, //, :: GTM+7

Quảng Nam: Vào mùa vớt ruốc biển

THIÊN HƯƠNG
Gần 1 tháng nay, ngư dân Duy Xuyên (Quảng Nam) bước vào mùa khai thác ruốc biển. Ruốc thường sống ở vùng nước sâu khoảng 20 - 40m. Để vớt ruốc hiệu quả, ngư dân phải am hiểu con nước lên xuống.

Nhộn nhịp mùa ruốc biển

Rạng sáng, dọc bờ kè cảng cá An Lương (xã Duy Hải), hàng chục tàu có công suất khoảng 20 - 40CV tấp nập đưa ruốc vào bờ bán cho thương lái. Sau khi cân bán ruốc xong, họ tiếp tục điều khiển thuyền, thúng ra biển Cửa Đại để đánh bắt mẻ ruốc khác. Bình quân mỗi chuyến ra khơi, bà con ngư dân thu về khoảng 3 – 5 tạ ruốc.

Ngư dân Nguyễn Văn Hai (55 tuổi, xã Duy Hải) cho biết, năm nay ruốc vào bờ trễ  và ít hơn so với mọi năm. Mấy năm trước, tầm tháng 9 Âm lịch, ruốc đã xuất hiện dày đặt ven biển cách bờ khoảng hơn 1 hải lý.

Hàng ngày, ông Hai cùng với người em trai nổ máy lái thuyền có công suất 40 CV ra vùng biển Cửa Đại, cách bờ khoảng 2 hải lý để vớt ruốc cả ngày lẫn đêm. Dụng cụ vớt ruốc là một chiếc vợt, được làm bằng 2 thanh gỗ dài 5m, có gắn lưới màng ở giữa theo hình tam giác. Chiếc vợt được buộc chặt ở đầu mũi thuyền. 

“Khi phát hiện vùng ruốc, mọi người hạ vợt xuống, tăng tốc thuyền đẩy vợt đi và ruốc lọt vào đáy vợt. Khi vợt đầy thì dừng thuyền, nâng vợt lên cho ruốc vào bao rồi tiếp tục hạ vợt vớt ruốc. Mỗi lần thu vợt, 2 anh em thu được khoảng 30 - 40kg ruốc. 

Phải hiểu con nước

"Con ruốc thường sống ở vùng nước sâu khoảng 20 - 40m. Để vớt ruốc hiệu quả, ngư dân phải am hiểu con nước lên xuống, biển động thì con ruốc ít vào bờ” – ông Hai chia sẻ.

Ngư dân Lê Văn Trưởng (42 tuổi, xã Duy Nghĩa) cho hay, ban đêm dễ phát hiện đàn ruốc hơn ban ngày. Chỉ cần rọi đèn sáng ra xa khoảng 5m sẽ nhận thấy đàn ruốc bơi, vì mắt ruốc có đốm sáng. Nếu trúng đàn ruốc, ông có thể vớt khoảng 30kg ruốc/lượt. Sau khi thấy ruốc được nhiều, ông chèo thúng đưa ruốc vào cảng để bán cho thương lái, hoặc để vợ mang về phơi khô dự trữ.

“Nghề vớt ruốc nhẹ nhàng hơn so với đi lưới vây, giã cào để bắt cá, tôm, tép. Mỗi mùa ruốc, tôi có thể đánh bắt được gần 50 tạ ruốc, thu nhập đem lại hơn 20 triệu đồng” – ông Trưởng phấn khởi.

Nhiều ngư dân ở Duy Hải cho hay, mỗi ngày họ ra khơi vớt ruốc 2 chuyến, có thể xuyên đêm. Sau khi vớt, ruốc được rửa sạch loại bỏ rác, vỏ ốc… trước khi mang vào bờ cân bán cho thương lái. Mỗi ký ruốc tươi loại 1 có giá dao động 15 - 20 nghìn đồng, loại 2 dưới 10 nghìn đồng, ruốc khô có giá dao động 50 - 80 nghìn đồng/kg. 

Mặc dù, con ruốc xuất hiện trong thời gian ngắn từ tháng 2 - 4 âm lịch, nhưng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều ngư dân. Ngoài vớt được ruốc, nhiều ngư dân còn trúng các mẻ cá trích, nục nhỏ; nếu may mắn mỗi chuyến ra khơi trong vòng 3 giờ, ngư dân có thể thu về từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Con ruốc có hình dạng như con tôm, kích thước khoảng 10 - 15mm, thường sống ở vùng biển và nước lợ. Ruốc tươi được người dân sử dụng làm mắm, hoặc phơi khô để kết hợp với các nguyên liệu khác chế biến món ăn như xào, nấu canh rau lang, khổ qua… rất ngon. Bình quân khoảng 5 - 7kg ruốc tươi sau khi phơi còn lại khoảng 1kg ruốc khô.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất