, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/02/2023, 06:00

“Phù thủy dừa” Nguyễn Thị Kim Thanh: Đánh thức gáo dừa là đánh thức chính bản thân mình

THANH NHÃ
Có một người phụ nữ dành tình yêu cho những chiếc gáo dừa tưởng chừng như không giá trị đã tạo nên những bức tranh có giá hàng trăm triệu đồng. Hơn thế nữa, bà còn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phát hiện ra rất nhiều điều thú vị từ dừa và đã trình lên Chính phủ Chiến lược Phát triển để dừa có thể trở thành một ngành kinh tế phát triển bền vững.

Người phụ nữ đó từng được báo giới gọi tên là “Phù thủy Gáo dừa” sau khi đạt 2 giải Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM (2003 và 2004) về những giải pháp đưa gáo dừa về mặt phẳng để làm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất và bóc tách gáo dừa để làm ra những bức tranh có giá trị. Bà là Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty Dừa Việt.

Sau khi trở thành Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam và hoàn thiện quy trình công nghệ cho việc sản xuất, phạm vi nghiên cứu của bà không chỉ còn là gáo dừa, không chỉ là những giá trị hữu hình mà còn cả giá trị vô hình của dừa nữa. Trò chuyện với bà, người ta sẽ bị cuốn theo niềm đam mê chất chứa trong những phát hiện thú vị về dừa.

Nói đến dừa, người ta thường nhớ tới tứ mở đầu bất hủ trong bài Dừa Ơi của Lê Anh Xuân: “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/ Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ/ Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió/ Tôi hỏi nội tôi: dừa có tự bao giờ?”...

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Những câu thơ này đã khắc sâu vào lòng những ai được đọc nó, bởi sự mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng như hơi thở có thể ngay tức thì in sâu vào tâm trí. Ở Việt Nam không chỉ trong thơ Lê Anh Xuân, mà dừa đã đi vào tranh Đông Hồ, tục ngữ, ca dao, thơ ca, hò vè… bởi sự gần gũi thân thương. Dừa đã mang trong mình sự vô giá, từ hữu hình đến vô hình.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh. Tranh: Hoàng Tường

Giá trị vô hình ở đây có phải ý bà muốn nói đến giá trị lịch sử và văn hóa?

Đúng vậy. Việt Nam có lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi, cùng bao thăng trầm biến đổi. Cây dừa là biểu tượng tâm linh của thị tộc Chăm Dừa từ thuở xa xưa. Theo sử sách, đến giữa thế kỷ thứ VI, thời Tiền Lê dưới triều Lý Nam Đế, cây dừa chính thức có mặt ở Vạn Xuân, sau cuộc dẹp loạn quân Lâm Ấp (thuộc thị tộc Dừa) sang cướp phá Nhật Nam, hơn năm ngàn tù binh Lâm Ấp bị bắt được đưa về Vạn Xuân, một phần được cho xây dựng thành Tô Lịch (tiền thân của thành Đại La), phần còn lại danh tướng Phạm Tu - Lý Mục Man đã đưa về quê mình tại làng Yên Sở, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, một làng dừa cổ nổi tiếng với đặc sản bánh gai và 73 cái giếng cổ không bao giờ cạn nước.

Hoàng thành Thăng Long có một cửa ô mở về phía Tây mang tên Nôm (tên có từ trước khi xây dựng hoàng thành Thăng Long) là Chợ Dừa. Địa danh ấy đến giờ vẫn tồn tại và đã được đưa vào bản đồ hành chính của thủ đô Hà Nội. Sau những cuộc dẹp loạn quân Chiêm Thành của các thời đại thì tù binh Chiêm Thành có mặt nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc. Và nơi đâu trồng nhiều dừa thì nơi ấy có đặc sản bánh gai. Bánh gai là loại bánh có nguồn gốc từ bánh ít lá gai của người Chăm dâng cúng trời đất, thần linh, sau đã được “Việt hóa” thành chiếc bánh vuông mà không còn mang hình chóp nữa…

Dừa trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt từ thuở xa xưa. Tục nhuộm răng đen của người Việt xưa cũng đã dùng nhựa trong quá trình đốt gáo dừa thành than, rồi đến các loại bánh dân gian truyền thống như bánh đa, bánh đúc, cũng đều có dừa làm nguyên liệu nhằm tăng thêm hương vị. Lá dừa từng một thời được dùng làm cổng chào ngày cưới, cổng hội hè, rồi những chiếc gáo dừa múc nước, chiếc chổi quét bếp bằng xơ dừa đã trở thành ký ức thời gian, chiếc chổi chà từ cọng lá dừa… Chiếc gáo dừa ngày xưa chỉ dùng để múc nước nay cũng đã mài dũa để đưa vào tranh hay làm thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị lên tới tiền tỷ, như chiếc tàu du lịch từ gáo dừa ở Phú Yên do nghệ nhân Bình SVC thực hiện chẳng hạn…

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Bà hẳn đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cây dừa để có những câu chuyện lịch sử thú vị như thế?

Năm 2000, sau khi hoàn thành căn nhà từ gỗ dừa, tôi đã xuống Bến Tre để tìm mua những sản phẩm trang trí cho ngôi nhà của mình thì hết sức bất ngờ khi nhìn thấy những sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa do những người thợ thủ công Bến Tre chế tác, tôi đã tiếc vì sự thiếu chăm chút và nghĩ: nếu vào tay mình, chiếc gáo dừa sẽ khác. Với hơn 2 năm mày mò nghiên cứu để đưa gáo dừa về mặt phẳng, sự hứng thú khi phát hiện ra sự lung linh kỳ ảo của gáo dừa trong quá trình sừng hóa sẽ cho nhiều sắc độ khác nhau, nhờ đó mà tạo nên những bức tranh hay các sản phẩm trang trí nội ngoại thất độc đáo.

Nhưng công việc sáng tạo từ gáo dừa không phải là việc nhẹ nhàng. Chẳng hạn như để tạo ra bức tranh “Việt Nam quê hương tôi” trị giá 100 triệu, 8 người thợ đã phải gia công hơn 300kg dừa thô trong suốt hơn hai tháng rưỡi. Đây là công việc không dễ dàng gì! Thế nên hàng trăm công nhân đến rồi đi, mấy ai trụ lại với nghề.

Tôi vốn không phải là một người kinh doanh nên đến với dừa không phải là để kiếm tiền mà để thỏa đam mê với sự kỳ ảo qua những nghiên cứu ứng dụng vật liệu rồi đến giá trị vô hình của dừa và mong biến những giá trị này trở thành nguồn thu lớn cho ngành dừa. Đó là khai thác để xây dựng chuỗi giá trị những giá trị của dừa, vì vậy mà lúc này đây, đã gần tuổi thất thập mà vẫn tiếp tục đến trường. Hơn 20 năm trên hành trình nghiên cứu tìm tòi và phát minh đơn độc, tôi tự mình mò mẫm từng bước đường đầy chông gai...

Sau lưng người đàn ông thành công thường có bóng dáng của một người phụ nữ, nhưng người phụ nữ muốn thành công thì phải rất nhiều đánh đổi. Xin phép cho tôi dùng từ “tham vọng” để nói lên mong muốn của mình, chính là nỗ lực xây dựng Hệ sinh thái Dừa là chuỗi giá trị của những giá trị mà dừa đem lại để ngành dừa trở thành một ngành kinh tế bền vững.

Cách làm tăng giá trị của dừa có phải là sử dụng ý tưởng về tranh gáo dừa để kêu gọi đầu tư trên sàn giao dịch ý tưởng Việt Nam, như cách chị đã bán thành công ý tưởng “Đánh thức gáo dừa” cách đây nhiều năm?

Việc bán ý tưởng trên sàn giao dịch ý tưởng Việt Nam rất hữu hạn. Cái mình có thể nâng cao giá trị của dừa là để mọi người hiểu hơn những giá trị vô hình của nó qua những câu chuyện lịch sử, văn hóa và những triết lý của dừa. Hơn hết, những câu chuyện về dừa luôn lại mang lại những bài học hữu ích để nhìn lại chính mình và răn dạy con cái, nó còn là văn hóa truyền thống của dân tộc cần gìn giữ và truyền lại cho đời sau. Chẳng hạn như từ ngàn xưa, ông bà ta đã có câu: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” để dạy con cháu dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải là người có ích.

Đến với gáo dừa, đánh thức được nó cũng là đánh thức chính mình, bởi trong mỗi chúng ta đều có những khả năng tiềm ẩn, nếu không biết đánh thức, nó sẽ mãi mãi ngủ yên. Cũng như con người, gáo dừa muốn được đanh cứng phải trải qua quá trình sừng hóa, quá trình sừng hóa ấy của gáo dừa thật thú vị, vì nó trùng với quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sống của con người đó là theo nguyên tắc “Vết dầu loang”.

Thật thú vị! Từ trước đến nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu về cây dừa và những hiệu quả kinh tế từ cây dừa nhưng chưa từng nghe ai nói đến sự tương đồng giữa dừa với con người. Bà có thể chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện này?

Việc nghiên cứu về dừa của tôi đang ở mức phát hiện, kiến thức nền, vì chưa đủ cơ sở lý luận hệ thống lại một cách logich để những nghiên cứu của mình chính thức đưa vào giảng dạy một cách chính thống, vì vậy việc học thêm của tôi ở giai đoạn này chính là bổ sung kiến thức một cách bài bản qua những buổi thuyết trình, những tiểu luận ở những chuyên đề khác nhau liên quan tới dừa.

Chúng ta ai cũng đều muốn sống có ích, tuỳ từng hoàn cảnh, điều kiện và khả năng cụ thể của từng người. Và gáo dừa cũng vậy! Chiếc gáo dừa được cấu tạo bởi sellulo ở dạng sừng hóa, nên tuy là gỗ, nhưng lại có tính chất cơ bản của đá, đó chính là độ cứng bề mặt mà không có loại gỗ nào có được. Cũng vì điều đó mà người xưa có câu “Dừa già là bà lim”, bởi cây lim là loại cây được sắp vào nhóm thiết mộc (cứng như sắt) nhưng còn phải thua những gốc dừa già trăm năm. Riêng gáo dừa chỉ cần 1 năm là sừng hóa hoàn toàn, không bị thời gian và môi trường yếm khí làm cho mục ruỗng lại có đầy đủ tính năng của đá. Đặc biệt càng ngâm lâu trong nước gáo dừa càng trở nên đen bóng và bền chắc. Từ đó, tôi phát hiện ra sự tương đồng thú vị của gáo dừa với con người.

Chiếc gáo dừa múc nước sẽ càng đen càng bóng theo thời gian nếu được thường xuyên sử dụng, khi không còn được sử dụng, gáo dừa treo lên khoảng mươi hôm sẽ khô giòn và dễ nứt vỡ khi bị rơi từ trên cao xuống. Giống như con người chúng ta vậy, khi được làm việc, được cống hiến và được công nhận, chúng ta sẽ có cơ hội tỏa sáng, bằng ngược lại, khi không còn khả năng làm việc, không còn được trọng dụng, người ta sẽ dễ dàng bị tổn thương. Phải chăng đó chính là triết lý gáo dừa?

Từ những phát hiện trên, chúng tôi đã mở rộng nghiên cứu của mình ra thêm nhiều lãnh vực khác nhằm để mọi người hiểu thêm về giá trị thực của dừa trong đời sống con người và tại sao dừa lại được ông bà ta đưa vào tục ngữ để dạy dỗ con cháu biết cách làm người, mà tục ngữ chính là 1 loại hình văn học dân gian được đúc kết cô đọng và mang tính triết lý sâu sắc nhất.

Những phát hiện này quá mới mẻ, bà có e ngại rằng sẽ có nhiều ý kiến cho những lý luận này là khiên cưỡng và áp đặt không?

Là người đầu tiên nghiên cứu về vật liệu gáo dừa, đã từng đạt 2 giải sáng tạo KHKT TP.HCM, tôi tự tin về những phát hiện của mình. Riêng về văn hóa dừa, đã có những ý kiến trái chiều, thậm chí có lần những người quản lý văn hóa đã phủ nhận văn hóa dừa. Trước những quan điểm phủ nhận như vậy, tôi biết mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Muốn thay đổi những suy nghĩ từ tiềm thức của mỗi người, chúng ta cần phải có đủ cơ sở lý luận và thực tế cảm quan mới có sức thuyết phục.

Còn rất nhiều giá trị vô hình khác, ẩn sâu trong chuỗi giá trị của dừa cần được khai thác. Muốn khai thác được giá trị vô hình này, chúng ta phải hiểu rõ được và biến những giá trị ấy thành “sản phẩm” và đặt tên cho nó. Khi sản phẩm đã có tên, ta phải biến nó thành thương phẩm và xây dựng thương hiệu cho nó bằng chất lượng và tính đặc thù. Với góc nhìn này về dừa, hẳn mỗi chúng ta sẽ yêu hơn cây dừa quê mình và muốn làm điều gì đó để giá trị vô hình này sẽ hữu hình bằng sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần những người hết sức tâm huyết để định hình được nó bằng những câu chuyện thực tế diễn ra hằng ngày theo tập quán truyền thống của dân tộc. Hay nói cách khác là hệ thống lại tập quán của cư dân xứ dừa một cách khoa học cùng những giai thoại về dừa. Đây chính là sản phẩm văn hóa đặc trưng về dừa mà không một loại cây cho quả nào có được.

Từ nguồn “nguyên liệu” này, chúng ta có thể tập hợp để in thành sách tư liệu phục vụ cho ngành Việt Nam học, văn hóa học, dân tộc học. Và điều thiết thực hơn, ấy chính là mở ra cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam thêm sản phẩm du lịch dừa với nội dung hấp dẫn và độc đáo bởi chiều sâu văn hóa và lịch sử của nó.

Đến với du lịch dừa, khách du lịch sẽ hiểu hơn về cây dừa Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam (hiện còn rất nhiều nhân chứng sống), tính cách hào sảng của người Việt Nam cùng những món ăn dân dã truyền thống cũng như hiện đại và hết sức độc đáo từ dừa từ ngàn đời. Kết hợp cùng tham quan làng nghề dừa: làm bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ… và ở lại cùng cộng đồng để hiểu được tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương. Điều này sẽ nâng cao được đời sống văn hóa của cư dân địa phương đồng thời du khách có được những trải nghiệm thực tế về cuộc sống nơi đồng quê thôn dã. Với những buổi chợ quê, những ngày giỗ chạp, cưới hỏi… 

Khai thác được giá trị vô hình của dừa để biến thành sản phẩm, chính là hình thức quảng bá cho cây dừa Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam với bạn bè năm châu và hơn hết là để cho người Việt Nam hiểu được thêm một phần giá trị văn hóa dân tộc chưa được quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Và mọi người hiểu được thêm rằng, giá trị thực của một dân tộc mình chính là giá trị văn hóa.

Có phải vì những ý nghĩa văn hóa đó mà bà và Hiệp hội Dừa Việt Nam đang ra sức cho chương trình “Cây dừa vì một Việt Nam xanh” không?

Chương trình “Cây dừa vì một Việt Nam xanh” là chương trình được Hiệp hội Dừa Việt kết hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM, có gốc là chương trình “Cây dừa biển đảo”, không chỉ mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền biên giới hải đảo mà còn là một chương trình gắn với giá trị văn hóa và kinh tế. Với chương trình này, chúng tôi mong cây dừa sẽ góp phần cải thiện kinh tế cho các cán bộ ở các tỉnh thành ven biển; các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Dừa cũng giúp cải thiện khí hậu ở các địa phương thuộc cụm Sông Tiền, Sông Hậu đang chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…

Cây dừa “dễ tính”, không cần nhiều công chăm sóc, dễ phát triển trong điều kiện đất pha cát có khả năng chống chịu mặn tốt, có độ ẩm và nhiệt độ cao, nên được trồng nhiều ở vùng ven biển nhiệt đới. Kinh tế dừa là kinh tế tuần hoàn, mọi thứ trên cây dừa đều có thể sử dụng và tạo ra giá trị, không vứt bỏ bất cứ thứ gì. Rễ dừa như một lớp đệm sinh học chống sạt lở, làm tơi xốp đất. Lá dừa như suối tóc, làm giảm sự “cuồng nộ” của gió, đồng thời là lá phổi xanh giúp lọc khí cacbonic rất hiệu quả. Cơm dừa có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm. Nước dừa là 1 loại serum đặc biệt với nhiều khoáng chất và đạm có thể truyền trực tiếp vào máu để cấp cứu cho thương binh ngoài mặt trận khi đất nước còn chiến tranh. Gáo dừa làm ra nhiều mặt hàng giá trị cao hoặc thân hoạt tính, vật liệu nano dùng cho ngành hàng không và vi mạch điện tử phục vụ đời sống hằng ngày. Vỏ dừa cũng được tách ra thành chỉ và mụn xơ dừa dùng cho việc làm thảm trong nhiều lãnh vực và làm giá thể hữu cơ trong nông nghiệp. Cây dừa không cần được chăm sóc vẫn tồn tại và ra trái ngọt, thậm chí khi chín khô, rụng xuống rồi tự nẩy mầm, phát triển. Dừa có thể chịu hạn hoặc ngập úng tới 3 tháng chứ không nhanh chóng từ bỏ “cuộc chơi” như những loại cây vườn trồng khác.

Ngoài chương trình này, chúng tôi còn xây dựng một hệ sinh thái dừa tập hợp sức lao động của những người yêu dừa cùng với điều kiện tự nhiên sẵn có để tạo nên những giá trị mới ngay dưới tán dừa. Hầu hết những việc này là vì cộng đồng, vì cây dừa Việt Nam chứ không vì lợi nhuận. Chính vì vậy, những người yêu dừa như tôi không giàu về tiền bạc mà chỉ giàu đam mê và mong muốn được cống hiến.

Cám ơn bà về những chia sẻ thú vị đầu năm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất