, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/03/2023, 06:00

Phụ phẩm nông nghiệp, thiếu “liều thuốc” kích thích

ĐẬU DUNG - XUÂN LỘC
Nguồn phế phụ phẩm nếu được tận dụng không chỉ giúp gia tăng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần mà còn giúp bảo vệ môi trường.
 
 
 

Phóng viên (PV): Ngành chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp đã được khuyến khích nhiều năm qua, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn thờ ơ, bỏ ngỏ? Đó chính là điều chúng ta sẽ bàn đến hôm nay. Nhưng trước hết, chúng ta sẽ cùng lắng nghe câu chuyện của những người trẻ khi tham gia vào lĩnh vực này. Đầu tiên, có lẽ chúng ta sẽ nghe câu chuyện của chị Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn (tại xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông). Được biết, với giải pháp “Chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa” mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như nâng cao giá trị cây quýt bản địa, tăng thu nhập cho bà con từ việc tận dụng, thu mua quýt rụng, quýt bi; tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động từ chế biến sản phẩm của HTX; góp phần giảm nghèo ở địa phương, chị Thùy Dương đã được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ ba - năm 2020…

Chị Vi Thùy Dương: Tôi vốn xuất thân là một giáo viên có thâm niên 7 năm trong nghề, vì nhân duyên với cây cỏ mà bỏ nghề chuyển sang làm về cây cỏ đến hiện tại cũng được 5 năm. May mắn lớn nhất của tôi là gặp được những người thầy hỗ trợ nhiệt tình, giúp tôi có cái nhìn tổng thể hơn về  những kiến thức và những việc tôi cần tìm hiểu thị trường. 

Quýt là cây nông nghiệp bản địa cũng là cây mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn, đã từng đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Quýt Bắc Kạn cũng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là mặt hàng được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu EVFTA. Thế nhưng, việc tiêu thụ quýt của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn vì nông dân chỉ bán thô là chủ yếu, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào thương lái. Nhìn thấy thực trạng đó, tôi quyết tâm nghiên cứu chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa. 

Năm 2017, tôi bắt đầu làm sản phẩm tinh dầu và trần bì từ quả quýt. Thế nhưng, vỏ quýt chỉ chiếm có 20% thành phần quả quýt, khi lấy vỏ thì ruột quýt thải ra rất nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, khiến đất bị chua. Vì vậy, tôi đã tự mày mò nghiên cứu để làm nước quýt lên men và rượu quýt. Như vậy, tôi tận dụng được hết toàn bộ quả quýt. Phần vỏ đẹp được sấy làm trần bì, phần vỏ vụn được nghiền nát, sử dụng công nghệ chưng cất lôi cuốn hơi nước để làm tinh dầu. Còn phần múi quýt thì làm nước quýt lên men theo công nghệ chế biến từ Nhật Bản tôi học được từ một giáo sư người Nhật khá nổi tiếng. Nước này tiếp tục được lên men và chưng cất, tạo dòng rượu quýt. 

Đến tháng 12/2022, tôi kết nối cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) để nghiên cứu thêm sản phẩm nước quýt cô đặc và mật ong vỏ quýt. Tuy mới ra thị trường nhưng đã được mọi người đánh giá cao. Tuy nhiên, việc mở rộng kênh phân phối vẫn cần nhiều thời gian. Một vấn đề nữa là cây quýt hay bị sâu đục thân, vàng lá,  ruồi vàng, đốm đen… nên phun xịt rất nhiều. Vì vậy, tôi đã quy hoạch vùng trồng, trực tiếp mời các hộ dân tham gia HTX và yêu cầu các thành viên HTX canh tác theo quy trình của HTX đưa ra, có giám sát chặt chẽ và HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm của thành viên làm ra không phân biệt to nhỏ với giá cao hơn giá thị trường.

PV: Thị trường của các sản phẩm từ quả quýt hiện nay ra sao, chị có thể chia sẻ thêm?

Chị Vi Thùy Dương: Sản phẩm tinh dầu và trần bì từ vỏ quýt đã có đầu ra khá ổn định. Rượu quýt cũng có đối tác bao tiêu. Còn nước quýt cô đặc và mật ong quýt thì sản phẩm mới nên vẫn đang tìm kiếm thị trường. Tôi cũng đã chủ động thường xuyên đưa các sản phẩm của HTX tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi rất có niềm tin vào sản phẩm này bởi thị trường các sản phẩm tốt cho sức khỏe đang thực sự rộng mở. 

 
 
 
 

PV: Còn câu chuyện của chị Vũ Thị Liễu thì sao, chị đến với nguyên liệu bền vững ECOSOI từ cơ duyên nào?

Chị Vũ Thị Liễu: Tôi là người làm về môi trường, đã từng tham gia dự án liên quan đến các hóa chất độc hại (dự án POP của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Trong một lần đi công tác tại Thạch Thành (Thanh Hóa), tôi tận mắt thấy những cánh đồng dứa bạt ngàn; bà con nông dân phải phay, phơi (thậm chí là phun thuốc cỏ cháy) rồi đốt bỏ một lượng lá khổng lồ sau khi thu hoạch. Điều đó làm ảnh hưởng môi trường không khí, làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ vi sinh của đất và theo nước mưa, các chất độc hại thấm xuống nước ngầm, chảy vào nước mặt gây ảnh hưởng thầm lặng đến sức khỏe của người dân địa phương và các vùng lân cận.

Sau đó, qua tìm hiểu, tôi biết lá dứa có thành phần xenlulozo cao, sợi dứa đã được các nước tiên tiến sử dụng làm da thực vật nên mình cũng đã thử các cách tách sợi trong phòng thí nghiệm. Kết quả là sợi có thể tách ra từ lá theo nhiều phương pháp và có ứng dụng trong ngành thời trang và may mặc.

Như một cơ duyên, tôi được một người bạn kết nối với Nguyễn Văn Hạnh, một người làm nông nghiệp về dứa và cũng rất hứng khởi với dự án tách sợi từ lá dứa. Hạnh là chủ của nông trại dứa Hạnh Phúc, cũng là người luôn mong muốn tạo được công ăn việc làm tại chỗ cho bà con nông dân ở địa phương để họ không phải đi tha phương cầu thực nữa. Hạnh cũng muốn thử sức với những dự án mang lại tác động tích cực cho xã hội. Chúng tôi đã bắt đầu tạo thành một đội để nghĩ cách làm sao cơ khí hóa được việc tách sợi và thành lập nên Công ty Cổ phần nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (ECOSOI).

PV: Chị đánh giá thế nào về tiềm năng của sợi dứa trong một thị trường đa dạng các nguyên liệu may mặc hiện nay?

Chị Vũ Thị Liễu: Sợi dứa có tiềm năng lớn vì nó là nguyên liệu cho ngành dệt may và sản xuất da thực vật. Ngành dệt may là ngành lớn, quy mô thị trường nội địa và nước ngoài lên đến hàng chục tỉ USD mỗi năm. Tương tự như dệt may, vật liệu da cho ngành thời trang cũng rất tiềm năng. Thêm vào đó xu thế thị trường hướng đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm với xã hội nên sợi dứa không chỉ là loại vật liệu mới cho những ngành hàng lớn mà nó còn đi đúng xu thế của xã hội với nền kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông sản Việt vô cùng phong phú với sản lượng hàng năm lớn đồng nghĩa với việc một lượng lớn phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp được thải bỏ gây ô nhiễm và lãng phí. Ngành chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp mang đến rất nhiều giá trị kinh tế và xã hội. Với xu thế hội nhập và phát triển bền vững, các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm và phế phẩm nông nghiệp được chào đón trên thị trường nên đây là một ngành hàng đáng được quan tâm đầu tư và thúc đẩy.

 
 

PV: Có thể thấy một điểm chung giữa hai nhà khởi nghiệp trẻ đó là nhìn thấy tiềm năng của phế phụ phẩm nông nghiệp, cũng như việc xử lý không đúng cách các phế phụ phẩm này đang gây hại cho môi trường như thế nào. Họ tham gia vào ngành này không chỉ với mong muốn giảm thiểu tác hại cho môi trường mà còn tạo ra sản phẩm giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Là một người có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, ông nghĩ sao về hành trình mà các nhà khởi nghiệp này lựa chọn, thưa ông Hồ Xuân Hùng?

Ông Hồ Xuân Hùng: Tôi rất thích những bạn trẻ xông xáo trong ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phế phụ phẩm. Bởi lẽ, ngành này đang cần những người dấn thân đi vào. Nhiều người đi thì mới thành đường; nhiều đơn vị, cá nhân tham gia vào thì chúng ta mới có ngành công nghiệp phụ phẩm được. 

Thực ra, việc sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp không mới. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, thế hệ chúng tôi (ông Hùng sinh năm 1951 - PV) đã biết sử dụng phế phụ phẩm. Khi ra đường, nếu thấy phân bò, phân trâu thì hốt đem về bón ruộng. Đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa xong, rơm rạ không bỏ đi mà phơi khô rồi bó lại. Rơm “đẹp” thì cho trâu bò ăn, rơm “xấu” thì rải trong chuồng cho trâu bò nằm, hoặc đem đun trong bếp lửa. Có thể thấy, từ thời xưa người Việt Nam mình đã biết tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp rồi. Tuy nhiên, việc sử dụng đó hãy còn thô sơ.

Bây giờ, công nghệ ngày càng phát triển, việc tận dụng phế phụ phẩm cũng phát triển hơn trước. Những thứ như lõi ngô, bột tre... xưa chỉ có vứt đi, nay được tận dụng sản xuất viên nén, xuất khẩu ra nước ngoài. Có rất nhiều loại phụ phẩm, giờ đây đều trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp khác. Nông nghiệp Việt Nam lại đa dạng về nông sản, có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực này. Thế nhưng, muốn bán phế phụ phẩm ra thị trường thế giới thì phải nâng tầm, phải biến thành những sản phẩm chất lượng cao, mới tạo ra giá trị cao, thậm chí phụ phẩm còn mang lại giá trị cao hơn cả chính phẩm.

Đây là một ngành kinh tế còn quá nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng tới thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực chế biến phế phụ phẩm chưa nhiều. Có nhiều lý do dẫn đến hệ quả đó.

 
 
 
 

PV: Không biết khó khăn lớn nhất hiện tại của những đơn vị như ECOSOI và HTX Hương Ngàn là gì?

Chị Vi Thùy Dương: Nhiều người cho rằng khó khăn lớn nhất là vốn nhưng điều đó chưa đúng. Cái mà HTX của chúng tôi đang thiếu nhất là một nhà xưởng đủ điều kiện sản xuất, đảm bảo một quy trình sản xuất chất lượng. Vì thiếu quy mô nhà xưởng, nên hiện tại, chúng tôi chỉ có thể làm sản phẩm nhỏ, lẻ chứ chưa thể làm lớn hoặc gia công cho các doanh nghiệp, cũng vì lẽ đó, chưa tận dụng được hết giá trị của nông sản. Đó là điều hết sức đáng tiếc. Ngoài ra, quýt Bắc Kạn trồng theo mùa vụ. Vào vụ mùa, công nhân phải làm liên tục 3 ca từ sáng đến tối không nghỉ cho kịp tiến độ sản xuất. Nhưng vụ mùa chỉ kéo dài 3 tháng, sau đó thì ngừng. Chúng tôi không có nguyên liệu để sản xuất. Vì vậy, muốn đầu tư thiết bị lớn cũng rất khó.

Chị Vũ Thị Liễu: Với các đơn vị khởi nghiệp như ECOSOI, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, không chỉ về vốn. Thứ nhất, chúng tôi cần nghiên cứu phát triển sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường và khả thi về kinh tế. Để làm được điều đó là rất khó và yêu cầu cần có sự đầu tư lớn cả trong nghiên cứu và phát triển công nghệ. Thứ hai, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kết nối với các thị trường trong và ngoài nước để thúc đẩy sự hợp tác và bán hàng.

Ngoài hai khó khăn chính đó thì doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhiều khó khăn cả về phương cách quản lý, phương cách thương mại và khả năng xoay sở trước những bất trắc xảy ra trong quá trình phát triển doanh nghiệp,…Chúng tôi vừa làm vừa học hỏi và vừa tìm kiếm những nguồn lực hỗ trợ để có thể phát triển được dự án mình đang theo đuổi.

 
 
 
 

PV: Còn ông Hồ Xuân Hùng, trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, họ có trao đổi với ông về những khó khăn của họ không?

Ông Hồ Xuân Hùng: Đúng là khi nói chuyện với một số doanh nghiệp đang làm về phế phụ phẩm nông nghiệp, họ hay nhắc đến vốn và xem đó là khó khăn lớn nhất. Nhưng tôi nghĩ vốn không phải là khó khăn lớn nhất đâu. Cái khó nhất và có vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và hoạt động trong lĩnh vực phế phụ phẩm là lựa chọn công nghệ ưu tú và không lạc hậu.

Mặc dù so với trước, đây là thời đại của công nghệ thông tin, có nhiều thuận lợi để tiếp cận; tuy nhiên, cũng vì nó rộng quá, mênh mông quá, thành ra, lựa chọn công nghệ phù hợp và hiện đại không phải là một điều dễ dàng. Chưa kể, khoa học kĩ thuật phát triển liên tục, hôm nay thế này, ngày mai có khi đã khác rồi. 

Ở Việt Nam, đa phần là kế thừa thành tựu hoặc mua công nghệ về ứng dụng vào sản xuất. Nếu không cẩn thận, không khéo ta nhập về những thứ công nghệ tụt hậu. Họ lo nhất là cũ người mới ta. Việt Nam ta “vấp” phải trường hợp này nhiều lắm.

PV: Ngoài vấn đề cũ người mới ta, từ quan sát của cá nhân ông thấy để hoạt động trong lĩnh vực phế phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta, các đơn vị còn đối diện với những khó khăn nào nữa?

Ông Hồ Xuân Hùng: Có rất nhiều khó khăn khác. 

Thứ nhất, ta thiếu nguồn nhân lực phù hợp để sử dụng, làm chủ công nghệ đó. Thứ hai, ta cũng đang thiếu trầm trọng data (dữ liệu) của lĩnh vực phụ phẩm nông nghiệp (cả thông tin cơ sở lẫn thông tin tổng hợp) để dựa vào đó mà đưa ra những bài toán kinh doanh cũng như bước đi phù hợp. 

Thứ nữa, đầu tư vào công nghệ mới, bao giờ cũng mạo hiểm, rủi ro và chi phí bỏ ra cao hơn. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng lại không có vẻ gì “thân thiện” lắm. Chưa kể, nhiều chính sách ưu đãi chưa được thực thi. Khi nhiều doanh nghiệp e ngại đặt chân vào lĩnh vực này, tôi rất hiểu cho họ.

Thứ tư, thị trường nước ta thiếu minh bạch, sạch – bẩn, thật – giả lẫn lộn, thậm chí cái giả thắng cái thật. Những đơn vị, cá nhân làm ăn đàng hoàng dễ thất bại.   

Thứ năm là sự thiếu ổn định của chính sách. Nếu thay đổi, phải đi theo hướng phát triển, chứ không phải thay đổi theo hướng khó đoán định được. Những người muốn làm về phụ phẩm rất ngại vấn đề này. Họ vẫn đang chờ đợi một sự ổn định về mặt chính sách.

 
 
 
 

PV: Năm ngoái, trong Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có những nội dung nói về phụ phẩm nông nghiệp. Hình như, đây là lần đầu tiên, chúng ta có hẳn một nghị quyết đề cập đến vấn đề này? 

Ông Hồ Xuân Hùng: Đây là điều khiến tôi mừng nhất. Chúng ta đã nói câu chuyện phụ phẩm nông nghiệp này lâu rồi nhưng đến nay mới thành nghị quyết. Nghị quyết ra đời cho thấy Đảng ta đã nhìn ra vị trí và vai  trò của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Có nghị quyết rồi, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật là điều cần và đủ. Với người dân, đặc biệt là người nông dân, chúng ta phải nói rất cụ thể, không chung chung. Tôi ví dụ, những người trồng ngô, trồng lạc, phụ phẩm là gì, xử lí ra sao? Có tiềm năng làm thành sản phẩm gì? Ai làm? Có công nghệ nào có thể áp dụng? Có mô hình nào để tham khảo rồi? Dữ liệu ra sao? Phải rất rõ như vậy. Trăm nghe không bằng một thấy. Ta hay nói kinh tế tuần hoàn, thì chưa chắc người dân hiểu đâu. Tại sao trong chương trình Nông thôn mới, phải có bộ tiêu chí là vì vậy. Phải chỉ ra cho người dân đường rộng bao nhiêu mét, nhà cửa ra sao, trường học ra sao... thì người dân sẽ hiểu ngay mà làm.  

Tuy nhiên để có chính sách “sát”, những người làm chính sách phải hiểu phụ phẩm nông nghiệp là gì? Có những loại nào? Một là, phụ phẩm trên đồng ruộng, trong chuồng trại, trong ao hồ...; hai là phụ phẩm của sản phẩm sau khi thu hoạch về; ba là phụ phẩm sau khi chế biến. Ngoài ra còn phụ phẩm sau bàn ăn, bàn tiệc... Tất cả đều là phụ phẩm nông nghiệp cả, nhưng phải hiểu, có những cái nằm ở nông dân, nông nghiệp, có những cái thuộc về thương mại, dịch vụ; có những cái thuộc về công nghiệp. Phải phân cho rõ để biết ta cần bàn ở khâu nào rồi mới chia ra từng lĩnh vực được? Để từ đó, còn có thể làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cấp, từng thành viên trong xã hội. 

PV: Vậy nhà nước nên có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này?

Ông Hồ Xuân Hùng: Trước mắt, Chính phủ nên có một chương trình hành động quốc gia, trong đó có các chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, ở thời đại này, bất cứ lĩnh vực gì cũng không thể tách khỏi khoa học và công nghệ. Hiện, ở ta vẫn có những cá nhân nhà khoa học hoặc doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm khoa học nhưng số đó không nhiều. Sản xuất không nhiều thì chi phí thường rất cao. Vì vậy, chúng ta phải có một chính sách riêng để khuyến khích, kêu gọi các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm khoa học phục vụ cho công nghệ tái tạo trong phụ phẩm nông nghiệp. 

Chị Vũ Thị Liễu: Các doanh nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp thực sự mang lại nhiều giá trị và có tiềm năng lớn, phù hợp với sự phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên để giảm bớt những khó khăn thì các chính sách hỗ trợ về vay vốn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ không hoàn lại, tiếp cận các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các hỗ trợ về thuế hoặc hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức quản lý, cũng như hỗ trợ về tiếp cận, học hỏi công nghệ chế biến đều rất hữu ích cho các doanh nghiệp này.

Chị Vi Thùy Dương: Tất nhiên, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, nhưng tôi nghĩ, khi đã quyết định khởi nghiệp, những người tham gia đều phải chuẩn bị tư tưởng để có thể tự lực để sinh tồn và phát triển. Không nên có tư tưởng trông chờ hay ỷ lại vào nhà nước, từ việc hỗ trợ vốn hay tìm thị trường… Ý tôi nói ở đây, doanh nghiệp cũng cần chủ động nhiều hơn nữa trong việc tận dụng cơ hội của mình.

 
 
 
 

PV: Gần đây, người ta hay nhắc đến cụm từ “nền nông nghiệp hiện đại”. Vậy việc xử lí phế, phụ phẩm và thúc đẩy nó trở thành ngành công nghiệp phụ phẩm có vai trò như thế nào trong hệ sinh thái của nền nông nghiệp hiện đại nước ta? 

Ông Hồ Xuân Hùng: Điều này có vai trò quyết định, bởi lẽ nó vừa hưởng thành quả của phát triển khoa học công nghệ, vừa định hướng cho những phát triển sắp tới của công nghệ. Nhưng chúng ta cũng đừng hi vọng có một thành quả của khoa học đạt đỉnh cao, tối đa… vì khoa học kĩ thuật lúc nào cũng có ưu, nhược và biến đổi không ngừng. 

Khi đi ra nước ngoài, người ta thường nhìn quốc gia đó có cái gì, có sản phẩm gì, chính điều đó mới định vị vị thế quốc gia. Chúng ta phải xác định cho rõ, ngành nông nghiệp này có một vai trò như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam. Để phát triển công nghiệp, chúng ta còn phải theo đuổi miệt mài vì các nước có nền tảng công nghiệp và họ phát triển từ lâu đời rồi. Phát triển công nghiệp là đích hướng tới nhưng không hề dễ dàng. Nhưng nông nghiệp lại khác, là cái vốn, là cái có sẵn, là bản sắc của ta. Chúng ta có truyền thống, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... Một nền nông nghiệp với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng đó là ưu việt của nước ta. Phải giải quyết tốt vấn đề phụ phẩm nông nghiệp để nông nghiệp phát triển hiệu quả và đàng hoàng.

Cảm ơn các khách mời đã tham gia vào bàn tròn ngày hôm nay.

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất