, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 19/02/2023, 06:00

Phía vườn nhà người Việt ở châu Âu

KIỀU BÍCH HƯƠNG
Tôi ở châu Âu đủ lâu để biết sang chợ Sapa của CH Séc là lọt vào “thủ phủ” rau củ quả Việt. Rau muống, cần, cải, susu, mướp do người Việt ở đây trồng và xuất sang cả Ba Lan, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ... Nhưng gần đây tôi mới gia nhập Hội làm vườn tại nhà ở châu Âu, quả là chậm trễ, thiếu sót lớn.
Rau củ của người Á bày bán ở Hà Lan.

Chuyện rau

Vừa được Phượng (còn có tên là Isabelle Kyburz), quản trị viên của Hội làm vườn tại nhà ở châu Âu chấp nhận cho làm hội viên, tôi ngỡ ngàng khi diễn đàn hoạt động riêng tư mới ba năm đã có khoảng 13.600 thành viên. Vừa “mở vườn” đã thấy cả trăm người bạn quen thân lẫn quen sơ của mình ngồi ghế hội viên từ bao giờ. Bạn Việt từ chính nước Bỉ nơi mình định cư cũng đã mấy chục người, rồi bạn bên Pháp, Séc, Ba Lan, Anh, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ... nhiều không điểm hết.

Tết Việt thường rơi vào tháng Giêng hai lạnh nhất ở châu Âu. Người trồng vườn Việt ở đây rủ nhau đưa cây đi tránh đông rộn ràng không kém rủ nhau sắm tết. Họ mang cây vào nhà kính, trú dưới mái hiên hoặc cư ngụ hẳn trong nhà để xe. Mùa đông mà vẫn có cải bẹ xanh, cải muối dưa, rồi hành hẹ kiệu tỏi răm húng nảy mầm trổ nhánh.

Sống lâu trải nghiệm nhiều, đặc biệt khi xa xứ, người ta càng hiểu nhu cầu thiết yếu và niềm vui chân thành nhất vẫn là những thứ giản đơn nhất. Tôi có chị bạn là kỹ sư nông nghiệp lấy chồng cùng nghề và định cư tại Bỉ. Chị bảo lọ mọ trồng được mấy gốc su su và bầu bí, thương anh chồng người Bỉ mười một giờ đêm còn mặc áo khoác ra vườn ngồi canh lũ sên. Anh lo đêm về sương xuống là lũ “giặc” sên bò ra gặm trụi cả gốc rau. Có khi chỉ được một nhúm rau mà thức khuya dậy sớm chẳng kém nông dân xịn.

Mít Việt bày bán ở chợ Sapa tại Séc.

Của một đồng công một nén như thế mới thấm niềm vui âm ỉ râm ran khi được thu hoạch. Những lần sang nhà người bạn Việt ở Hà Lan chơi, thích nhất là được bạn đưa cho cái rổ và sai “ra vườn lượm rau thơm đi”.

Cái mảnh vườn sau nhà chỉ chừng hai chục mét vuông, đã khoanh mất một góc làm kho chứa đồ đạc linh tinh, xẻo thêm một góc đựng cát và đồ chơi ngoài trời cho con. Chỉ còn chừa ra thẻo đất nhỏ xíu chạy dọc một bên sân, bạn tôi gieo húng, kinh giới, tía tô, diếp cá. Quý nhất là cây ớt chỉ thiên quả nào quả nấy đều tăm tắp hướng lên trời xanh một cách kiêu hãnh. Chỉ vài phút đã đầy rổ rau láo nháo đủ loại. Của nhà trồng được, ăn vào thấy thơm ngon hơn hẳn rau mua.

Chuyện quả

Chuyện trồng cây ăn quả trong vườn “địa đàng” của người Việt ở châu Âu chưa suôn sẻ như trồng rau. Muốn ăn cây trái quê nhà như mít, ổi, xoài, vải, nhãn, cóc, vú sữa, sầu riêng... vẫn phải chờ nguồn nhập khẩu. Có lần vào siêu thị Delhaize gần nhà, tôi ngỡ ngàng thấy một trái mít chín mốc xanh mốc đỏ bày ngay dưới quầy trái cây nhiệt đới nhập khẩu như thanh long ruột tím, khế, vải thiều (nhưng là vải châu Mỹ và vải Thái chứ chưa nhập vải Việt)...

Trái mít ấy phải hơn chục cân. Vào tay người Nepal, người Thổ, người Ấn, người Việt kinh doanh tiệm Á ở châu Âu thì trái mít này thu về cả trăm EUR, nhưng phải biết đường mà vỗ mà bổ đúng lúc. Siêu thị của người Âu chắc chưa ai tư vấn rau củ quả Á cho chuẩn nên họ chọn trái mít “khéo” đến nỗi thối cả quả vẫn đem bày. Nghĩ vừa tiếc vừa thương.

Nhu cầu cây trái nhiệt đới nhập vào châu Âu vẫn phục vụ người Á ở đây là chính. Vải thiều, nhãn, thanh long, ổi của Việt Nam là những loại quả người Âu cũng biết ăn nhưng giá còn trên trời. Cách đây mấy năm muốn ăn vải thiều Việt tôi phải sang chợ Đồng Xuân ở Berlin (Đức) hoặc chợ Sapa ở Séc, chợ Việt ở Ba Lan mới có để mua.

Vải thiều Thanh Hà được bán với giá 18 EUR trong một siêu thị ở Paris.

Gần đây, hè đến các chủ tiệm Á ở Bỉ cũng mạnh dạn nhập vải thiều Việt, tôi không cần phải lặn lội xa xôi để mua. Nhưng phải chi ra 19 - 20 EUR để mua một cân vải thiều Việt, ăn một trái thanh long đắt ngang cân thịt bò. Năm ngoái, người bạn gốc Việt ở Bỉ lên Brussels lấy chục cân vải thiều Việt của một đồng hương nhập sang, mang về bày bán ở siêu thị.

Cô thất vọng: “Mời nếm thì ai cũng thích đấy, tấm tắc khen vải thiều Việt hạt nhỏ cùi dày mọng nước. Nhưng mời mua ai cũng chê đắt. Sợ vải thối đành mang về nhà cho con ăn. Chỉ béo bọn trẻ, ăn rào rào vài phút đã hết mấy cân. Cứ như ăn tiền!”.

Thế đấy. Rồi cũng chỉ người Việt thèm cây trái quê nhà mới cắn răng mua ăn cho gọi là có vị mùa vụ. Người bản xứ làm gì có nỗi nhớ ấy, ăn vải mít đóng hộp hoặc sấy khô rẻ hơn nhiều. Trái cây nhiệt đới đóng hộp, sấy khô của Việt Nam và Thái Lan luôn sẵn có. Mua về ăn vặt hoặc nấu các loại chè cũng tiện lắm.

Nào phải như rau củ trồng được trong những chậu hộp nhỏ dễ bê ra mang vào những khi chuyển mùa nóng lạnh, cây ăn quả thường phải trồng ngoài trời, thân to rễ chắc ăn sâu xuống đất, dễ gì chuyển dời. Cũng phải cắm rễ sâu và tán to cành lớn chan hòa hứng nắng mới chiết ra những thứ quả ngon ngọt như thế.

Cây trái Việt bày bán ở chợ Sapa tại Séc.

Hè năm nọ, mua được miếng mít ở tiệm Á ngon quá, tôi đem hạt gieo thử. Quả nhiên lên cây cao cả gang tay. Vẫn chị bạn kĩ sư nông nghiệp đến chơi, lắc đầu “Lên được cây nhưng khó mà ra quả. Mít không hợp thổ nhưỡng khí hậu bên này đâu, có quả cũng chẳng ngon nghẻ gì. Ngay cả ở Việt Nam, các cụ ngày xưa cứ phải chờ cây nào ra trái, ăn thấy ngon mới chiết cành từ chính cây ấy để trồng mới. Gieo hạt từ cây ngon chưa chắc cho trái ngon.”

Quả nhiên vào đông cây mít non chững lại, không lớn nữa và rồi biến mất như chưa từng tồn tại trong vườn. Tôi hỏi Phượng, bà chủ Hội làm vườn tại nhà ở châu Âu, cô cũng bảo: “Các loại rau ăn lá và quả như bầu, bí, khổ qua, mướp... trồng được ở Pháp rồi, nhưng thanh long, cóc, nhãn, mít... chưa trồng thành công đâu. Riêng thanh long mình thấy ở Pháp có một hoặc hai người trồng chơi, tự nhiên ra trái. Ở miền nam Pháp khí hậu ấm hơn may ra trồng được thanh long ra trái”.

Lại dè dặt hi vọng một ngày không xa nhận tin vui đã trồng thành công cây ăn quả xứ nhiệt đới phía vườn nhà người Việt ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý. Hoặc trái cây nước Việt được bày biện huy hoàng trên khắp các siêu thị xứ người.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất