, //, :: GTM+7

Trà Quế - vùng đất của những mộc mạc mùi

Mùi của màu mỡ phù sa, sự phong phú của nguồn tảo đã bồi đắp tạo nên. Mùi của lam lũ, giản dị bên những luống rau xanh mơn mởn thẳng tắp. Và mùi của bình yên, dịu nhẹ nhưng rất đặc trưng của quế, húng, é, ngò…

Khi nhắc đến một vùng đất, một quốc gia, chúng ta sẽ nghĩ ngay những giá trị truyền thống vật chất - phi vật chất, đặc biệt là những giá trị tinh thần. Hay, đúng hơn là mùi của nơi chốn.

Có những vùng đất ta chọn để khám phá, nghỉ dưỡng, và có những quốc gia, ta chọn để an nhiên, lạc nghiệp. Nhưng cũng có nơi - với thứ mùi mê hoặc, đôi khi cả chút huyễn hoặc của nó - mùi của đất, của nước, mùi của hòn đá ngọn cỏ, nhành hoa khiến ta nhẹ nhiên tự tại như hơi thở thân quen mỗi sáng. Một thứ mùi thật trừu tượng và không có ranh giới rõ ràng. Nó không được xác định bằng các phép đo đạc, nó thường xác định bằng cảm xúc. Mà cảm xúc chỉ thực lớn khi ta đã đến sống và trải nghiệm với mảnh đất vốn không thuộc về. Dường như mang sức nặng lớn lao, sẵn sàng níu kéo ta lại.

Trà Quế, ngôi làng của những người nông dân dành cả “Buổi mai buôn hẹ, bán hành/ Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm” để trồng ra những cọng rau vị nào ra vị đó, là một trong những nơi mà mùi thơm mượt mà của nó có thể khiến người ta rưng rưng, lắng đọng, bình yên như vậy.

Từ Bắc vào Nam, vùng đất nào cũng có không ít làng nghề, làng rau, nhưng để tìm được một làng rau với một thứ mùi riêng biệt như ngôi làng nhỏ Trà Quế thì cũng không nhiều.

Cả đời gắn bó với những thửa đất luống rau, truyền từ đời cụ cố, ông Mai Văn Minh canh tác trên mảnh đất rộng hơn một sào trung bộ chuyên trồng rau sạch, cho biết: “Cũng như bao nghề khác, nghề trồng rau của người Trà Quế cũng phải một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ đã đổ bao mồ hôi cày xới, vun trồng để có đến hơn 40 loại rau, nhưng có 9 loại rau tạo nên sự khác biệt không thể lẫn đi đâu được ở Trà Quế là Húng, Răm, Tía Tô, Quế, Tần ô, Ngò, Thơm, Hẹ, Hành…”

“Rau Trà Quế không những phong phú về chủng loại, mà hình dáng kích thước của rau cũng khác so với nơi khác như lá nhỏ, dày, cây cứng cáp. Các loại rau ở Trà Quế không chỉ là món ăn hàng ngày trong bữa cơm gia đình, mà còn là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên sự thơm ngon chuẩn vị cho các món ăn đặc sản của địa phương như Ram cuốn, Mỳ Quảng, Cao lầu, Bánh xèo” - Ngắt cọng rau thơm (húng bạc hà), người đàn ông 66 tuổi với khuôn mặt khắc khổ, nói thêm.

“Nặng tình hạt muối Sa Huỳnh, Rau thơm Trà Quế đượm tình bữa trưa”. Người xưa ví von mùi thơm và vị thanh của rau thơm Trà Quế như hạt muối Sa Huỳnh nổi tiếng của đất Quảng Ngãi, cũng như nói đến đặc sản Quảng Nam không thể thiếu rau sống Trà Quế. Những câu vè, lời ca, ca dao, tục ngữ… đúc kết ngắn gọn thôi, nhưng ẩn trong đó là lòng tự hào, là chút biết ơn thổ nhưỡng, nguồn nước, khí trời của người dân vùng đất này.

Đến với Trà Quế, không chỉ để thưởng ngoạn cảnh sắc thanh bình, không chỉ để trải nghiệm cách chăm sóc, tưới rau, thu hoạch... mà bạn còn có thể đi bộ hay đạp xe trên những con đường lát bằng những viên gạch đỏ nhuốm màu thời gian, tận hưởng thứ mùi quện mùi, vị đưa đẩy vị chạy vòng quanh cánh đồng rau rộng khoảng 20ha này.

Làng rau Trà Quế, niềm tự hào của người dân phố Hội được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XVI từ những cư dân ở phía Bắc của Đại Việt di cư đến khai hoang lập làng xã. Vì làng trồng nhiều loại rau thơm nên ngày xưa còn có tên gọi là Nhự Quế vì mùi thơm của cây rau giống như mùi hương của cây quế. Đến thế kỉ XIX, vua Gia Long trong lần du ngoạn sông Đế Võng, nghe tiếng tăm về ngôi làng có nhiều loại rau vị cay như Quế, thơm như Trà, nên ngài quyết định ghé chân thưởng thức hương vị các món ăn nơi đây. Từ đó, tên gọi Trà Quế tồn tại cho đến bây giờ.

Qua hàng trăm năm, nghề trồng rau Trà Quế đã hình thành nên nguồn tri thức dân gian bản địa rất đa dạng và độc đáo. Những di sản văn hóa phi vật thể, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp không chỉ đi vào ngữ văn dân gian của vùng đất Quảng Nam - nơi nổi tiếng với nhiều di sản được thế giới công nhận - mà mới đây, tháng 4 năm 2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận nghề trồng rau Trà Quế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, tháng 4/2020, người dân Làng rau Trà Quế đã tổ chức phát động xây dựng “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu”. Qua hơn 8 tháng triển khai, đến cuối tháng 12 năm 2020, thôn Trà Quế đã hoàn thành cơ bản các nội dung của Bộ tiêu chí này.

Việc công nhận Làng rau Trà Quế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, kết hợp với phát triển mô hình trồng rau truyền thống theo chuẩn VietGAP gắn liền với du lịch nông nghiệp - “Một ngày làm nông dân”, được xem như một cơ hội quý, giúp lan tỏa và nâng cao hơn nữa thương hiệu làng nghề, hướng tới một “Làng quê đáng sống” trong kế hoạch phục hồi du lịch Hội An trong những năm tới.

Và trong tương lai gần, khi sông Cổ Cò kéo dài từ Đà Nẵng vào Hội An được khai thông, Trà Quế - vùng đất của những mộc mạc mùi, sẽ trở thành một điểm đến của tour du lịch sông nước, thu hút đông đảo lượng khách ưa chuộng loại hình du lịch này.


MAI KỲ
|
23/03/2023
Tags

Bình luận

Thời sự


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất