, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/09/2020, 06:47

Phù Lưu, làng ấy phong lưu

CẨM HÀ

Ngày đến thăm làng Phù Lưu, hay còn gọi là làng Giầu, thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), tôi đã ước gì trời đổ một cơn mưa, chỉ lất phất thôi, đủ để làm ướt con đường làng lát đá xanh trầm mặc. Vì sao? Để con đường hiện lên đẹp nhất như có thể.

Vùng đất giữa mơ và thực

Làng Giầu chính là nguyên mẫu của ngôi làng Chợ Dầu được Kim Lân lấy làm bối cảnh cho truyện ngắn Làng (1948). Con đường lát đá xanh chạy suốt ngôi làng chính là con đường được nhà văn Kim Lân miêu tả: “Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất”. Nghe nói con đường dài 3km, được xây dựng hơn 10 năm mới hoàn thành vào năm 1933. Đá xanh lát đường được đưa từ Quảng Ninh theo cả đường thủy và đường xe lửa.

Trong truyện ngắn đã được dưa vào sách giáo khoa phổ thông này, ông Hai, một người chợ Giầu có tình yêu làng tha thiết, đã quyết tâm từ bỏ làng mình khi nghe tin làng theo quân Pháp, để rồi cuối cùng vỡ òa vui sướng khi biết rằng làng mình đã chiến đấu chống Tây và dù hậu quả là làng bị đốt cháy.

Thực tế thì, may sao, nhiều di tích của làng không bị thiêu trong ngọn lửa chiến tranh.

Cách Thủ đô Hà Nội 16km về phía Bắc, nằm bên Quốc lộ 1A, gần kề với thị trấn Từ Sơn, làng Giầu nằm ở một vùng đất vốn đầy ắp huyền tích nửa thực nửa mơ. Cách làng không xa là đầm Phù Lưu, được coi là nơi khởi đầu sông Tiêu Tương, con sông truyền thuyết đã gắn liền với sự tích Trương Chi - Mỵ Nương, cũng như rất nhiều tác phẩm văn hóa dân gian của vùng Kinh Bắc. Sông xưa nay đã không còn, chỉ để lại dấu tích là những vệt hồ sen cong cong mềm mại dọc quốc lộ A1 cũ.

Làng đã sớm hình thành nghề buôn bán, từ thế kỷ XV, XVI. Có nhiều câu ca dao miêu tả cảnh buôn bán nhộn nhịp ở chợ Giầu. “Chợ Giầu một tháng sáu phiên/ Ai ơi nên nhớ chớ quên chợ Giầu”. Lại cũng có câu: “Chợ Giầu bán sáo bán sành/ Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay/ Đình Bảng bán ấm bán khay/ Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông”…

Đường trục chính trong làng được lát 4 hàng đá xanh
Đường trục chính trong làng được lát 4 hàng đá xanh.

Tất nhiên, chợ không chỉ “bán sáo bán sành” đâu! Người Phù Lưu vào tận Nghệ An mua sợi ra bán tại Chợ Giầu. Người Đình Bảng sang bán lụa, người Cẩm Giàng bán rượu, người Đông Xuất bán cày bừa, người Trang Liệt bán đồ đồng vào các phiên chợ vào các ngày 4 và ngày 9 âm lịch trong tháng. Cả làng Phù Lưu trở thành một trung tâm thương mại của vùng Kinh Bắc. Có lẽ vì thế mà khác với các làng thuần nông Bắc bộ thuở ấy, làng Phù Lưu có thể coi là không gian mở, đình làng luôn là nơi tấp nập khách bốn phương.

Có của ăn của để, nên trong làng, nhà cửa được xây cất khang trang. Cụm di tích đình – đền – chùa cũng được xây dựng, bảo tồn trong tình trạng rất tốt, đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa. Đình làng Phù Lưu được giới kiến trúc đánh giá là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Mái đình cong vút nằm dưới tán rợp mát của cây bồ đề cổ thụ đã được công nhận là cây di sản. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, mở rộng, tôn tạo vào cuối thế kỷ XVIII, các họa tiết hoa văn được chạm trổ trên các kèo cột ván nong, cửa võng của đình, từ tiên nữ cánh phượng, người đánh đàn đến đoàn người đua thuyền... đều hết sức tinh xảo.

Đình thờ Thành hoàng làng và ông Lê Trần Cổ, người khởi dựng đình. Ngay bên phải đình là chùa Pháp Quang, một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, khiến cho giới sử học bán tín bán nghi về giả thiết chùa trước kia là đạo quán. Đền thờ Đức Thánh Tam Giang, tức hai anh em Trương Hống - Trương Hát. Thần phả có ghi hai ngài là hai danh tướng của Triệu Quang Phục chống quân Lương vào thế kỷ VI, "sinh vi dũng tướng, tử vi minh thần" (còn sống là dũng tướng, thác đi là thần linh). Cả đình – đền – chùa Phù Lưu đều nằm ngay trên trục đường chính của làng – con đường được lát 4 hàng đá xanh ở giữa.

Không chỉ có các di tích là đáng chiêm bái, ở Phù Lưu còn có những ngôi nhà “chuối sau cau trước” mang đậm phong cách nhà nông thôn Bắc bộ. Thế hệ 6x, 7x thế kỷ trước hẳn còn nhớ bộ phim “Đến hẹn lại lên” với nhân vật cô Nết hồn hậu, mặn mà với đôi mắt một mí do nghệ sĩ Như Quỳnh thủ vai. Nhà ông Phủ Liễn, ngôi nhà được chọn làm bối cảnh cho bộ phim, gần như vẫn còn nguyên vẹn, được vợ chồng người con gái út của cụ Liễn, nguyên là Giảng viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, quét tước sạch sẽ, hương khói nghiêm cẩn mỗi ngày.

Ngôi nhà từng được mượn làm bối cảnh trong phim
Ngôi nhà từng được mượn làm bối cảnh trong phim "Đến hẹn lại lên".

Những người con làm rạng danh quê cha đất tổ

Nếu bạn đã từng xem và yêu mến cô Nết, tôi chắc bạn sẽ muốn ghé thăm “Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam”, được thành lập bởi dịch giả nổi tiếng “Thúy Toàn họ Hoàng, chợ Giầu – Phù Lưu và đóng góp của bạn bè gần xa”. Phút chốc, tôi đã gặp lại thời thanh xuân sôi nổi của mình với Thép đã tôi thế đấy, với những vần thơ đắm đuối say mê của Puskin và Lermantov… (Thật kỳ lạ, lại là ở giữa làng Giầu, ngôi làng cổ ngàn năm)!

Sẽ vô cùng thiếu sót nếu chỉ nhắc đến truyền thống thương mại của làng. Phù Lưu nổi tiếng là đất học. Có lẽ vì đã có những người phụ nữ đảm đang xốc vác làm hậu phương vững chắc phía sau, nên nhiều người đàn ông tài hoa đất Phù Lưu được thỏa chí tang bồng, mặc sức thi thố tài năng.

Nằm sau ngôi chùa Pháp Quang cổ kính là nhà văn chỉ của làng - Hương Hiền Từ - thờ riêng các bậc khoa bảng. Quả thực ít có làng nào như Phù Lưu, từng có đến 4 tiến sĩ (được khắc tên trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám), 1 người đỗ phó bảng, 6 người đỗ cử nhân, 10 người đỗ tú tài. Là một trong 4 dòng họ lớn nhất làng, họ Hoàng đặc biệt tự hào về cụ Hoàng Thụy Chi, Tổng đốc Bắc Giang, dân làng thường gọi là cụ Tuần Chi.

Cụ Tuần chính là người đã cho lát toàn bộ đường trục chính trong làng bằng đá xanh. Con trai cụ, bác sĩ Hoàng Thụy Ba, là bác sĩ đầu tiên ở xứ Đông Dương lấy bằng Y khoa tại Pháp. Họ Hoàng còn có Cử nhân Hoàng Tích Phụng, từng là Tri phủ, một nhân vật cốt cán của Đông Kinh nghĩa thục. Ông có nhiều con trai: nhà báo Hoàng Tích Chu, người góp phần quan trọng cách tân báo chí Việt Nam; họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000; nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ…

Đình làng Phù Lưu với cây bồ đề được công nhận là cây di sản.
Đình làng Phù Lưu với cây bồ đề được công nhận là cây di sản.

Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khác cũng xuất thân từ Phù Lưu, trong đó có nhà văn Kim Lân và con trai ông – họa sĩ Thành Chương; nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà quay phim, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sĩ Hồ Bắc, dịch giả Hoàng Thúy Toàn… Phù Lưu còn sinh ra những nhân vật thành danh trong nhiều lĩnh vực khác như Trung tướng Chu Duy Kính, Tư lệnh Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức; Giáo sư sử học Phạm Xuân Nam; Giáo sư ngữ văn Chu Xuân Diên; Giáo sư toán học Hồ Bá Thuần…

Thế nên, chưa biết làng Giầu có dồi dào hơn về vật chất so với nhiều miền quê khác hay không, nhưng chắc chắn đây là một làng quê thật giàu có về truyền thống văn hoá, nghệ thuật.

Và, bạn à, chỉ có khoảng hơn 20km từ trung tâm Hà Nội đến Phù Lưu thôi nhé!

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất