, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/11/2021, 11:18

Phát triển toàn diện nông thôn Việt Nam vì một miền quê đáng sống

TS VŨ TRỌNG KHẢI
Phát triển nông thôn toàn diện là một tiến trình không có điểm kết thúc với những mục tiêu được định trước bằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nông thôn toàn diện trở thành nội dung căn bản nhất, quyết định sự thành bại của sự nghiệp chấn hưng đất nước ta.
Mục tiêu tổng quát của chương trình phát triển nông thôn toàn diện là tạo ra những miền quê đáng sống.

Mục tiêu tổng quát của phát triển nông thôn toàn diện là tạo nên những miền quê đáng sống cho người dân Việt Nam, xét trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải xây dựng kế hoạch với những mục tiêu, giải pháp ngắn hạn cho từng bước đi của mỗi địa phương cụ thể, tùy theo trình độ phát triển, điều kiện kinh tế, tự nhiên, lịch sử, văn hóa và bối cảnh quốc tế.

Vì thế, không thể phát triển nông thôn toàn diện bằng Chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới với 19 tiêu chí cho tất cả các địa phương. 19 tiêu chí này, là các mục tiêu cần đạt được của mỗi xã, huyện, tỉnh, đã xóa nhòa ranh giới giữa mục tiêu và giải pháp phát triển, “cào bằng” giữa các địa phương có trình độ phát triển và đặc điểm kinh tế - xã hội, tự nhiên khác nhau.

Ví dụ, tiêu chí phải có tổ chức kinh tế hợp tác (tổ hợp tác và hợp tác xã) ở mỗi xã không phải là mục tiêu phát triển, hơn nữa kinh tế hợp tác không có ranh giới hành chính. Một xã có thể không có hợp tác xã hay tổ hợp tác, nhưng người dân ở đó vẫn có thể là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác có trụ sở ở địa phương khác.

19 tiêu chí Nông thôn mới có xu hướng trở thành mục tiêu phấn đấu vì thành tích của các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện, tỉnh. Được công nhận là địa phương (xã, huyện, tỉnh) đã hoàn thành 19 tiêu chí Nông thôn mới, nhưng ở nhiều địa phương chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn thấp do chưa tạo được sinh kế bền vững. Nhiều chợ và nhà văn hóa được xây dựng khá tốn kém nhưng không hoạt động; công trình nước sạch trở thành nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm…

Vì vậy, cần xác định lại quan điểm và nội dung, giải pháp của Chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới như là một kế hoạch 5 năm và hàng năm của chương trình phát triển nông thôn toàn diện vì một miền quê đáng sống.

Bài 1: Xây dựng “phần hồn” từ văn hóa làng

Phát triển nông thôn toàn diện là một tiến trình không có điểm kết thúc với những mục tiêu được định trước bằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nông thôn toàn diện trở thành nội dung căn bản nhất, quyết định sự thành bại của sự nghiệp chấn hưng đất nước ta. 

Mục tiêu tổng quát của chương trình phát triển nông thôn toàn diện là tạo ra những miền quê đáng sống, thể hiện bằng chất lượng sống của người dân, xét trên tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sinh thái.

Cơ giới hóa nông nghiệp.

Nếu cho đến nay, sau 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã đạt được một số kết quả có thể được coi là xây dựng “phần cốt”, tiêu biểu là công trình bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, thì nay phải chuyển sang giai đoạn cần chú trọng xây dựng phần hồn văn hóa. Đó là sự nối kết tinh thần bền chặt trong nông thôn Việt, là triết lý căn bản để hình thành Miền quê đáng sống và trong lịch sử đó là văn hóa làng: Làng ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ; ấp ở Nam bộ; bản, phum, sóc - nơi cư ngụ của các sắc tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đây gọi chung là làng. 

Làng là đơn vị quần cư được hình thành từ thời Hùng Vương đến nay. Nước ta nhiều lần mất nước, với hàng ngàn năm Bắc thuộc, hay gần 100 năm Pháp thuộc, nhưng chưa bao giờ mất làng. Vì làng có tính tự quản rất cao, đến mức “phép vua thua lệ làng”; vì làng được hình thành bền vững bởi sự cố kết huyết tộc của một vài dòng họ, có truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của mỗi ngôi làng cụ thể và được thể chế hóa thành hương ước; vì làng là một cấu trúc phi nhà nước, vì làng có tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, người có công tạo dựng làng. Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng, nơi diễn ra các lễ hội làng. 

Các đơn vị hành chính, xã, huyện, phủ, châu, tỉnh có nhiều biến thiên trong lịch sử dân tộc, nhưng làng vẫn tồn tại như nó vốn có. Làng trở thành cái nôi của văn minh, văn hóa của dân tộc Việt, với sự đa dạng phong phú của các vùng miền và các sắc tộc khác nhau. Làng Việt trước hết là làng của văn minh lúa nước, của xã hội thuần nông. 

Do đó, để hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, làng cũng phải biến đổi sâu sắc, toàn diện, nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi sắc tộc đã tạo nên dân tộc Việt. Bảo tồn và phát triển làng Việt đã trở thành mục tiêu và nội dung của tiến trình phát triển nông thôn nước ta. Cần bảo tồn những giá trị nhân văn, truyền thống lịch sử của mỗi làng, như “tình làng nghĩa xóm”, “lá lành đùm lá rách”; bảo tồn những di tích lịch sử như đình, chùa, miếu, nhà thờ; nét văn hóa truyền thống như các lễ hội của mỗi làng cụ thể. Hương ước của mỗi làng là bản “hiến pháp làng”, đã cố kết dân làng thành một khối thống nhất, đoàn kết bảo vệ sự tồn tại của làng trước sự hưng vong của đất nước qua các triều đại, từ thời Hùng Vương đến nay.

Hát sắc bùa Phú Lễ (Bến Tre).

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy những giá trị nhân văn, văn hóa tốt đẹp, cũng cần khắc phục những tập quán làm ăn tùy tiện, quy ước, cách ứng xử, tầm nhìn tiểu nông, không vượt qua lũy tre làng. Do sự kết cấu huyết tộc, nên dân làng thường ứng xử “dĩ hòa vi quý”, “chín bỏ làm mười”, duy tình hơn duy lý, thậm chí hương ước còn quy định hôn nhân “trong làng, ngoài họ”. Tư duy hẹp hòi, đố kị giữa các làng và dòng họ, thằng mõ làng lớn bắt nạt thằng mõ làng bé, đã làm suy yếu sức mạnh của dân tộc. Điều này chỉ tạm mất đi khi quốc gia bị ngoại bang xâm lược.

Trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi làng phải trở thành một mắt xích, một khâu kết nối với xã hội rộng mở, tiếp nhận những giá trị mới về kinh tế, văn hóa ở tầm quốc gia và quốc tế, làm phong phú thêm bản sắc tốt đẹp của văn hóa làng, đồng thời khắc phục những hạn chế, lạc hậu của nếp nghĩ tiểu nông “không vượt khỏi lũy tre làng” và các giá trị văn hóa lỗi thời khác. Đồng thời, đề cao giá trị thượng tôn pháp luật và chữ “tín” trong mọi cam kết với đối tác trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Phát triển nông thôn toàn diện là một tiến trình không có điểm kết thúc.

Vì tất cả những lý do nêu trên, cần lấy làng (bản, ấp, phum, sóc) làm đơn vị cơ bản, điểm xuất phát về mặt văn hóa và tinh thần của tiến trình xây dựng các miền quê đáng sống, là viên gạch cơ bản cho bất cứ độ lớn về mặt hành chính nào như xã, huyện, tỉnh Nông thôn mới. 

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất