, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 03/03/2021, 09:50

Phố làng

VŨ NGỌC HOÀNG

Từ lâu đã có các khái niệm đô thị và làng quê, có phố và có làng, chưa có khái niệm đô thị làng quê, chưa có phố làng, đây là khái niệm mới, thậm chí hơi lạ nữa. Phố là phố, làng là làng, chứ sao lại phố làng?

Hình minh họa

Năm năm trước, và sau đó hai năm, trên một số báo và tạp chí, tôi có viết mấy bài báo về đô thị làng quê, phố làng. Từ đó đến nay, nghe được nhiều ý kiến khác nhau, người đồng tình, người không đồng tình. Qua nghiên cứu thực tế, nay xin được tiếp tục trao đổi vài khía cạnh nhỏ về vấn đề này.

Từ lâu đã có các khái niệm đô thị và làng quê, có phố và có làng, chưa có khái niệm đô thị làng quê, chưa có phố làng, đây là khái niệm mới, thậm chí hơi lạ nữa. Phố là phố, làng là làng, chứ sao lại phố làng? Chẳng giống ai, nhưng không phải là “nửa tây, nửa ta”, mà muốn mượn khái niệm này để trình bày một vấn đề của quá trình phát triển cần phải như thế. Cuộc sống và thời gian sẽ điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện khái niệm này.

Lịch sử phát triển ở nhiều nước cho thấy một thực tế: quá trình công nghiệp hóa tất yếu dẫn đến đô thị hóa. Trong quá trình đô thị hóa, các đô thị đã thay thế cho làng quê, phủ định và xóa bỏ làng quê, rồi sau vài trăm năm phát triển như vậy, người ta lại nhận ra lỗi lầm. Hiện tại, ở nhiều thành phố lớn của các nước công nghiệp, cứ đến các ngày nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ, nghỉ Tết, phần đông dân chúng lại dẫn nhau về các làng quê, đến nỗi thành phố trở nên vắng vẻ; nhiều người lớn tuổi thiết tha trở về thăm làng quê cũ, tìm lại ký ức của những năm tháng đã đi qua. Ở nhiều thành phố của các nước công nghiệp, hiện nay giá đất ở trung tâm không cao nữa mà ngược lại đất ở ven đô lại cao giá. Tại một số thành phố lớn ở châu Âu, Nga, Mỹ và Ucraina, có các chợ tranh, các điểm bán tranh - nơi người ta bán nhiều tranh vẽ về các đề tài khác nhau, nhưng nhiều nhất là tranh vẽ làng quê, thứ đến là tranh vẽ phụ nữ - người đẹp. Tôi đã có lần thử nhẩm đếm: tranh vẽ làng quê chiếm trên 70%, tranh vẽ người đẹp khoảng 20%, còn các đề tài khác cộng lại chỉ khoảng 10%.

Ở đây, tôi không định nói họ vẽ gì mà muốn nói cái gì đã làm cho tâm hồn các nghệ sĩ xúc cảm mà cầm bút thể hiện. Làng quê vẫn hấp dẫn nhất, hơn cả người đẹp. Ở Việt Nam, đối với thơ, nhạc, họa cũng vậy, làng quê luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Thử lý giải tại sao như vậy?

Đô thị ra đời có hai ưu điểm hơn hẳn so với làng quê. Thứ nhất, dịch vụ và tiện nghi văn minh. Thứ hai, giải phóng tự do và năng lực cá nhân, tạo động lực cho sự phát triển. Nhưng mặt khác, đô thị đã kém xa làng quê ở hai điểm: thứ nhất, không gian sống chật chội, con người bị chèn ép bởi các khối bê tông, đi trên đường mà như đi trong mương, trong rãnh, không thoáng rộng như làng quê.

Thứ hai, làm phai nhạt và đánh mất dần hồn cốt của làng quê, làm con người trở nên lạnh lùng hơn. Nhiều người cùng ở trong một chung cư, ở tầng trên, tầng dưới, thậm chí ở cùng tầng, đi cùng cầu thang, hoặc nhà liền kề, nhưng không hề biết nhau, không quan tâm đến nhau, nhiều mối quan hệ đã bị thương mại hóa… là một ví dụ. Sự lạnh lùng này chính là một phần căn nguyên khiến hồn cốt của làng quê mất dần nơi phố thị.

Vậy thì hồn cốt ấy là gì? Đó chính là cái tình, tình làng - vốn được nhen nhóm từ sự quan tâm giữa người với người, được hình thành từ sự thân thuộc, gắn bó đến mức “máu thịt” cùng “cây đa, bến nước, sân đình”, cùng bờ lau ngọn cỏ hiện hữu ở nơi họ sinh ra, lớn lên. Con người ở quê chân chất, thật thà, nặng tình nghĩa, yêu mến và quan tâm đến nhau, chia sẻ ngọt bùi với nhau. Ông bà, cha mẹ thường dặn con cháu: sống phải giữ lấy tình làng, nghĩa xóm. Nhờ cái tình ấy mà trong ký ức từng người khi lớn lên dù đi xa vẫn nhớ hoài, đậm đà, sâu lắng, mong có dịp trở về.

Một nhà văn khi nhớ về làng cũ có nói rằng: Không biết cây đa đầu làng có tự bao giờ, khi anh lớn lên đã thấy nó cao lớn rồi, và không hiểu tại sao, anh cùng bạn bè rất kính nể cây đa đó. Do hoàn cảnh chiến tranh phải đi xa, sau này trở về, cây đa đầu làng không còn nữa, anh bỗng cảm thấy trong lòng mình một nỗi gì trống vắng mà bao cái khác không thay thế được. Cách nào đó, hồn cốt làng quê là cội nguồn gầy dựng lòng nhân ái, tính nhân văn - những tính cách tốt đẹp - trong mỗi con người.

Về vai trò của làng, một số nhà nghiên cứu cho rằng trong lịch sử Việt Nam, có lúc chúng ta đã mất nước, nhưng làng thì luôn còn, và nhờ còn giữ được làng mà sau đó đã giành lại được nước! Làng và làng quê quan trọng là vậy đó nên sẽ không phải là quá đáng khi cho rằng bằng mọi cách phải giữ lấy những ưu điểm nổi trội, cốt lõi của làng quê!

Đô thị hóa là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển, cần phải được thúc đẩy, nhưng đồng thời phải quản lý, điều chỉnh quá trình ấy, hạn chế những sai lầm. Phải có sự thay đổi một cách căn bản về tư duy: đô thị không khác biệt, trái ngược, không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại là sự kế thừa, phát triển, hoàn thiện làng quê và trên cái nền của văn hóa làng, giữ cho được không gian sống, màu xanh và hồn quê nơi phố thị.

Với suy nghĩ như vậy, đi đến một khái niệm mới là Phố làng. Chủ thể mới là phố, với đầy đủ tính chất của một nơi dịch vụ và tiện nghi văn minh, nơi giải phóng tự do và năng lực cá nhân nhưng vẫn giữ những mặt tốt của văn hóa làng, kế thừa và phát huy không gian sống, tình người của làng… Làng và phố - khi đó - không phải là A và B, không phải B xuất hiện thay thế cho A trong quá trình đô thị hóa nữa mà là một sự tiếp nối, bảo tồn cái cũ tốt đẹp và tiếp thu, phát huy những cái mới văn minh, tiên tiến hơn. Từ tư duy đó, thiết nghĩ nên có một khái niệm mới cho đô thị, ví dụ như định nghĩa và qui định lại về không gian kiến trúc, về hệ số xây dựng công trình, về không gian văn hóa...

Trên thế giới đã có một số đô thị sinh thái, đô thị xanh, tại đó có nhiều nhà vườn trong phố, có rừng trong phố, có phố trong rừng, và ven đô có những phố làng. Tuy không hoàn toàn phù hợp với Việt Nam nhưng cũng có thể cho ta tham khảo về cách bố trí không gian - từ kiến trúc, văn hóa đến hạ tầng xã hội.

Để giữ được mô hình sinh thái và tình người của làng quê trong quá trình đô thị hóa cũng như không gian kiến trúc đô thị, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều việc trên cơ sở biết chú ý đặc biệt đến vai trò của văn học nghệ thuật, nền nếp, trật tự lâu đời của cộng đồng dân cư và xây dựng ý thức gìn giữ lâu bền những khía cạnh văn hóa, xã hội tốt đẹp của làng quê.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất