, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/09/2022, 09:55

Phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo quý giá

KIM NHÃ
Đó là nhấn mạnh của TS Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo" đã được Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức tại TP.HCM ngày 28/9.

Cụ thể, theo TS Nguyễn Hữu Ninh, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. 

“Vấn đề tồn tại hiện nay là chi phí để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp vẫn còn lớn so với thu nhập của nông dân khiến cho số lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp bị bỏ phí và gây ô nhiễm môi trường”, ông Ninh nhận định. 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các vụ, cục của Bộ NN&PTNT; đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam; đại diện các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, để thúc đẩy việc chế biến, nâng cao giá trị cho phụ phẩm nông nghiệp, chúng ta nên chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn. Ví dụ, từ chính sách chỉ hỗ trợ việc xây hầm biogas chuyển sang chính sách hỗ trợ và khuyến khích áp dụng chuỗi giá trị, đa chức năng: hầm biogas –  bể lắng –  máy tách phân – sản xuất phân chuồng/hữu cơ – phát điện.

PGS. TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết Hà Lan hiện là nước tiên phong phát triển nông nghiệp tuần hoàn và là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 thế giới với diện tích nông nghiệp chỉ khoảng 2 triệu ha.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, song song với việc chuyển đổi chính sách hỗ trợ, chúng ta cần ưu tiên nâng cao vị thế của người nông dân, bởi sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đa số đang ở quy mô nông hộ. Do đó, cần chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, hợp tác xã (kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thuỷ sản) theo kinh nghiệm truyền thống vườn - ao - chuồng (VAC).

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Nói thêm về tầm quan trọng của việc xử lý phụ phẩm nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại. Hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy nước ta tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nên nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp.

"Nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều nước áp dụng, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, cần phải có một lộ trình thực hiện cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn", bà Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu thăm các gian hàng giới thiệu các mô hình phụ phẩm trong nước và quốc tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%). Số lượng lớn phụ phẩm này khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. 

Cả nước hiện có khoảng 5 - 6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, chỉ khoảng 20% nguồn thải ra môi trường được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại 80% thải trực tiếp ra môi trường.

Tương tự, trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất