Chìa khóa của việc quản lý nước ở ĐBSCL nằm ở nông nghiệp. Cải cách nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng sẽ giảm được phân bón, thuốc trừ sâu.
Hai mươi năm trước, khi nói về nước ở ĐBSCL người ta thường nghe về lũ lụt. Trong những năm gần đây thì lại nghe hàng loạt chuyện về thiếu nước, nước mặn lấn sâu, biến đổi khí hậu, thủy điện Mê Kông, khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún, ngập đô thị, nước biển dâng, sông ngòi ô nhiễm, biển ô nhiễm. Câu hỏi đặt ra là quản lý nước cho ĐBSCL như thế nào trong mớ bòng bong các vấn đề như thế?
Quản lý nước để làm gì
Trước khi bàn về quản lý nước như thế nào thì cần đặt lại câu hỏi quản lý nước nhằm mục đích gì? Câu hỏi “để làm gì” rất cần thiết cho quản lý nước cũng như bất cứ việc gì khác, bởi vì một khi chưa rõ làm để làm gì thì chưa thể biết làm như thế nào.
Nếu chỉ quản lý nước với mục tiêu duy nhất là phục vụ sản xuất với hệ thống canh tác nước ngọt thì cách quản lý nước sẽ rất khác và đơn giản hơn nhiều so với quản lý nước để duy trì sự vận hành lành mạnh của hệ thống tự nhiên của đồng bằng để duy trì sức khỏe của đồng bằng.
Sức khỏe của đồng bằng bao gồm sức khỏe của đất đai, sức khỏe của sông ngòi, và sức khỏe của biển, trong đó về loại nước thì có nước ngọt, nước mặn, nước lợ và về nguồn nước thì có nước từ thượng nguồn Mê Kông chảy về, nước mưa, nước ngầm, nước biển trong một hệ thống tổng thể vận hành hài hòa.
Nước và sức khỏe đất đai, sông ngòi, biển cả
Sông Mê Kông mỗi năm có tổng dòng chảy khoảng 475 tỷ mét khối, trong đó 80% là chảy trong mùa nước và 20% trong mùa khô. Nhiều người than phiền rằng sự chênh lệch quá lớn giữa mùa nước và mùa khô là sự bất lợi cho đồng bằng, mùa thì nhiều nước quá gây lũ lụt còn mùa thì ít nước quá gây hạn hán.
Nhưng chính nhờ sự phân bổ 80/20 đó thì đồng bằng mới có mặt trên đời, còn nếu thiên nhiên phân bổ dòng chảy sông Mê Kông theo tỷ lệ 50/50 giữa hai mùa thì chằc chắn không có vùng đất châu thổ này trên trái đất.
Chính sự phân bố chênh lệch như vậy nên vào mùa nước, dòng chảy sông Mê Kông ở phía thượng và trung lưu rất mạnh mới vận chuyển nổi vật liệu đất, cát từ phía trên xuống, miệt mài mỗi mùa nước trong 6000 năm qua để tạo ra hình hài đồng bằng bày.
Cũng chính sự phân bố chênh lệch theo mùa đó nên có mùa khô để đất đai được khô - ướt luân phiên để đất có thể hô hấp, nuôi nấng hệ sinh thái trong đất, duy trì sức khỏe của đất. Nếu mực nước mỗi ngày trong năm đều như nhau, không có khô - ướt luân phiên thì đất đai, cây cỏ, vạn vật, và con người ở đây sẽ rất khác chứ không phải như là miền Tây tươi đẹp mà ta thấy.
Sông ngòi cũng cần có sự biến thiên vận hành tự nhiên thay đổi theo ngày, tháng, năm thì mới có sông ngòi. Sông là một hệ gồm dòng chảy chính, bãi sông, bờ sông, các sông rạch nhánh, và đất đai, cánh đồng hai bên, vận hành như một hệ thống.
Nếu dòng sông bị “cầm tù”, bị kẹp hai bên bởi hai con đê, thì đó không còn là sông đúng nghĩa, mà chỉ là dòng chảy của hợp chất H2O (và các tạp chất khác trong nước). Nếu mực nước đứng yên quanh năm suốt tháng thì đó không còn là sông, mà chỉ là nơi chứa nước.
Biển cũng vậy. Biển khỏe mạnh thì phải được liên thông với sông ngòi bởi vì biển cần sông để điều chỉnh độ mặn, nhiệt độ, cần nguồn dinh dưỡng của phù sa từ sông mang ra, và nhiều loài cá biển cần đi vào ra hành lang sông ngòi hoặc đi lên thượng nguồn sông để sinh sản.
Vùng biển ĐBSCL với chiều dài bờ biển chỉ bằng một phần tư của cả nước, nhưng có sản lượng đánh bắt thủy sản biển bằng tất cả các vùng khác của Việt Nam cộng lại là nhờ sông Mê Kông và sự liên lạc sinh thái giữa biển và sông rạch nội địa. Biển và sông giao nhau mới có vùng nước lợ là nơi giàu thủy sản bậc nhất trên thế giới.
Trong toàn bộ lưu vực sông Mê Kông chảy qua 6 nước, có tổng cộng khoảng 1.200 loài cá thì ở ĐBSCL là nơi có độ đa dạng cao nhất, đến 450 loài, là nhờ sự giao nhau của sông và biển. Thủy sản biển là một hợp phần quan trọng không thể tách rời của nền kinh tế ĐBSCL.
Do đó, khi nói về tài nguyên nước ĐBSCL mà chỉ xem tài nguyên nước là số mét khối nước ngọt để sản xuất nông nghiệp thì sẽ phiến diện. Nếu từ cách nhìn hẹp đó cộng thêm những lo lắng về tình hình xâm nhập mặn cực đoan trong những năm vừa qua mà định ra mục tiêu hẹp cho quản lý tài nguyên nước thì khó đảm bảo sức khỏe chung của hệ thống. Từ đó có thể thấy, quản lý nước không chỉ nên nhắm tới một mục tiêu hẹp nào đó mà phải đáp ứng được nhiều nhu cầu và quản lý nước phải có nguyên tắc.
Quản lý nước như thế nào?
Vậy mục tiêu quản lý nước cần đáp ứng được một là đảm bảo sức khỏe hệ thống, đất đai, sông ngòi, và biển; hai là giảm được rủi ro thiệt hại sản xuất; và ba là đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt. Việc quản lý nước nên là một “liên hoàn kế” chứ không nên riêng lẻ theo kiểu “kê toa theo triệu chứng”, giải quyết triệu chứng được nhanh nhưng về lâu dài ảnh hưởng “lục phủ ngủ tạng” của đồng bằng.
Cụ thể, đối với vùng ven biển, cần có biện pháp cấp nước cho sinh hoạt riêng bằng công trình, các công nghệ hiện đại và kinh nghiệm truyền thống, nhưng quan trọng là cần tách khỏi các công trình ngăn mặn cho sản xuất vì nước tù đọng, ô nhiễm bên trong các công trình ngăn mặn không dùng cho sinh hoạt được.
Tinh thần chính của Nghị quyết 120 là thuận thiên, theo đó không nên tiếp tục có những công trình cơi nới, cố bành trướng vùng ngọt sang vùng mặn vì các vùng này sẽ rất mong manh trong bối cảnh mới. Vùng canh tác theo nước ngọt nên lùi vào vùng lõi, có nước ngọt an toàn quanh năm của đồng bằng. Còn vùng ven biển có chế độ mặn-ngọt luân phiên hai mùa mưa nắng thì nên thuận tự nhiên. Vấn đề còn lại là giải quyết nước sinh hoạt cho vùng đó.
Chìa khóa của việc quản lý nước ở ĐBSCL nằm ở nông nghiệp. Cải cách nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng sẽ giảm được phân bón thuốc trừ sâu, giảm được những công trình can thiệp vào quy luật tự nhiên. Sông ngòi được phục hồi sẽ giảm được sử dụng nước ngầm.
Sông-biển được liên thông thì sức khỏe sông và biển được phục hồi, thủy sản sông, thủy sản biển sinh sôi trở lại. Sông rạch được lưu thông thì lục bình sẽ không bùng phát, ghe xuồng sẽ đi lại được như xưa, nét đẹp văn hóa sông nước sẽ được giữ gìn.
Quản lý nước nên phục vụ cho tầm nhìn mới theo Nghị quyết 120 chứ không phải quản lý nước để khư khư duy trì cứng tình hình sản xuất như hiện tại của một nền nông nghiệp tập chạy theo sản lượng. Điều này có thể ví von như khi ở ngã ba đường cần chuyển hướng thì nên đầu tư cho con đường mới hơn là chỉ nhìn dặm vá con đường hiện tại.
Công trình kiểm soát nước chỉ nên cỡ nhỏ, cấp địa phương để giải quyết những vấn đề cụ thể của vùng nào đó, tránh việc vì một vùng nhỏ, mục tiêu hẹp mà can thiệp ảnh hưởng chung toàn hệ thống đồng bằng. Không nên có các công trình lớn, can thiệp thô bạo vào điều kiện tự nhiên, phục vụ mục tiêu hẹp mà mất đi sức khỏe tổng thể, đặc biệt là các công trình can thiệp lớn, bít cửa các con rồng của dòng Cửu Long ra biển.
Việc kiểm soát mặn nên lùi vào vùng biên giữa của vùng lõi ngọt của ĐBSCL bằng những công trình cỡ nhỏ và chỉ kiểm soát vào thời gian giao mùa mặn-ngọt và những năm cực đoan. Vùng mặn-ngọt luân phiên theo mùa rất cần những công trình quản lý nước để phục vụ cho hệ thống luân canh mặn ngọt.
Phục hồi không gian để hấp thu lũ trong mùa lũ ở các cánh đồng đầu nguồn; phục hòi không gian lan tỏa cho nước để tránh tình trạng nghịch lý “ruộng vườn không có nước mà thành phố lai láng” khi thủy triều lên mỗi năm vào dịp 30 tháng tám và rằm tháng 9 âm lịch.