, //, :: GTM+7

Ảnh: Những bảo vật nặng hàng chục tấn giữa rừng lim xanh cổ thụ

Ngoài lăng tẩm của các vị vua, nơi đây còn lưu giữ những tấm bia cổ được chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu. Toàn bộ lăng tẩm, bia cổ đều gắn camera theo dõi ngày đêm.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, cội nguồn phát tích vương triều hậu Lê, an táng 6 vị vua và 2 hoàng thái hậu thời Lê Sơ.

Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban quản lý khu di tích Lam Kinh cho biết, Khu di tích rộng 200ha, bao quanh di tích là một rừng cây trong đó chủ yếu là những cây lim xanh cổ thụ. Những tấm bia cổ nằm phía sau, bên trái và bên phải chính điện Lam Kinh. Chỉ riêng lăng mộ và bia của vua Lê Túc Tông (bảo vật quốc gia thứ 5) là nằm cách khu trung tâm di tích gần 4km về phía Đông Bắc. Những lăng tẩm, bia cổ đều có camera theo dõi ngày đêm.

Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm Quý Sửu 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6), Nhà bia Vĩnh Lăng nổi bật với kiến trúc bằng gỗ lim, vỉ kèo theo lối chồng rường 2 tầng mái và 16 hàng chân cột.

Bia Vĩnh Lăng là tấm bia có kích thước lớn, điêu khắc, trang trí cầu kỳ, công phu, đường nét trau chuốt. Đây cũng là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam

Văn bia Vĩnh Lăng ngắn gọn, cô đọng, mô thuật đầy đủ về gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của Vua Lê Thái Tổ. Bia nặng 18 tấn được tạc bằng đá xanh nguyên khối.

Văn bia gồm hai phần, bia phía trên và tượng rùa phía dưới được làm bằng đá trầm tích màu xám xanh có lẫn đốm trắng.

Trải qua gần 700 năm, bia vẫn còn nguyên vẹn.

Bia Dụ Lăng được tạc hơn 500 năm trước, khắc ghi công trạng của Lê Hiến Tông - vị vua anh minh, có công gìn giữ cơ đồ triều Lê Sơ

Bia nặng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được tạc bằng đá xanh nguyên khối, hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống.

Trán bia (mặt trước) tạo hình vòng cung, chia thành ba ô, mỗi ô trang trí một rồng, rồng hai bên chầu vào nhau, rồng chính giữa lớn nhất. Mặt rồng ở chính tâm, thân cuộn theo kiểu chữ Vương.

Đế bia Dụ Lăng là tượng rùa được tạo tác thân dầy, mập, căng khỏe.

Tư thế rùa đầu ngẩng cao như đang di chuyển về phía trước để lộ hai răng to khỏe, hai mắt lộ rõ. Toàn bộ phần lưng rùa để trơn, chân rùa chạm năm móng, đuôi uyển chuyển khép kín phía sau mai rùa.

Trải qua hàng trăm năm, lưng rùa phía sau xuất hiện những vết rạn nứt.

Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi (tức bia Chiêu Lăng) được tạc dựng vào năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến Tông.

Bia cổ có trọng lượng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được làm bằng đá xanh nguyên khối. Trán bia hình vòng cung, mặt trước khắc nổi 3 hình rồng, chính giữa là một con rồng lớn, hai bên khắc hai rồng uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa.

Nội dung bia ghi chép lại thân thế, sự nghiệp, công trạng vua Lê Thánh Tông, vị vua đưa nước Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt. Ông Vũ Đình Sỹ cho biết, các tấm bia đều là các tác phẩm nghệ thuật mang tính tiêu biểu thời Lê Sơ. Nghệ thuật điêu khắc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từng chi tiết chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu…


HỒNG ANH
|
26/01/2023
Tags

Bình luận

Thời sự


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất