháp!

NGỌC PHƯƠNG
(thực hiện)

“Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ngoài nỗ lực của Chính phủ thông qua các chính sách đúng đắn, còn cần sự chung tay của cả xã hội, bao gồm người làm lâm nghiệp trực tiếp và ý thức của mỗi người dân khi sử dụng đồ gỗ” - Đây là ý kiến trao đổi với Tạp chí Nông thôn Việt của ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) khi ông nhắc đến tiến trình phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)

Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ thời gian qua có sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu và đang quyết tâm nâng kim ngạch xuất khẩu lên 14 tỷ USD năm 2021, 20 tỷ USD vào năm 2025. Điều này đặt ra nhu cầu làm giàu tài nguyên rừng để có đủ nguyên liệu tốt và đủ chỉ dẫn nguồn nguyên liệu minh bạch cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên.
Theo ông vấn đề này đang được thực hiện như thế nào?

Chính phủ đã có chủ trương bảo vệ rừng tự nhiên từ những năm 1995 - 1997. Chúng ta hiện nay đã đóng cửa rừng tự nhiên, giữ nguyên các khu rừng quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn… và ngày một gia tăng nỗ lực bảo vệ các khu rừng tự nhiên còn lại. Đối với gỗ rừng trồng, trước đây nhờ Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc (Quyết định 327-CT ngày 15/09/1992) nên diện tích rừng của chúng ta đã tăng lên. Hiện tại, diện tích che phủ rừng là 42% (cao hơn mức bình quân thế giới là 29% - PV). Ngành gỗ Việt Nam đang thừa hưởng thành quả của Chương trình 327 khi đưa số rừng trồng này vào sản xuất giấy, ván, đồ gỗ... Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ngày một tăng, nhưng độ che phủ vẫn có sự phát triển, từ 37% năm 2001 lên 39,7% năm 2006 và đến năm 2020 là 42%.

Đến thời điểm này, các nhà môi trường cũng như ngành gỗ bắt đầu nghĩ đến việc phát triển rừng bền vững. Bền vững ở đây là chúng ta cố gắng trồng rừng theo các chứng chỉ quốc tế. Hiện nay có 2 loại chứng chỉ phổ biến là FSC (chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng) và PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng). Việt Nam cũng đang cố gắng có chứng chỉ rừng trồng và hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp của riêng mình, gọi là VNTLAS. Với hệ thống này, chúng ta cố gắng làm theo các thông lệ quốc tế, và hướng tới sự đa dạng. Trong đó có một số điểm quan trọng là làm sao rừng trồng giữ được nước, cố gắng duy trì cây trồng được lâu, cố gắng duy trì một số loại cây bản địa trong một khu rừng trồng bình thường để duy trì tính đa dạng sinh học. Rồi chúng ta cố gắng duy trì rừng trồng ở những khu vực nhạy cảm về môi trường như sông suối, trồng những loại cây bản địa, trồng lâu năm hoặc không khai thác để chống xói lở, chống lũ… Những việc này đang được làm một cách thường xuyên.

Ông đề cập đến việc phát triển rừng bền vững với rất nhiều từ “cố gắng”. Có vẻ đây là việc rất khó để thực hiện, thưa ông?

Đúng vậy, bởi việc phát triển rừng bền vững không đơn giản thông qua hoạch định chính sách của Chính phủ. Cũng không đơn thuần là những nỗ lực trong quản lý, trồng, khai thác của người dân, hay là việc chúng ta tiêu thụ gỗ khai thác từ rừng trồng một cách hợp pháp, bền vững. Theo tôi, việc này đòi hỏi sự đóng góp của người dân trong thói quen tiêu dùng đồ gỗ. Đồng thời, nên ủng hộ cho các lực lượng công, người dân đang phát triển rừng.

Để trồng rừng đa dạng tốn rất nhiều tiền của và công sức, đây là con đường rất dài phía trước mà chúng ta phải nỗ lực vượt qua. Một nước nghèo như Việt Nam thì làm gì cũng khó, và mỗi đồng tiền mà chúng ta đầu tư ra đều phải rất cân nhắc. Ví dụ ở Nghệ An đang có mô hình trồng rừng kết hợp với cây dược liệu, khai thác xen canh theo luống. Hình thức này khiến giá thành sản xuất cao lên, tạo áp lực cho người trồng rừng. Hoặc khi chúng ta trồng cây bản địa với thời gian trồng dài hơn các loại cây lấy gỗ thông thường, thì vốn đầu tư sẽ cao hơn, chi phí lãi vay cao hơn. Việc đan xen hợp lý giữa hiệu quả kinh tế và lợi ích môi trường là một bài toán không hề dễ dàng. Một phần vì lẽ đó mà Việt Nam vẫn đang thiếu các loại gỗ trồng lâu năm, phải nhập gỗ để chế biến từ các quốc gia khác.

Hoa Mai là cuộc thi thiết kế mẫu cho hàng nội ngoại thất gỗ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM tổ chức với sự tài trợ chính của Hội đồng Xuất khẩu Gỗ Cứng Hoa Kỳ (AHEC). Cuộc thi được tổ chức thường niên từ năm 2002. Đây được xem như một hoạt động truyền thống của Hội nhằm tìm kiếm các gương mặt thiết kế cùng với các sản phẩm thiết kế cho ngành chế biến gỗ và tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nhà thiết kế với doanh nghiệp trong ngành.
Các sản phẩm gỗ nội thất được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp.
Các sản phẩm gỗ nội thất được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp.

Vậy ngành gỗ Việt Nam đã làm gì để chung tay phát triển rừng bền vững?

Từ 2018, chúng tôi đã có chương trình nói không với gỗ bất hợp pháp. Theo đó, một trong những chiến lược của ngành gỗ Việt Nam là phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng cho thị trường châu Âu và Mỹ sử dụng các loại gỗ đạt các chứng chỉ quốc tế. Khi làm được điều này, không đơn thuần là chúng ta sử dụng nguồn gỗ hợp pháp mà còn đạt yếu tố bền vững.

Ngày 09/11/2020, 8 hiệp hội trong ngành gỗ toàn quốc đã sáng lập ra quỹ “Việt Nam Xanh” nhằm mục tiêu ủng hộ cho việc phát triển rừng bền vững. Tuy số tiền huy động được còn khiêm tốn, nhưng chúng tôi cố gắng dùng những đồng tiền đầu tiên để kêu gọi những đồng tiền tiếp theo cho một chương trình dài hơi hơn. Trong tương lai, để nâng cao nhận thức của cộng đồng và tiếp tục xây dựng nền tảng phát triển nguồn nguyên liệu cho việc xuất khẩu gỗ bền vững, quỹ Việt Nam Xanh sẽ ưu tiên hợp tác với các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học.

Dường như HAWA đang đặt mục tiêu đưa việc phát triển rừng bền vững vượt ra khỏi khuôn khổ của những người làm lâm nghiệp trực tiếp - những người trồng rừng, chế biến gỗ như các thành viên của HAWA, hay là những người đang thiết kế sản phẩm gỗ. Vì sao như thế, thưa ông?

Người tiêu dùng là người quyết định lớn nhất đối với việc chặt phá rừng tự nhiên khi tư tưởng cổ vũ cho việc sử dụng những đồ dùng bằng gỗ quý vẫn còn tương đối phổ biến. Và khi nào còn tư tưởng tôn vinh các loại gỗ lớn, có đường kính 2m, thì nạn phá rừng sẽ còn diễn ra. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng lan tỏa đến người dân - những người mua đồ gỗ và những người rất cần không khí, môi trường tốt - thông điệp về phát triển rừng bền vững. Truyền thông đến với người dân là việc cần làm, vì cộng đồng cần cổ vũ cho việc sử dụng những loại đồ gỗ có tính thẩm mỹ cao, có giá trị về tay nghề, sản xuất chắt chiu từ nguồn gỗ hợp pháp, bền vững.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường truyền thông cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học liên quan đến thiết kế đồ gỗ. Chúng tôi có giải thưởng Hoa Mai cho các sản phẩm sử dụng gỗ hợp pháp, bền vững. Cá nhân tôi cũng tham gia một số buổi nói chuyện với các bạn sinh viên ở Hà Nội, TP.HCM… để phổ biến về giá trị của gỗ hợp pháp.

Để việc thay đổi nhận thức của xã hội được hiệu quả, cần sự chung tay của các phương tiện truyền thông và nỗ lực của nhiều bên.

Xin cám ơn ông.

Quỹ Việt Nam Xanh sẽ hỗ trợ sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, đồng thời thúc đẩy kết nối các hộ sản xuất đồ gỗ tại các làng nghề và các doanh nghiệp trong ngành, mở rộng thị trường, thúc đẩy việc chuyển đổi các loại gỗ quý nguyên liệu nhập khẩu sang các loại gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất