, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 21/11/2022, 15:25

Phát triển Tây Nguyên theo hướng "xanh - hài hòa - bền vững"

ĐẶNG DUNG
Sáng 20/11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phấn đấu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 7,5%

Công bố Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh Vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá.

Bên cạnh đó, huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển Vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%.

Để thực hiện Nghị quyết số 23, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng chính phủ nhấn mạnh: “Các địa phương phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam, giao thông kết nối vùng; giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới và phát triển văn hoá - xã hội tương ứng. Đường đi đến đâu văn minh đến đấy”.

Bên cạnh đó, để phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng đề nghị Tây Nguyên cơ cấu lại kinh tế, lấy phát triển nông lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ và công nghiệp chế biến là động lực, du lịch là đột phá. Vùng cần ứng dụng nhiều khoa học công nghệ trong nông nghiệp, năng lượng sạch, du lịch, bảo vệ môi trường...

Các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ

Tại Hội nghị, đại diện một số tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho Tây Nguyên thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá Tây Nguyên có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiếu hụt nghiêm trọng lao động có kỹ năng, hạ tầng chưa phát triển, nhất là hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế khác của Việt Nam.

Vì vậy, một trong những yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ phát triển khu vực Tây Nguyên là hình thành hạ tầng kết nối khu vực với các vùng, miền khác của Việt Nam, nhất là với vùng duyên hải. “ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên trong giai đoạn 2023 – 2026. Những dự án này không chỉ tăng cường năng lực kết nối liên vùng, mà còn hỗ trợ Tây Nguyên xử lý tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và đô thị” - ông Andrew Jeffries cho biết.

Hạ tầng kết nối là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển khu vực Tây Nguyên.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện Quỹ dân số của Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng các tỉnh Tây Nguyên việc xây dựng năng lực thích ứng và cải thiện sinh kế của người dân Tây Nguyên cần dựa trên cơ sở áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng dựa vào thiên nhiên và chuỗi giá trị hàng hóa không làm mất rừng ở quy mô lớn. Từ đó, góp phần cải thiện tính bền vững về môi trường, hòa nhập xã hội và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của hệ thống sản xuất lương thực và chuỗi cung ứng bền vững.

Theo đó, Chính phủ nên xác định và xây dựng các chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy chuyển đổi theo hướng thực hành nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững với khí hậu, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Các tiêu chí hàng hóa bền vững phải được xác định rõ ràng kết hợp với khung giám sát, đánh giá có khả năng cảnh báo sớm, minh bạch và bao trùm đối với việc thực thi các quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc của chuỗi giá trị hàng hóa ngày càng tăng.

Ngoài ra, với tỷ lệ hộ nghèo cao ở Tây Nguyên, việc tăng tỷ lệ bảo trợ xã hội và tiếp cận dịch vụ y tế là rất quan trọng đòi hỏi phát triển mạng lưới an sinh xã hội đáp ứng tốt hơn cùng các chương trình bảo trợ xã hội, tăng mức hưởng lợi và cơ hội việc làm cho người dân.

Bà Naomi Kitahara khẳng định, Liên Hợp Quốc cùng với các đối tác sẵn sàng tham gia thúc đẩy chương trình nghị sự của Chính phủ thông qua  thực hiện các biện pháp đã, đang triển khai, nhằm hỗ trợ Tây Nguyên hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với khí hậu.

Về kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc kết nối vùng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây nguyên dự kiến khoảng 156.000 tỉ đồng và kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương...) với kinh phí khoảng 28.038 tỉ đồng (Bộ GTVT đã bố trí khoảng 12.303 tỉ đồng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương dự kiến bố trí khoảng 6.515 tỉ đồng) và kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước khoảng 9.220 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng (cao tốc Bắc - Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...) với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 89.165 tỉ đồng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất