, //, :: GTM+7

Theo chân A Kiên, A Lừ vào mùa trà shan quýt

Những cây chè shan tuyết hàng trăm năm tuổi đời mọc thành những quần thể lớn được người dân bản coi như một báu vật của trời.

Từ những búp chè hái trên cây chè shan tuyết cổ thụ ấy, người làm trà tạo ra nhiều sản phẩm trà khác nhau như: bạch trà (trà trắng), lục trà (trà xanh), hoàng trà (trà vàng), hồng trà (trà đen), và những loại trà kết hợp như trà ống lam, trà chít, trà shan quýt, trà ướp hương… Trong đó trà shan quýt là một thức trà vô cùng đặc biệt của đồng bào người H’mông trên những bản làng cao thăm thẳm.

Theo chân Mùa A Lừ và Mùa A Kiên một ngày đi hái quýt rừng về làm trà shan quýt để thấy được những độc đáo và quý giá của thức trà này.

Quýt rừng đậu trái vào khoảng tháng Mười hàng năm. Có những cây ở tít rừng sâu, có những cây lại mọc trơ trọi ở nương xa hay thẳm vực. Đi bộ hái quýt mất một ngày đường, hai anh em mang theo gùi, bao tải và đồ ăn nước uống. Lựa ngày có nắng to khô ráo để đi hái và để làm.

Cũng như chè, quýt rừng có nhiều loại. Mỗi loại quýt rừng làm ra những hương và vị trà shan quýt khác nhau. Quýt hái phải là quýt còn xanh không non quá cũng không chín quá, bởi quả non quá thì không đủ lượng tinh dầu từ vỏ mà chín quá thì cũng hết tinh dầu. Để hái, phải đi xa vất vả; khi làm thì cũng nhiều công phu và tỉ mỉ. Làm thủ công nên người dân bản cứ túc tắc làm bên nếp ngày.

Quýt xanh hái về rửa sạch để ráo nước. Dùng một con dao sắc cắt nắp quả quýt, rồi dùng chuôi thìa khéo léo lấy hết ruột quýt ra. Làm thật nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh rách vỏ quýt cũng như tránh sót lại ruột làm hỏng trà. Không quên dùng mũi dao đục một lỗ ở đáy quả để thoát hơi khi phơi và thẩm thấu đều hơn khi pha trà. Quả quýt lấy ruột xong tiếp tục được rửa sạch với nước muối và phơi ráo, rồi đến công đoạn kết hợp trà, hay nhồi trà.

Trà dùng để làm trà shan quýt là thức trà vàng ủ ướt được hái và sao chảo củi thủ công bằng đôi tay trần, từ những cây trà shan cổ thụ trăm năm tuổi. Người Mông dùng trà vàng khi còn ủ ướt để nhồi vào quả quýt bởi trà vàng đang lên men chuyển tiếp sẽ phù hợp hơn là trà đen đã oxi hoá hết. Một thức trà mà nội thân đang chuyển tiếp cần một bao phủ kết hợp từ ngoại thân để dung hòa.

Lần lượt cho trà vàng vào trong từng quả quýt rỗng ruột cho tới khi thật đầy. Sau đó, xếp lên mẹt đã trải sẵn một lớp trà vàng rồi đem ra nơi cao phơi nắng. Ở vị trí 1.000m, nắng bản rất giòn và khô nhanh. Cứ nửa tiếng, A Kiên và A Lừ lại thay nhau ra thăm và xếp thêm một lớp trà vàng mới vào lớp trà đang héo dần trong quả. Túc tắc phơi nửa ngày là xếp thêm được năm lớp trà vàng vào quả quýt cũng đang dần khô vỏ. Mỗi lớp theo độ héo của vỏ quýt mà dùng trà vàng với độ ẩm khác nhau. Công việc tưởng như đơn giản mà cầu kỳ lắm.

Khi quả quýt đã đầy trà và khô thì tiếp tục phơi và đảo đều dưới nắng. Vừa phơi trà shan quýt, A Kiên và A Lừ vừa tranh thủ sao trà vụ thu bên chảo củi. Sau một ngày nắng già thì được trên tay một quả trà shan quýt đã khô, đã vào hương và thẫm vị. Lúc này tiếp tục mang mẹt quýt đặt vào chảo gang đang om nhiệt để sấy thật kiệt trước khi đem ủ trong chum hay bình kín. Tầm một tháng sau là hương đã dậy và vị đã êm, ta có một thức trà shan quýt tuyệt vời cho mùa đông rét hay xuân khởi mình.

Trà shan quýt của người Mông là một thức trà quý và đặc biệt. Bởi trên độ cao gần 2.000m thì cây trà shan cổ thụ hay cây quýt rừng đều là những thứ thích nghi đặc biệt trước khắc nghiệt của thiên nhiên để hội tụ sinh khí đất trời. Bởi cả cách làm cầu kỳ và tỉ mỉ từ sự lắng nghe và kết hợp hài hoà giữa cho và nhận. Một sự cho hợp lý và nhận cũng hợp tình mà đầy tinh tế của trà và quýt.

Tết đến, xuân về trong tiết se lạnh và háo hức của đất trời chuyển mình, cùng nhau nhâm nhi một chén trà shan quýt thật thơm hương và đượm vị rồi lắng nghe chia sẻ chuyện mình chuyện bạn, thật là một đãi ngộ nhẹ nhàng mà đủ đầy không mong hơn nữa.


NGUYỄN THÀNH KIÊN
|
09/02/2023
Tags

Bình luận

Thời sự


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất