, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 26/11/2020, 08:47

Phú Yên: Cát lấn đồng ruộng, nông dân mất đất sản xuất

Theo MẠNH LÊ TRÂM (baophuyen.com.vn)

Đợt lũ lịch sử sau bão số 12 vừa qua, nước sông Kỳ Lộ dâng cao, chảy xiết làm xói mòn, bồi lấp hơn 10ha đồng ruộng ở xóm Gò Ổi, thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Từ năm 2009 đến nay, cánh đồng này bị 2 đợt lũ tàn phá. Người dân ở đây mong cánh đồng sớm được cải tạo để có đất sản xuất.

 

Cánh đồng Gò Ổi bị cát bồi lấp sau lũ. Ảnh: LÊ TRÂM
Cánh đồng Gò Ổi bị cát bồi lấp sau lũ. Ảnh: LÊ TRÂM.

Hoa màu bị chôn lấp

Ông Nguyễn Văn Gương, một nông dân ở xóm Gò Ổi ra cánh đồng trước nhà mót gốc cỏ voi còn sót lại sau lũ, chặt ra đoạn nhỏ để trồng trên bờ mương. Ông Gương tâm sự: Nhà tôi có 7 giạ giống ruộng (1 giạ là 1.000m2) ở cánh đồng Gò Ổi bị cát san bằng. Không chỉ ruộng nhà tôi mà cả cánh đồng Gò Ổi giờ toàn là cát.

Còn ông Hồ Văn Hậu cũng ở khu vực này chia sẻ: Cánh đồng này bị 2 đợt lũ lịch sử tàn phá. Trước đó, năm 2009 bị lũ cát bồi lấp, địa phương cải tạo đồng ruộng, đến năm 2012 mới giao đất lại cho dân sản xuất. Mấy năm đầu nhận ruộng cải tạo, người dân sản xuất bấp bênh, có đám cát bồi lấp, có đám nước lũ nạo hết lớp đất mặt nên ruộng rất xấu, người dân phải gánh phân bò (phân chuồng) ra đổ để “bồi bổ” cho đất. Làm được mấy năm thì năm nay lũ lụt tiếp tục đẩy cát bồi lấp cánh đồng.

Cũng theo ông Hậu, đợt lũ lịch sử năm 2009 bứng đi hàng cây phía đầu xóm chắn dòng nước sông Kỳ Lộ với cánh đồng; đợt lũ năm nay hàng cây không còn nữa, luồng nước chảy đâm thẳng vô cánh đồng mang theo cát tàn phá đồng ruộng. Phía đầu xóm (tính theo dòng chảy sông Kỳ Lộ), có chỗ trúng luồng nước chảy nạo hết lớp đất mặt chỉ còn gân đá.

Ở đây trung bình mỗi nhân khẩu được UBND xã cấp 8 tô giống (800m2), thường mỗi gia đình 4 nhân khẩu có trên 3 giạ trồng mía, sắn, lúa. Cây lúa đang thời kỳ trổ đồng thì bị nước lũ san bằng, đắp lên trên lớp cát. “Khi lũ ập đến, cây lúa đang thời kỳ sắp bung gié bị cát chôn hết, cả cánh đồng còn một đám lúa duy nhất cạnh xóm nhà”, ông Nguyễn Văn Bầu nói.

Không chỉ lúa, sắn mà keo lai người dân trồng bán gỗ nguyên liệu giấy cũng bị nước lũ phá tan hoang. Ông Huỳnh Văn Lực trồng 1,5 giạ giống keo bị nước lũ “nhổ” đi. “Đám keo nhà tôi trồng 3 năm tuổi sắp thu hoạch giờ chỉ còn là bãi cát trắng. Chỗ đám keo nhà tôi moi sâu hơn 1m chưa tới đất, có chỗ đùn lên đống cát cao như núi”, ông Lực tâm sự.

Mong sớm cải tạo đồng ruộng

Xóm Gò Ổi hiện có 35 hộ dân sinh sống. Đây là vùng nằm tách biệt bên này sông Kỳ Lộ, xa xôi, hẻo lánh; đợt lũ lịch sử vừa qua có 10 ngôi nhà bị ngập nước. Bà Thân Thị Bình cho hay: Người dân ở trong xóm sống dựa vào cánh đồng trước nhà nên ngày nào cũng ra ruộng mưu sinh; người thì cắt cỏ cho bò, người thì bẻ bắp, nhổ sắn. Từ ngày cánh đồng bị cát bồi lấp, người dân ở đây không biết làm chuyện gì. Chúng tôi mong mỏi địa phương sớm cải tạo đồng ruộng để nông dân có đất canh tác. Gia đình tôi lâu nay thu nhập từ trồng sắn mía nuôi con ăn học mà giờ không có đất nên sắp đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà ông Huỳnh Văn Pha nhận 8 giạ ruộng ở xóm Gò Ổi trồng sắn. Trước bão số 12 có người trả 30 triệu đồng mua đám sắn nhưng ông không bán vì nhà có xe tải, ông dự định nhổ sắn rồi chở đến trạm cân bán cho nhà máy. Nào ngờ nước lụt ập đến, toàn bộ diện tích đất trồng sắn bị bồi lấp thành bãi cát trắng. “Gia đình tôi sống bằng nghề nông, quanh năm chỉ biết bám ruộng đồng, ngoài trồng sắn mía, gia đình tôi còn trồng cỏ nuôi bò nhưng giờ cũng không có đất để trồng cỏ. Chúng tôi phải chạy tiền mua gạo từng bữa”, ông Pha nói.

Sau đợt lũ bão số 12, UBND huyện Đồng Xuân đi kiểm tra thực tế thì diện tích cánh đồng xóm Gò Ổi bị bồi lấp gần 10ha. Vì cát bồi lấp nặng nên kinh phí cải tạo rất lớn, UBND huyện đang huy động tìm nguồn vốn khắc phục trong thời gian đến để sớm giao đất nông nghiệp lại cho bà con nông dân ổn định sản xuất.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân

 

Theo MẠNH LÊ TRÂM (baophuyen.com.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất