, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 16/12/2020, 08:58

Phụng Hoàng Sơn - Điểm bay dù lượn mới

TUẤN ANH

Với tên gọi ”Bay trên Phụng Hoàng Sơn’’, chương trình nhằm tạo thêm một sản phẩm du lịch mới tại địa phương. Hàng ngàn người dân và du khách đã đến theo dõi, khẳng định sức hút của loại hình thể thao mạo hiểm độc đáo này, hứa hẹn khi đưa vào hoạt động, dù lượn sẽ là “cú hích” nặng ký giúp Tri Tôn phát triển thêm du lịch mạo hiểm bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…

VĐV Hào Huy - Hội Dù lượn HN trên điểm bay Vồ Hội - Phụng Hoàng Sơn.
VĐV Hào Huy - Hội Dù lượn HN trên điểm bay Vồ Hội - Phụng Hoàng Sơn.

Vượt hơn 2.000 km để được… bay

Đi máy bay 1.750km, di chuyển 300km bằng ô tô, sau đó đi xe máy 20km và mang 20kg ba lô hành lý lội bộ 2km để lên tới điểm bay - bãi Vồ Hội trên núi Phụng Hoàng Sơn là một kỷ niệm khó quên đối với anh Hào Huy (Hội Dù lượn Hà Nội). Đã từng bay ở những vùng núi cao nổi tiếng từ Mù Căng Chải (Yên Bái), Viên Nam (Hà Nội), núi Bái Nhạ (Hòa Bình)… cho đến núi Lang Biang (Đà Lạt), với kinh nghiệm của mình, anh Huy khẳng định điểm bay tại Phụng Hoàng Sơn (còn gọi là Cô Tô) hội đủ mọi điều kiện để có thể xây dựng thành một điểm bay dù lượn mới. Ở đây có độ cao vừa phải, đường lên và xuống không quá hiểm trở, thời tiết thuận lợi, bãi đáp rộng và bằng phẳng. “Nhìn những hàng cây thốt nốt và lúa vàng lướt qua phía dưới chân tôi thật sự thấy xúc động, vì có thêm một điểm bay dù lượn mới trên bản đồ du lịch Việt Nam là điều tôi luôn mong mỏi bấy lâu nay” - Anh chia sẻ.

Phụng Hoàng Sơn là ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn (thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) với độ cao 614m so với mực nước biển. Nơi đây vào mùa lúa chín, cánh đồng Tà Pạ dưới chân núi vàng rực rỡ, điều kiện khí hậu thuận lợi (đặc biệt vào tháng 11) có thể phát triển loại hình thể thao mạo hiểm dù lượn. Theo anh Phan Bảo Ân, Nhóm phượt An Giang: “Cả 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ An Giang có địa hình nhiều núi cao, đặc biệt là khu vực Thất Sơn theo khảo sát có nhiều địa điểm có thể làm bãi bay dù lượn”.

Chị Ngô Thị Bắc (Hưng Yên) sau khi hoàn thành chuyến bay cùng phi công dù lượn.
Chị Ngô Thị Bắc (Hưng Yên) sau khi hoàn thành chuyến bay cùng phi công dù lượn.

Người đầu tiên lựa chọn và giới thiệu địa điểm Phụng Hoàng Sơn là anh Phạm Tuân, Câu lạc bộ Dù lượn miền Tây. Sau đó, anh Tuân đã mời Hội Dù lượn Hà Nội vào khảo sát, bay thử đánh giá các điều kiện địa hình, thời tiết”. Anh Nguyễn Quang Thành, Hội Dù lượn Hà Nội cho biết: “Trong nhiều ngày chúng tôi cất cánh dù lượn theo 2 hướng, từ trên đỉnh núi xuống và từ dưới đất lên. Các điều kiện về độ cao, bãi đáp, hướng gió đều rất tốt, dù có thể duy trì độ cao lâu, đáp êm”.

Một thành viên nữ của Hội Dù lượn Hà Nội, chị Lê Hoài Liên sau khi dễ dàng điều khiển dù lượn hạ cánh chuẩn xác xuống bãi đáp cười rất tươi: “Nhiều điểm bay tại Việt Nam gió giật mạnh khiến dù chao đảo rất khó điều khiển, không được êm như thế này. Bay ở đây rất thích”. Vượt qua nỗi sợ hãi, chị Ngô Thị Bắc đến từ Hưng Yên quyết định bay dù đôi cùng với phi công cho biết: “Có đôi chút lo lắng khi đứng trên đỉnh núi cao, nhưng khi dù lượn rời khỏi đỉnh núi xuống thì mọi lo âu tan biến” - chị Bắc hào hứng. Cất cánh bay từ Vồ Hội nằm trên đỉnh Phụng Hoàng Sơn, cách mặt đất khoảng 300m đáp xuống bãi đáp cạnh hồ Soài Chek. Anh Lê Minh - Phi công CLB Dù lượn Sài Gòn paragliding cho biết: “Có Phụng Hoàng Sơn rồi, các bạn miền Tây không cần phải đi đâu xa để học và chơi môn dù lượn này. Đây là địa điểm bay rất tốt, an toàn, cảnh quan lại rất đẹp”.

Kết hợp thể thao hiện đại với lễ hội truyền thống?

Khoe chúng tôi tấm ảnh dù lượn đáp xuống, khung cảnh phía sau là những con bò đang tăng tốc để về đích trong lễ hội đua bò bên hồ Soài Check, ông Kim Jong Bok (Hàn Quốc) tỏ ra rất hào hứng. Người đàn ông 75 tuổi đã có 8 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam này khoe rằng ông sẽ chuyển ngay hình ảnh về cho những người bạn tại Hàn Quốc. Ông nói: “Họ sẽ rất thích”.

Là người thường xuyên tham dự lễ hội đua bò Bảy Núi, năm nay, chị Phan Thị Hương Hoa (Bà Rịa-Vũng Tàu) cảm thấy “quá lời” khi được xem thêm biểu diễn dù lượn: “Hai ngày nay nắng gắt mà tui cũng bám ở đây, vì hàng chục dù lượn trên trời hấp dẫn lắm!”.

Lễ hội đua bò Bảy Núi.
Lễ hội đua bò Bảy Núi.

“Dù lượn du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay trên cả nước có khoảng 500 vận động viên dù lượn với khoảng 200 vận động viên thường xuyên đi bay. Trong đó, tham gia lễ hội tại Tri Tôn hôm nay có gần 100 vận động viên rồi, chứng tỏ nơi đây có sức hút rất lớn” - Ông Nguyễn Hữu Nam vận động viên dù lượn cao tuổi nhất (69 tuổi), đại diện Hội Dù lượn Hà Nội (HNAA) cho biết: “Các bạn trẻ đã thành lập Câu lạc bộ dù lượn đầu tiên ở Miền Tây với tên gọi Miền Tây Bay. Tôi cho rằng lãnh đạo địa phương nên nghĩ đến việc hình thành ở đây một trung tâm huấn luyện phi công dù lượn cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm sẽ thu hút được rất đông du khách quốc tế. Một ví dụ rõ nhất mà các bạn có thể thấy chính là Mù Căng Chải (Yên Bái) với những lễ hội dù lượn kích cầu du lịch rất tốt”.

Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn khẳng định: “Mặc dù mới tổ chức lần đầu tiên nhưng Tri Tôn tự tin đủ khả năng để tổ chức những lễ hội dù lượn quy mô lớn. Những hoạt động như thế này trong thời gian tới sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, chúng tôi có ý định sẽ gắn kết giữa các môn thể thao hiện đại (như dù lượn) với các hoạt động lễ hội mùa vàng, như đua bò Bảy Núi để đa dạng sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn hơn đối với du khách”. 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất