, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 08/12/2023, 06:00

Quản lý mã số vùng trồng: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”

TAM GIANG
Trước áp lực gay gắt của thị trường thế giới về truy xuất nguồn gốc và chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, các địa phương đã… phi nước đại để được cấp mã số vùng trồng. Và căn bệnh tùy tiện “đầu voi đuôi chuột”, được rồi là thôi, lại xuất hiện.
Hình minh họa.

Để đó… ngó chơi

Một số nước, thời gian qua đã trả hàng hoặc cảnh báo về trái cây Việt Nam vi phạm quy định an toàn thực phẩm cùng những yêu cầu đã được đưa ra trong xuất khẩu. Truy ra, câu chuyện giám sát mã số vùng trồng từ địa phương là nguyên nhân chính làm mất uy tín ngành nông nghiệp Việt Nam. Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện 54/63 tỉnh, thành có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm, trong đó ĐBSCL chiếm nhiều nhất với 3.975 mã đang hoạt động, và đứng đầu là Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp. Những địa chỉ được cấp mã này đã xuất sang 11 thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, hậu kiểm yếu kém là bệnh mãn tính lâu nay, lây cả sang lĩnh vực mới mẻ này. Theo Cục Bảo vệ thực vật, con số giám sát hàng năm quá thấp: giám sát mã số vùng trồng 40,8%; cơ sở đóng gói 17%. Số còn lại ra sao, không ai biết.

Chính vì lơ là thiếu quan tâm, nên mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phát thông báo cho phía Việt Nam về một số lô hàng bị phát hiện sai phạm quy định kiểm dịch ở xoài, mít, thanh long, chuối, sầu riêng. Đây không phải là lần đầu, mà từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo cho Việt Nam vi phạm mã số vùng trồng với 439 trường hợp. Điều đó cho thấy, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như lâu nay nữa, trong khi đây lại là đầu ra lớn nhất của nông sản nước ta. Họ phát hiện vi phạm, dù có 1 loại sinh vật gây hại, là buộc toàn bộ lô hàng quay lại… vùng trồng.

Một cán bộ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết: họ xử phạt rất nặng, đôi khi dừng nhập khẩu mặt hàng trên trong thời gian dài! Trước đó, 4 lô hàng ớt Việt Nam xuất sang Hàn Quốc bị thu hồi do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 10 lần tiêu chuẩn. Trong nửa đầu năm 2023, EU cảnh báo 31 lô nông sản Việt Nam, trong đó có 60% là vượt ngưỡng cho phép về thuốc bảo vệ thực vật.

Khi đã vi phạm, thì hãy coi chừng. Trong một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ: “Với diện tích sầu riêng hiện nay, nếu bị Trung Quốc ngừng nhập khẩu, thì chúng ta bán đi đâu? Kể cả thanh long, xoài cũng vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì phải mất 3 - 5 năm nữa. Với 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc, chỉ cần dừng xuất khẩu một loại thôi đã không ổn, sẽ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng”.

Mã số vùng trồng chính là “căn cước công dân” của nông sản, là hộ chiếu thông hành khi lưu thông xuyên biên giới. Chỉ có chính quyền địa phương, khi thực sự coi trọng khâu hậu kiểm thì tính minh bạch, chặt chẽ và hợp pháp mới được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, tính tự giác từ người trồng, coi sản phẩm là con đẻ của mình thì việc tiễn con… “vượt vũ môn” mới thực sự thuận lợi.

Ở góc độ kiểm địch địa phương, quan điểm của ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long xem ra cứng rắn, là nếu vi phạm sẽ phải thu hồi mã số, không thực hiện các hoạt động xuất khẩu. Cũng theo ông Phúc, bà con nông dân, doanh nghiệp cần xem mã số vùng trồng là tài sản quý, từ đó mà phải sản xuất an toàn, chất lượng, rõ ràng, không có kiểu “núp lùm”, bởi đây là tiêu chí hàng đầu cho việc xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu bền vững. Luật chơi thế giới không có cửa cho chuyện ăn gian ở dối.

Cần mạnh tay với “lập lờ đánh lận con đen”

Xây dựng và cấp mã số thông hành, không phải dễ. Nhưng chính vì khó nên phải làm. Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai), nếu không có mã số vùng trồng thì chỉ quanh quẩn “ao nhà”, cho nên HTX này đã lập tổ khuyến công để hỗ trợ nông dân các khâu, nhằm đạt được yêu cầu cấp mã số. “Đây là điều kiện bắt buộc để nông sản vươn ra thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, ông Thanh nói.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông bên rẫy cà phê - mặt hàng chủ lực của HTX.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết, hiện có hơn 710 mã số vùng trồng bị thu hồi, chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, khi phát hiện vi phạm chất lượng kỹ thuật khi xuất sang Trung Quốc.

Dù không hề có chuyện xin - cho, nhưng vì phải có mã số mới được xuất đi nước ngoài nên mới rộ tình trạng xin cấp mã số tại ĐBSCL, từ đó xảy ra chuyện doanh nghiệp giả mạo mã số để gian lận thương mại. Đây là thách thức chứ không còn là nguy cơ, bởi nếu đối tác phát hiện được, thì đường ra biên giới sẽ bị đóng hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực (Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - VIDA) đưa ra quan điểm: “Các cơ quan Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh tay đối với vấn đề giả mạo. Bởi lẽ, việc chuyển đổi số ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều năm, các cơ quan như hải quan, thuế, kiểm dịch, doanh nghiệp, ngân hàng đều liên thông số liệu với nhau. Bất cứ khâu nào cũng có thể phát hiện gian lận”. Tức là ở đây, việc giả mạo trên cần phải được đưa vào khung pháp lý, khi tính tự giác của người trồng chưa được họ đề cao.

Chia sẻ lợi ích từ xuất khẩu là chuyện không cần nói lại. Cái cần là nông dân lẫn cán bộ có trách nhiệm trong việc này nếu biết sợ câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, thì rủi ro sẽ thấp, còn không, hậu quả nặng nề của nông dân lẫn nhà nước phải gánh chịu còn treo lơ lửng phía trước.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất