, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/04/2024, 20:00

Phim ẩm thực - muôn vị nhân gian

ANH TÚ
Phim về đề tài ẩm thực thường không có những pha hành động kịch tính hay những “cú vặn” khiến người xem bật ngửa; nhưng vẫn hấp dẫn, khiến người xem cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp nghệ thuật từ các nền ẩm thực trên thế giới.

Có khi nào một bữa ăn giản đơn là khung cảnh bạn nhớ nhất trong một bộ phim? Ẩm thực là một nghệ thuật tuyệt vời, nó khiến con người gần gũi với nhau hơn – bởi không gì có thể so sánh với cảm giác ta nấu nướng vì những người thân yêu và cùng họ trải qua những khoảnh khắc ấm cúng nhất.

“Ratatouille”

Tên tiếng Việt cho bộ phim “Ratatouille” là “Chú chuột đầu bếp”, dù không sai khi dựa trên nội dung của phim, nhưng hoàn toàn làm mất đi tính biểu tượng và ẩn dụ của tên gốc. Ratatouille là một món rau củ hầm dân dã, “tầm thường” đã xuất hiện ở Pháp từ cuối thế kỷ 18. Nhưng đó lại là món ăn mà Remy lựa chọn để đáp ứng đòi hỏi của nhà phê bình ẩm thực Anton Ego.

“Ratatouille”- Món ăn ngon sẽ đưa chúng ta trở về với những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời.

Bất chấp sự hoài nghi của không chỉ Colette mà cả Skinner và Ego, món ăn tầm thường này đã hoàn toàn đánh bại mọi cảm xúc của nhà phê bình ẩm thực khó tính. Khoảnh khắc đưa nó vào miệng, ông như được trở về là một đứa bé nước mắt nước mũi tèm lem. Và mẹ ông, với món Ratatouille chất phác hiền hậu của bà, đã là niềm an ủi, mang nụ cười trở lại trên môi của cậu bé.

Sử dụng “Ratatouille” làm cái tên cho cuốn phim hoạt hình được tôn vinh là xuất sắc nhất trong lịch sử Pixar. Sử dụng món ăn Ratatouille làm “vũ khí” đánh bại Anton Ego, cây viết khó tính đã từng “hủy diệt” đầu bếp vĩ đại Auguste Gusteau. Sử dụng một món ăn thôn quê, với thành phần nguyên liệu khiêm nhường, cách chế biến đơn giản làm biểu tượng cho cuốn phim, để truyền đi một thông điệp thật rõ ràng: Món ăn ngon là món ăn có khả năng đưa người ta trở về với những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời.

Đằng sau câu chuyện của những món ăn, điều đọng lại còn là những ước mơ, tình yêu cùng thông điệp giản dị: “Chuyện nấu ăn không phải cuộc hôn nhân già nua. Đó là cuộc tình nồng cháy muôn thuở của con tim”.

“Chef”

“Chef” là bộ phim kể về vị bếp trưởng Carl Casper tài năng (Jon Favreau). Sau khi bị quản lí bắt không được làm những món ăn mới sáng tạo mà chỉ được làm đi làm lại những món “kinh điển”, Carl đã nghỉ việc. Sau đó, anh cùng vài người thân quyết định mở nhà hàng di động trên một chiếc xe tải. Và từ đây, Carl bắt đầu dần dần tìm lại được tình yêu với nấu ăn và với cuộc sống. Bằng tài năng nấu nướng tuyệt vời của mình, Carl Casper sẽ chiêu đãi bạn một bữa tiệc thị giác với những món ăn mang hương gió biển Địa Trung Hải. Những miếng bò bít-tết mọng nước, hay món sò điệp áp chảo cùng tôm đỏ nóng hổi trong phim chắc chắn sẽ khiến bao tử bạn cồn cào.

Bộ phim “Chef” được Jon Favreau, đạo diễn của “Iron Man” phần 1 và 2, thực hiện sau khi ông thấy rằng chính những tác phẩm bom tấn trên đang dần giết chết khả năng sáng tạo của ông. Để rồi như Carl, Jon đã quyết định không làm phim cho bất cứ một studio nào trong thời gian dài. Thay vào đó, vị đạo diễn này đã tạo ra “Chef” - bộ phim độc lập do ông viết kịch bản, đóng vai chính, làm đạo diễn và đồng sản xuất.

“Chef” - Hãy yêu những gì bạn làm và sống chết với nó bất kể người khác nói gì.

“Hành Trình 100 Bước Chân” (The Hundred-foot Journey)

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “The Beloved” của nhà văn Richard C. Morais, The Hundred-Foot Journey kể về một gia đình Ấn Độ, vô tình lạc đến miền quê Saint-Antonin-Noble-Val miền Nam nước Pháp do chiếc xe bị hỏng phanh, mất lái trên đường. Họ quyết định dừng lại đó, mở quán bán đồ ăn quê hương trên xứ người. Đối diện với họ là nhà hàng Pháp nổi tiếng của bà chủ đỏng đảnh Mallory (Helen Mirren). Để cạnh tranh kinh doanh, những tranh cãi, xung đột giữa hai nhà hàng, hai nền văn hoá từ đó bắt đầu… 

Gia đình Kadam mở nhà hàng Ấn Độ ngay đối diện một nhà hàng cao cấp của Pháp, cách nhau đúng… 100 bước chân; và bất chấp thử thách đó, họ vẫn làm ăn rất phát đạt. Đầu bếp chính của nhà hàng, Hussan Kadam đã thành công khi đem nền văn hoá ẩm thực Ấn Độ đến với những thực khách người Pháp khó tính nhất thế giới và chinh phục được họ bằng tài năng nấu ăn trời phú, tinh thần học hỏi không ngừng và dám thử nghiệm những điều mới mẻ.

“Hành Trình 100 Bước Chân” - Chuyện nấu ăn là cuộc tình nồng cháy muôn thuở của con tim.

Một hành trình tưởng ngắn mà rất dài từ một nhà hàng kiểu Ấn phía bên đây đường qua nhà hàng Pháp 1 sao Michelin phía bên kia đường…

Đó là một sự pha trộn tuyệt đẹp giữa nền văn hoá ẩm thực lâu đời của nước Pháp, điểm thêm một tí gia vị gia truyền của Ấn Độ. Nó vừa mang những màu sắc vô cùng tươi tắn, đậm và tương phản của Á châu đồng thời không thiếu nét cổ điển phương Tây nền nã. Đó là những khu chợ với những trái ớt chuông tươi roi rói, với những con tôm đất tươi nhất thế giới...

Dùng những gia vị tự nhiên, những hương liệu đời thường để làm nên một món ăn tinh thần nên thơ như cổ tích, bộ phim đã chạm đến trái tim khán giả bằng tâm huyết về những nền văn hóa khác nhau. Đằng sau câu chuyện của những món ăn, điều đọng lại còn là những ước mơ, tình yêu cùng thông điệp giản dị: “Chuyện nấu ăn không phải cuộc hôn nhân già nua. Đó là cuộc tình nồng cháy muôn thuở của con tim”.

“Little Forest” (Komori)

Đây là tác phẩm điện ảnh Nhật Bản chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Igarashi Daisuke. Phim được chia thành 2 phần: tập “Little Forest - Summer/Autumn” và “Little Forest - Winter/Spring”.

Ichiko (do diễn viên Hashimoto Ai thể hiện) là một người trẻ đơn độc, sau thời gian sinh sống và làm việc tại thành phố, cô đột ngột trở về quê hương, ở trong ngôi nhà cũ mà khi xưa hai mẹ con cô từng ở tại làng Komori vùng Tohoku, Nhật Bản. Vì ngôi làng nằm trên một vùng núi cách biệt với đồng bằng nên mỗi khi muốn đi xuống trung tâm mua sắm, Ichiko thường mất khá nhiều thời gian để đạp xe lên và xuống dốc. Với địa thế hiểm trở và đường đi tốn thời gian, Ichiko cũng như dân làng tại vùng quê Komori đều gắn bó với nghề chăn nuôi và trồng trọt. Họ tự tay gieo, trồng, chăn nuôi, rồi lại tự thu lượm, bảo quản và nấu nướng tất cả thành quả mà cả năm vừa chăm bẵm được, biến chúng trở thành những món thực phẩm chất lượng cả về hình thức lẫn hương vị.

Những món ăn giản dị được trình bày tinh tế và bắt mắt trong “Little Forest”.

Ichiko hằng ngày thức dậy, thay đồ làm việc đồng áng, có khi đến cuối ngày cô mới trở về nhà tự chế biến những món ăn thôn quê dựa vào kí ức thơ bé học nấu ăn cùng mẹ: từ cách gieo trồng lúa, cà chua, khoai tây theo vụ mùa...; cho đến cách bảo quản rau và bắp vào mùa lạnh, cách ủ - nướng bánh mì trong lò sưởi, làm mứt từ quả dâu rừng, ủ rượu sake, hay làm sốt miso từ đậu nành truyền thống...

Sau khi xem xong bộ phim, chắc hẳn nhiều khán giả đã hiểu ra rằng vì sao Nhật Bản xứng đáng là nơi sở hữu nhiều nhà hàng đạt chuẩn sao Michelin nhất. Chính là nhờ vào bản tính siêng năng, cần cù chịu khó nghiên cứu tìm tòi những kĩ thuật gieo trồng và nấu nướng đạt đến độ tinh tế tuyệt vời của họ.

“Ẩm Thực Nam Nữ”

Ông Chu, là một người đàn ông góa vợ đã có tuổi, và cũng là một đầu bếp nổi tiếng, nay đã về hưu an hưởng tuổi xế chiều. Ông vẫn luôn tự tay nấu nướng, mặc dù trớ trêu thay ông đã mất đi vị giác trong nhiều năm. Mỗi tối chủ nhật, ông Chu sẽ nấu một bữa cực kỳ hoành tráng để cả gia đình có chút thời gian sum họp. Tuy nhiên, sự tương phản trớ trêu của gia đình ông Chu lại chính là lúc nấu ăn tuyệt vời bao nhiêu thì bữa ăn lại ảm đạm bấy nhiêu, vì cả ba cô con gái và ông Chu đều chọn bữa ăn sum họp để thông báo với mọi người về những thay đổi trong cuộc sống của mình.

“Ẩm Thực Nam Nữ” – Hương vị gia đình đoàn viên.

Tựa đề phim được trích từ một câu thoại của ông Chu - nhân vật chính trong phim: “Ẩm thực, nam nữ, thức ăn và tình dục. Đấy là những ham muốn cơ bản của con người, không thể tránh được”, và nguồn gốc từ câu này xuất phát từ Kinh Lễ.

Phim lấy bối cảnh Đài Loan vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong thời điểm vùng đất này bứt phá về kinh tế, các giá trị truyền thống cũng đang trên bờ vực lung lay. Đô thị phát triển nhanh và chật chội, người trẻ thì làm việc đến quên ăn quên ngủ, người già thì cô đơn, sự gắn kết giữa những thành viên trong gia đình trở nên rời rạc và bữa cơm sum vầy ấm cúng bỗng trở nên hình thức và gượng gạo. 

Bàn tiệc điện ảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng

Bộ phim “Muôn Vị Nhân Gian” của đạo diễn Trần Anh Hùng kể về chuyện tình của chuyên gia ẩm thực xuất chúng Dodin Bouffant (do Benoît Magime thủ vai) và người tình là nữ đầu bếp Eugenie (do Juliette Binoche thủ vai). Họ sống với nhau hơn 20 năm, ngày nào cũng nấu và phát triển những món ăn mới cùng nhau. Tình yêu họ dành cho nhau là không thể bàn cãi nhưng cả hai không hề cưới nhau vì nhiều điểm trong tâm hồn chưa đồng điệu và đang tìm thời khắc phù hợp.

Bối cảnh nước Pháp thế kỷ 19 và những thước phim ẩm thực tuyệt đẹp đã bổ trợ cho câu chuyện tình yêu và đam mê giữa hai đầu bếp đại tài.

Tên gốc của phim “The Pot-au-Feu được đặt theo tên một trong những món ăn truyền thống của Pháp, gồm thịt luộc, gia vị, rau củ. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã sử dụng cuốn tiểu thuyết “La Vie et La Passion de Dodin-Bouffant, Gourmet” năm 1924 của Marcel Rouff làm nguồn cảm hứng cho kịch bản của mình.

Tháng 5/2023, bộ phim được công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 và nhận tràng vỗ tay dài 7 phút cùng nhiều phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và truyền thông quốc tế. Với tác phẩm này, Trần Anh Hùng đã nhận giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023. Ủy ban Oscar của Pháp đã chọn tác phẩm này tham gia tranh giải tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất 2024. Phim khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 22/3/2024.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất