Tôi ôm laptop rời khỏi rừng thông vào giữa trưa, Phương Bối cười nhẹ:
- Tối ra nướng bắp với em không? Tối nha!
Tôi dạ. Lời mời hồn nhiên giữa rừng thông cuối thu không hợp với một lời từ chối. Đêm ấy tôi quay lại. Từ chỗ đậu xe đã nghe cái lạnh tràn ra từ đâu đó phía đồi sâu. Quán vắng như một hộp đèn nhỏ giữa ngàn thông. Bắp nướng thơm sực. Phương Bối đang ngồi cùng chồng bên bếp lửa giữa rừng. Cô mừng đón như đã thật sự đợi tôi từ lời mời ban trưa.

Đêm đó cô mới hỏi tên tôi. Trước đó, chúng tôi thấy nhau qua những lần tôi ghé lại ăn một phần cơm ở tiệm chay Phương Bối, rồi sang uống nước ở quán cà phê của Tiểu Khê. Hai cái quán đơn giản, khiêm tốn ngay bìa rừng thông Phương Bối (đường Lê Thị Riêng, thôn 2, Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng), phục vụ một kiểu cơm nước thanh tịnh, kỹ lưỡng. Sau gần một năm lui tới, tôi đã thành “khách quen”. Một lối khách quen rất thường tình, như chỉ ghé lại nơi này vì cơm, vì nước.
Phương Bối bên ngoài văn chương
Nhưng thực ra, tôi đã biết Phương Bối từ thời còn ngồi trên giảng đường Văn khoa. Phương Bối vốn là tên mà Thích Nhất Hạnh đặt cho vùng rừng núi này, khi ông đến đây khoảng năm 1960. Cái tên Phương Bối xưa nay vẫn làm người ta thao thức một vùng trời trác tuyệt từng được ông viết rất sâu ở Nẻo về của ý.
Thích Nhất Hạnh rời đi, mấy mươi năm sau, Nguyễn Đức Sơn - một nhà thơ được xếp vào hàng kỳ nhân của làng thi ca Sài Gòn trước 1975 - mang vợ con đến vùng rừng núi này, sống một cuộc đời kỳ lạ từng đi vào văn chương, báo chí. Ông lấy tên Phương Bối đặt cho con gái, phủ kín Phương Bối ngày xưa bằng vạn cây thông, để nơi này nổi tiếng lần nữa với cái tên “Đồi thông Phương Bối”.
Thế nhưng, khi biết ngôi nhà mình vừa chuyển đến nằm rất gần đồi thông Phương Bối, tôi đã chọn đến đó như một cư dân tình cờ. Không Nẻo về của ý. Không Nguyễn Đức Sơn cùng những giai thoại lấp lánh lẫn trầm luân của gia đình ông. Tôi muốn đến Phương Bối của bây giờ, bỏ qua tất cả những gì đã biết qua văn chương và lời kể.
- Đồi thông Sơn Núi hả? Đi, anh dẫn đi!
Anh Lâm - người hàng xóm mới hào hứng nói thế khi tôi hỏi đồi thông Phương Bối. “Anh rành nhà ông Sơn Núi lắm! Hồi nhỏ anh hay chạy vô đó chơi với con ông Sơn. Lên cấp 2, mấy đứa bạn trên Bảo Lộc (trung tâm thành phố Bảo Lộc - tg) hay đòi dẫn vô đồi thông đốt lửa trại”.
Anh Lâm không đọc Nẻo về của ý, không biết một Nguyễn Đức Sơn của thi ca, cũng không biết đến những bài báo viết về đời sống dị thường của người hàng xóm. Anh chỉ biết “gia đình họ lạ lắm, suốt một thời không dùng điện, chỉ dùng nước mưa, ăn cây lá trong rừng, có chút tiền nào đó thì cũng không đầu tư trồng chè, cà phê, mà chỉ trồng thông. Còn ông Sơn thì bắn tiếng Pháp như gió”. Anh dắt chúng tôi vào Phương Bối như từng dắt “những đứa bạn cấp 2 trên Bảo Lộc”...
Đồi thông đẹp man mác. Vừa được thả xuống xe, bọn trẻ đã chạy ùa đi… “tìm kho báu”. Quả thực, khung cảnh nơi này rất giống không gian của một kho báu đang ẩn tàng. Ánh sáng dìu dịu khắp rừng thông ngút mắt kia là một “cân bằng sáng” giữa những bóng cây và những vệt nắng rất vàng lọt qua một khoảng không nào đó.
Tôi vừa trải tấm thảm ngồi trên cỏ, đã nghe lũ trẻ reo lên “trái trà, bông trà kìa” ở một góc rừng. Cây trà ở Bảo Lộc đâu hiếm! Nhưng những trái trà và bông trà nở trên cành cây khẳng khiu, gầy guộc thật kỳ lạ. Cây trà ở đây như mọc giữa sương giá, trơ vơ như chưa từng có một người chăm chút, hay thu hoạch.
Tôi ngồi yên để bọn trẻ tự tranh cãi các giả thuyết về “cây trà hoang”. Nhưng vừa nghe nói đến chữ “hoang”, cậu bé 7 tuổi đã quay sang, chỉ vào ngôi nhà gỗ khuất sau rặng cây trên một con dốc giữa rừng, hỏi:
- Nhà kia có người ở không?
Dường như, căn nhà gỗ đó từ đầu đã như một “chiếc hộp đen cảm xúc” trong tất cả những vị khách đồi thông. Ngôi nhà gỗ bạc thếch nhưng dáng nhà vẫn nguyên vẹn. Nó có vẻ không có người ở. Nhưng nó vẫn như hiện thân của một gia chủ, khiến vị khách ngây ngô nhất cũng phải có chút kiêng dè.

Anh Lâm nói, ngôi nhà đó là chỗ ở của ông Sơn Núi, nhưng ông mất cách đây 2 năm (năm 2020). Bây giờ khu rừng này là nơi sống của vợ con ông, họ ở sâu trong kia kìa…
Nhìn theo hướng anh Lâm chỉ, chúng tôi không thấy một ngôi nhà nào nữa. Có lẽ, nhà của vợ con ông Sơn ở đâu đó sau lớp lớp thông già, ở một nơi còn hoang vu hơn nhiều lần so nơi chúng tôi đang đứng…
Tôi quay lại Phương Bối nhiều lần sau đó. Đồi thông quá tuyệt vời cho một cuộc thư giãn gia đình. Đi lang thang, người ta lại bắt gặp những bãi cỏ xanh mướt và trống trải như một thảo nguyên nhỏ lọt thỏm giữa rừng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp những chủ nhân của Phương Bối từ sâu trong đồi thông đi ra con lộ chính. Họ dừng lại nói với chúng tôi những câu chuyện thường tình của những người thích cảnh đẹp, và có khi là những câu chuyện làng xóm.
Tôi cất tất cả mạch chuyện của một kẻ mê văn chương, cất cả cái quán tính hỏi han của một người làm báo. Tôi cố chấp giữ lấy hành trình của một người khách vô tư lự, để đi vào Phương Bối bằng con đường của cỏ cây như nhiên, bằng giao tiếp giữa người với người những buổi đầu gặp gỡ.
Những người đàn bà bên quán
Quán chay Phương Bối và quán nước Ngày về (của Tiểu Khê) nằm ngay ngoài bìa rừng Phương Bối, quay mặt ra đường Lê Thị Riêng.
Quán chay đơn sơ, kế bên có một vườn rau nhỏ. Phía sau gian bếp của cô chủ Phương Bối có một cánh cửa nhỏ hướng đồi thông. Ở đó hay vọng ra những giọng ca vượt thời gian của Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Quang… với lối ghi âm xưa cũ một một loại băng đĩa truyền đời nào đó…
Mỗi ngày, Phương Bối phục vụ vài món bún chay cho bữa sáng. Phần còn lại trong ngày, cô chỉ làm theo đặt hàng của khách. Cơm chiên Tây tạng, bánh xèo chay, bún mẹt, lẩu nấm… Tất cả đều thanh cảnh lạ lùng so với lối ăn chay thường thấy ở những vùng nông thôn.
Ngồi ở Phương Bối, tôi thường được dự phần vào những cuộc trò chuyện “trên mây” kiểu như là:
- Phương Bối, nấm rơm thì có tính âm hay tính dương?
Một vị khách đang ăn thì hỏi vọng vào bếp. Phương Bối bước ra trước ngưỡng gian bếp, nói:
- Nấm rơm tươi thì có tính âm. Nếu muốn cân bằng âm dương thì phải kết hợp với các nguyên liệu khác…
- Vậy nấm nào thì có tính dương? - vị khách hỏi tiếp
- Tất cả các loại nấm đều có tính âm, nếu muốn bớt tính âm thì chỉ có dùng nấm khô thôi.
Phương Bối tiếp tục nói về những cân bằng trong một món ăn chay, sao cho vị ngon mà hài hòa năng lượng.

Câu chuyện âm - dương trong một bữa sáng kể cũng bình thường. Nhưng nó rất lạ thường giữa một quán ăn đơn sơ ở vùng nông thôn, xung quanh những người dân lao động. Đã vậy, mỗi sáng ghé ăn trễ, tôi thường được chứng kiến cô chủ gọi điện khắp xóm hỏi mua rau:
- Chú ơi rau muống bữa nay hái bán được chưa chú?
- Cô ơi, vườn cô nay có rau gì cho con không?
Nghe nhiều, khách cũng biết hòm hòm nhà nhà nào ở xóm này có trồng rau gì. Có bữa, cô gọi điện xong thì quay qua nói với tôi:
- Rau chợ mua dễ lắm nhưng em phải mua ở vườn của mấy cô chú xóm mình cho yên tâm. Còn lá bép thì phải vào Lộc Thành mua của người đồng bào. Giờ người ta trồng cây này nhiều lắm, nhưng không thơm như rau rừng…
Lá bép chính là rau rịa từng được Thích Nhất Hạnh nhắc khá nhiều trong Nẻo về của ý. Thế nhưng bây giờ, ở chính trên đất Phương Bối, cô chủ cũng tên Phương Bối phải sang đến huyện kế bên để tìm mua lá bép. Chi tiết này ngang trái một cách thú vị với một người đọc. Nhưng một thực khách thì chợt hiểu ra vì sao mỗi bữa ăn tại Phương Bối đều rất giới hạn số lượng dù nguyên liệu chay luôn sẵn. Là vì bà chủ hết rau. Những phần rau đặc sản mỗi ngày mỗi khác, nhưng lúc nào cũng tươi giòn cái vẻ của rau lá mới hái.
Có lẽ vì cái thanh nhẹ của món ăn, và cái tươi ngon hiếm có của rau vườn, Phương Bối đã trấn giữ vùng bếp núc trong tôi. Với vùng đất này, tôi đã là kẻ định cư, đã có ngôi nhà và căn bếp của riêng mình. Nhưng tư thế của một kẻ xa xứ, hay quán tính của một “du khách” vẫn khiến tôi vô thức kiếm tìm một căn bếp địa phương để níu vào một niềm an tâm bếp núc. Để bất kỳ khi nào thấy đói, hay những khi muốn đãi bạn, đều có thể tạt vào tìm một bữa ăn thanh lành, vừa ý…
Mùa thu năm 2022, bên cạnh quán chay Phương Bối mọc lên một quán cà phê có tên Ngày về. Chủ quán là Tiểu Khê - cô con gái út của ông Sơn Núi. Quán nước tĩnh lặng giữa rừng thông, phục vụ cà phê, kem, nước uống thảo mộc trên nền nhạc cổ điển. Chăm sóc quán là những người phụ nữ kiệm lời mà chu đáo. Ở khu vực ngoài trời, giữa rừng thông, chủ quán dựng nhiều bó củi cà phê, khách có thể rút lấy tùy ý rồi lại chỗ bếp củi nhóm một ngọn lửa. Ở bếp hay có khoai, bắp, như mời sẵn những cơn đói lòng. Bởi, đứng trước một củ khoai lùi trong bếp củi, ai mà chẳng là kẻ tha hương?

Có lần, tôi dắt cậu bạn nước ngoài đến quán buổi trưa thì thấy một người phụ nữ trung niên đang ngồi tựa vào lưng ghế, hút một điếu thuốc và mê mải hát theo một bản nhạc Pháp cổ điển đang phát trên loa. Thấy khách, chị vui vẻ lùi vào quầy để nhận “order”. Khi gặp lại nhau ở chiếc bàn giữa rừng thông, cậu bạn tôi hỏi:
- Người phụ nữ đó là người nước nào nhỉ? Chị ấy có vẻ thạo tiếng Pháp, rồi vừa thăm hỏi mình bằng tiếng Anh.
Hỏi vậy, nhưng hẳn nhiên bạn tôi biết rằng chị là người Việt. Nhất là khi chỉ ngay sau đó, chị mang một dĩa khoai, đậu phộng luộc ra mời chúng tôi “ăn cho ấm”.
Khi đã thân thuộc với một góc Phương Bối, tôi nhận ra mình đã thực sự trở thành một vị khách thường tình đúng như tham vọng. Những thịnh tình tôi đã nhận ở nơi này là những thịnh tình mà mọi du khách đều có thể nhận được dù họ chỉ đến đây như đến một quán ăn, một cảnh đẹp…
…
Đêm đó, chỉ đến khi ăn hết một trái bắp nướng, tôi mới biết hôm đó là sinh nhật của cô Phương Bối. Đó là một ngày trăng già của tháng 10 Âm lịch. Trăng Phương Bối vành vạnh ngay trên đỉnh đầu, gần gụi như chỉ đang đong đưa giữa những tán thông. Ngồi bên đống lửa, chúng tôi mới lần đầu hỏi thăm nhau. Mạch thân tình khiến Phương Bối kể về tuổi thơ sống giữa rừng của cô.

Ở đó, ba cô mỗi đợt trồng thông lại đạp xe lên tới Đức Trọng, Đà Lạt để mua cây giống về phủ khắp đồi. Nhưng chỉ cần một người vô tình quăng một tàn thuốc xuống lớp lá khô, đồi thông cũng bốc cháy. Khu đồi đã bao lần làm lại từ đầu sau khi bị tàn phá trơ trụi.
Ở đó, muốn chơi với bạn, Bối phải chạy ra ngoài bìa rừng để gặp cô bạn “gần nhà” nhất. Buổi tối, mỗi lần chia tay bạn, Bối vừa chạy vào rừng vừa hét to lên hỏi bạn “mày đi tới đâu rồi?”. Cứ chạy một đoạn lại hét lên hỏi. Cô bạn thì đứng ở ngôi nhà bên ngoài khu rừng hét to trả lời để bạn đỡ sợ…

Di nguyện của ông Sơn Núi là giữ nguyên trạng rừng thông. Vậy nên khi làm quán, Tiểu Khê chỉ tỉa một vài cây rừng mọc dại và không đụng đến một cây thông nào. Ngay gần vị trí đặt bếp củi có một cây thông đã chết khô, cô cho cưa ngang thân cây và đặt lên đó một chậu hoa…
Khuya đó, tôi ra về khi trăng đã lên cao hơn, trời càng trong veo như vừa được gạn mây bởi những cành thông đong đưa. Đi hết lối đi trải đá của Ngày về, tôi ngước lên ngắm trăng lần nữa thì gặp tấm biển từ biệt của quán. Tấm biển đề câu thơ của Nguyễn Đức Sơn: Ngày mai núi cũ tôi về.
Ngay cơn rung động ấy, tôi chợt nhận ra mình thật ảo tưởng. Dù chưa bao giờ gợi chuyện bằng thơ Sơn Núi, cũng chưa từng “phỏng vấn” người đồi thông bằng những thao thức về Phương Bối của sư ông Thích Nhất Hạnh, nhưng tôi chưa từng đi ra khỏi lăng kính của một người đọc khi sống ở nơi này. Và Phương Bối bây giờ, bao gồm cả những người thuộc về nó, yêu nó và đang đến với nó, đã có trong nó một phong vị sống lạ lùng từ những con người lạ thường đã xuất hiện và làm nên Phương Bối…