, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/10/2022, 13:30

Phát triển thủy sản ở ĐBSCL cần một hướng đi đúng, mang tầm chiến lược

CAO XUÂN LƯƠNG
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới” do Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào chiều ngày 12/10 tại tỉnh Sóc Trăng.

Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Tổng cục Thủy sản; lãnh đạo các tỉnh, thành; ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Quang cảnh hội thảo

Thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng ở ĐBSCL

ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 40.000 km2, chiếm 12% diện tích cả nước, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế rộng khoảng 360.000 km2, chiếm 37% tổng diện tích vùng đặc quyền kinh tế của cả nước và hàng trăm đảo lớn nhỏ thuộc hai ngư trường trọng điểm là đông và tây Nam bộ. Toàn vùng có khoảng 750 km chiều dài bờ biển (chiếm khoảng 23% tổng chiều dài bờ biển toàn quốc) với 22 cửa sông, cửa lạch và hơn 800.000 ha bãi triều. 

Nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản ở ĐBSCL đã trở thành một nghề truyền thống, không ngừng thay đổi và phát triển. Với nguồn lợi thủy, hải sản phong phú được thiên nhiên ưu đãi (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa) và nguồn lao động dồi dào; ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước khi vùng này đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, trong bối cảnh của nền kinh tế mở định hướng thị trường, với xu thế ngày càng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản ở vùng ĐBSCL là một hướng đi đúng, mang tầm chiến lược. Thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh, thành (chiếm 21% dân số cả nước) trong vùng này. Kinh tế thủy sản không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế vùng, mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và những tác động khác của biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề lên vùng ĐBSCL, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh nội tại của vùng này như: Chất lượng tăng trưởng giảm, năng suất lao động thấp, cấu trúc nền kinh tế chưa thật sự ổn định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, người lao động còn di cư đến các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế ngày một gia tăng, đây là vấn đề tồn tại và thách thức chính hiện nay đang phải đối mặt.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Cần phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, bất cập, những rào cản bất hợp lý mà người dân, doanh nghiệp gặp phải. Từ đó đề xuất, hiến kế cho ngành thủy sản Việt Nam để gia tăng sản lượng thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo các đại biểu, để hiện thực hóa và thúc đẩy chủ trương khai thác bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, các cấp ngành cần chú trọng đến những vấn đề giúp tăng tốc nuôi trồng như: Quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm nguồn nước, cải thiện chất lượng con giống cùng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản....

Về giải pháp chiến lược lâu dài, các đại biểu cho rằng cần phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; xây dựng định hướng xuất khẩu cụ thể đối với sản phẩm thủy sản tương ứng với từng thị trường; thúc đẩy quá trình đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu; đa dạng sản phẩm chế biến từ các đối tượng nuôi truyền thống, đối tượng mới, đồng thời xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng về yêu cầu chất lượng mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các thị trường tiêu thụ… từ đó tạo động lực cho ngành nuôi trồng Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới. 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến năm 2030, mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và phải thúc đẩy phát triển thủy sản theo hướng bền vững bền vững. Các đơn vị, các địa phương có biển tăng cường thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt là các khuyến nghị của EC.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất