, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 14/06/2023, 20:00

Quá thành công sẽ dẫn đến thoái trào?

ANH TÚ
Đã gần bốn năm kể từ thành công của “Ký Sinh Trùng” tại Lễ trao giải Oscar cùng hàng loạt Liên hoan phim trên thế giới, đến nay, báo chí và công chúng vẫn nhắc đến những danh hiệu kỷ lục mỗi khi có một bộ phim Hàn nào đó thất bại tại một lễ trao giải. Liệu sự thành công quá mức kỳ vọng của “Ký Sinh Trùng” hay “Trò Chơi Con Mực” sẽ dẫn đến sự thoái trào của nội dung giải trí Hàn Quốc?
Bong Joon-ho và các tượng vàng Oscar cho bộ phim “Ký Sinh Trùng”. Báo chí Hàn Quốc luôn nhắc đến thành tích này mỗi khi có bộ phim Hàn nào thất bại tại một lễ trao giải.

Thành công của “Ký Sinh Trùng” và “Trò Chơi Con Mực” có thể đã mở ra cơ hội cho phim điện ảnh và loạt phim truyền hình, cũng như các nội dung giải trí khác của Hàn Quốc nhận được sự hoan nghênh trên toàn thế giới. Nhưng việc để lặp lại những thành công kỳ tích này đang khiến giới sáng tạo nội dung giải trí Hàn Quốc khủng hoảng.

Trong bối cảnh chung của thị trường giải trí toàn cầu hiện nay - giá vé xem phim và phí thuê bao dịch vụ phát trực tuyến ngày càng cao, giới sáng tạo cũng như các nhà đầu tư ngày càng lo sợ những dự án mang tính độc lập thất bại nhiều hơn, trong khi người xem ít cho các nội dung giải trí có tính thử nghiệm cơ hội thể hiện và chinh phục họ, như cách “Ký Sinh Trùng” và “Trò Chơi Con Mực” đã làm được.

Một sự thay đổi đáng chú ý trong thập kỷ qua là phim truyền hình và phim điện ảnh từng được xem là hai thể loại riêng biệt; giờ đây hai thị trường này đã hòa trộn với sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến, cụ thể là Netflix – nơi mà phim truyền hình và phim điện ảnh dường như không còn ranh giới.

Chính sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến đã tạo cơ hội cho những công ty giải trí nhỏ tạo dấu ấn; nhưng đồng thời cũng tạo ra cuộc chiến tranh giành người xem giữa những người sáng tạo nội dung giải trí. Theo một báo cáo của KOFIC (Korean Film Council – Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc), việc đầu tư vào các bộ phim được phân loại là bom tấn và phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết hoặc webtoon đã xuất bản chiếm hơn 80% tổng số chi phí các tác phẩm trong năm 2022.

Điều này khiến những nội dung độc lập mang tính thể nghiệm khó tìm được cơ hội ra mắt người xem. Năm 2022, Hàn Quốc có 19 rạp chiếu phim nghệ thuật hoặc độc lập phải đóng cửa.

Nhà phê bình Kim Heon-sik cho rằng các dịch vụ trực tuyến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nhà sáng tạo nội dung giải trí cũng như người xem, nhưng vẫn còn hiện tượng ưu tiên cho các cá nhân đã được “bảo chứng”. “Chúng ta cứ thấy những cái tên quen thuộc, từ đạo diễn, biên kịch đến diễn viên. Các dịch vụ phát trực tuyến cũng chưa hẳn có một tương lai xán lạn, vì chúng bị thương mại hóa quá mức”.

Một số ý kiến tiêu cực hơn thì cho rằng khi phim điện ảnh và phim truyền hình trở thành ngành công nghiệp nội dung video thì chúng không còn là nghệ thuật nữa.

Phim “Vinh quang trong thù hận” của Song Hye-kyo đứng đầu Netflix toàn cầu chỉ sau ba ngày lên sóng.

Theo Yu Gi-na, nhà phê bình phim và giáo sư nghiên cứu điện ảnh của Đại học Dongguk: “Rạp chiếu phim tại Hàn Quốc sống mà như chết. Những câu chuyện và cách kể chuyện cứ na ná nhau, chúng chẳng thể kết nối với người xem – vốn luôn mong muốn xem những câu chuyện hay, độc đáo; hoặc cách kể chuyện thú vị. Nỗi ám ảnh phim bom tấn, phim bán được triệu vé, có triệu lượt xem là chuyện dễ hiểu. Ngành công nghiệp nội dung video bao gồm phim điện ảnh, phim truyền hình và chương trình truyền hình thực tế đã trở thành một thị trường kiếm tiền khổng lồ. Các bom tấn có nội dung sáo mòn và dễ đoán. Rạp chiếu phim trở thành ‘công viên chủ đề’, không còn là nơi kể những câu chuyện nghệ thuật nữa.”

Theo các chuyên gia, nội dung giải trí Hàn Quốc được cả thế giới quan tâm, nhiều người xem và thành công về mặt thương mại trong thời gian gần đây, vì chúng đề cập đến những câu chuyện từ các góc nhìn xã hội độc đáo và phổ quát. “Tuy nhiên, không chỉ có Hàn Quốc mới có những câu chuyện này. Các vấn đề về giai cấp, chủng tộc và tiền bạc thì ở đâu cũng có. “Ký Sinh Trùng” và “Trò Chơi Con Mực” thành công trên toàn cầu vì chúng đề cập đến các vấn đề xã hội hiện hữu. Nhưng một khi khán giả toàn cầu quan tâm thì việc tiếp tục thành công từ những góc nhìn đó mới là vấn đề. Người ta không thể quan tâm một khung hình mãi được” – theo Hwang Jin-mi, nhà phê bình phim.

Lee Jung-jae trở thành nam diễn viên châu Á đầu tiên chiến thắng Emmy qua vai diễn trong phim “Squid Game”.

Ban đầu, với sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến, nội dung đa dạng và phổ quát được tìm kiếm nhiều hơn, vì các nền tảng dịch vụ này tạo cơ hội cho các công ty sản xuất và sáng tạo nội dung nhỏ hơn. Vì các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix đã bắt đầu đầu tư và sản xuất nhiều nguyên tác hơn – không chỉ phân phối nội dung làm sẵn thông qua nền tảng của họ, mà còn thật sự tham gia vào quá trình sản xuất phim điện ảnh và phim truyền hình; giúp cho số lượng công ty sản xuất quy mô trung bình tăng lên.

Nhưng những cơ hội dành cho các xưởng sản xuất quy mô trung bình và nhỏ đã giảm dần trong những năm qua, vì số lượng thuê bao của Netflix giảm xuống, họ phải chia sẻ khách hàng của mình với những dịch vụ phát trực tuyến khác như Wave, Tving, Watcha (tại Hàn Quốc) và Amazon Prime, Disney+… (quốc tế).

Với rất nhiều thứ để xem mỗi ngày hiện nay, khán giả cũng không muốn mình chọn lầm thứ mình sẽ xem – vì thế, khán giả ngày càng dựa vào thuật toán để gợi ý những tác phẩm mới hoặc chỉ xem lại những tác phẩm đã quá quen thuộc.

Có vẻ như tình hình không mấy khả quan, khi các chuyên gia luôn cho rằng, văn hóa cần phải bền vững – và để làm được điều đó, các nhà sáng tạo phải quan tâm đến “số ít”, như những người dễ bị tổn thương, những người yếu thế trong xã hội. Trong khi đó, khán giả vẫn đổ xô đi xem những câu chuyện “đại chúng”, dù vẫn bất mãn với những câu chuyện nhàm chán và mong muốn xem cái gì đó khác biệt.

Phim “Bargain” giành giải “Kịch bản hay nhất” tại Liên hoan phim truyền hình quốc tế ở Cannes.

Những ứng cử viên sáng giá

Phim “Vinh quang trong thù hận” của Song Hye-kyo đứng đầu Netflix toàn cầu chỉ sau ba ngày lên sóng

Theo trang web xếp hạng dịch vụ nội dung trực tuyến Flix Patrol, sê-ri phim truyền hình Hàn Quốc “Vinh quang trong thù hận” (The Glory) ngày 14/3 đã đứng đầu “Top 10 chương trình truyền hình hôm nay” trên Netflix toàn cầu. “Vinh quang trong thù hận” được chấp bút bởi biên kịch Kim Eun-sook, kể về câu chuyện trả thù được chuẩn bị kỹ lưỡng của một người phụ nữ bị hủy hoại từ thể xác đến cả linh hồn bởi nạn bạo lực học đường hồi còn học trung học phổ thông.Phim dài 16 tập được chia thành hai phần, mỗi phần 8 tập. Trước đó, phần 1 ra mắt vào ngày 30/12 năm ngoái đã nhận được yêu thích trên toàn thế giới, thu hút sự quan tâm về vấn nạn bạo lực học đường. Việc chia nhỏ thành hai phần như vậy cũng khiến người xem mong mỏi và chờ đợi vào cái kết, góp phần tạo ra hiệu ứng bùng nổ cho bộ phim. Chỉ trong vòng ba ngày kể từ khi phần 2 được công chiếu vào 10/3, phim đã đứng đầu tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Brazil, Indonesia, Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam; đứng thứ ba tại Mỹ. Mặc dù đạo diễn Ahn Gil-ho, người cầm trịch cho tác phẩm này, đang chìm trong tranh cãi về bạo lực học đường, nhưng sự hoàn chỉnh của bộ phim trong 16 tập, có thể ví như “đầu voi đuôi voi”, và diễn xuất tốt của các diễn viên như Song Hye-kyo, Lee Do-hyun, Lim Ji-yeon, Yeom Hye-ran, Park Sung-hoon đã để lại cho người xem ấn tượng khó phai. Do đó, dư luận đang chờ xem bộ phim “Vinh quang trong thù hận” sẽ còn đạt được những thành tích nào trong tương lai.

Phim “Bargain” giành giải “Kịch bản hay nhất” tại Liên hoan phim truyền hình quốc tế ở Cannes, Pháp

Tại lễ bế mạc Liên hoan phim truyền hình quốc tế Cannes lần thứ 6 được tổ chức tại Pháp vào ngày 19/4 (giờ địa phương), sê-ri phim “Bargain” (Tựa gốc: “몸값” (Cái giá của cơ thể)) của Hàn Quốc đã được vinh danh với giải thưởng “Kịch bản hay nhất” ở hạng mục phim truyền hình dài tập. Đây là bộ phim truyền hình và cũng là sê-ri phim trên nền tảng dịch vụ video trực tuyến (OTT) đầu tiên của Hàn Quốc giành chiến thắng tại liên hoan phim này.

Đạo diễn Jeon Woo-sung đã lên bục nhận giải và cho biết “Bargain” là một tác phẩm có ý tưởng rất độc đáo, anh thấy rất cảm kích và vinh dự khi điều đó được ban tổ chức nhận ra và mời tham gia liên hoan phim này và thậm chí là nhận được giải thưởng, gửi lời cảm ơn đến những người cùng viết kịch bản. Theo TVING, nền tảng OTT cung cấp sê-ri phim này, cho biết các tờ báo lớn của nước ngoài như Le Figaro (Pháp) và Panorama (Ý) đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc bằng cách phân tích sức hấp dẫn của tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau, từ ý tưởng độc đáo của tác phẩm đến bố cục gợi nhớ đến một trò chơi, sự nhiệt tình của các diễn viên hay những màn diễn xuất tô điểm cho sự tỏa sáng của các nhân vật phản diện. “Bargain” xoay quanh câu chuyện về ba người đang thương lượng giá cả cho cơ thể mình thì tòa nhà bị sập do động đất khiến họ bị mắc kẹt, mỗi người bắt đầu đưa ra một thỏa thuận nguy hiểm để nắm bắt cơ hội cuối cùng và chiến đấu điên cuồng giành lại sự sống.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Dưới tán thông xanh, không gian chợ phiên Măng Đen tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đậm chất núi rừng níu chân hàng ngàn du khách tìm tới cao nguyên xứ lạnh mỗi ngày.

Dưới tán thông xanh, không gian chợ phiên Măng Đen tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đậm chất núi rừng níu chân hàng ngàn du khách tìm tới cao nguyên xứ lạnh mỗi ngày.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất