, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 05/10/2022, 10:31

Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ nông dân Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ

TUẤN ANH
Tại 2 huyện Định Quán và Cẩm Mỹ, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai thí điểm mô hình trồng lúa và nuôi heo theo hướng hữu cơ. Đây là hoạt động cụ thể hóa cam kết của Tập đoàn Quế Lâm với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương này.
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm (thứ 2 từ phải sang) thăm mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

“Nói thật, làm thật” dân mới tin 

Đầu năm 2022, Quế Lâm đã hỗ trợ huyện Cẩm Mỹ xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở ấp 9, xã Sông Ray với diện tích 8,5 sào. Mô hình sử dụng giống lúa ST24 và canh tác theo tiêu chuẩn 5 không: Không chất diệt cỏ, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu hóa học, không dư lượng hóa chất độc hại, không chất kích thích tăng trưởng. Chủ của mô hình này là Tổ trồng lúa sạch ấp 9.

Qua thời gian trồng thí điểm, kết quả đối chứng với ruộng canh tác bên cạnh cho thấy chất lượng đất ruộng trồng theo hướng hữu cơ được cải thiện tốt hơn hẳn. Theo ông Lê Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy sự khác biệt rõ. Ruộng canh tác theo hướng hữu cơ có mùn của các vi sinh vật còn ruộng kế bên không có. “Nếu canh tác hữu cơ một thời gian dài thì chất lượng đất sẽ được cải thiện đáng kể. Cây lúa sẽ sinh trưởng tốt hơn. Tới đầu vụ Đông Xuân này huyện và xã sẽ mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ ở đây lên trên 10ha" - ông Tưởng chia sẻ.

Ông Trần Hải Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Đồng Nai cho biết, Tập đoàn Quế Lâm và Sở NN&PTNT tỉnh đã hỗ trợ 50% vật tư, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Việc đảm bảo bao tiêu sản phẩm cũng giúp người dân yên tâm sản xuất. Canh tác theo hướng hữu cơ tuy tốn nhiều công chăm sóc nhưng bù lại giá bán thành phẩm cao hơn. Mô hình còn đem lại là một môi trường sống trong lành, giúp bảo vệ sức khỏe cho chính người nông dân. Qua khảo sát, người dân cũng đã bắt đầu tin tưởng vào sự thành công và hiệu quả của mô hình này.

Nông nghiệp hữu cơ là một lĩnh vực khó đòi hỏi chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân dành nhiều công sức để xây dựng và phát triển. Một trong những trở ngại lớn nhất khi thực hành nông nghiệp hữu cơ chính là người dân có những thói quen canh tác cũ, điều này rất khó thay đổi. Vì vậy, khi trả lời cho câu hỏi Quế Lâm kỳ vọng gì ở những mô hình trồng lúa hữu cơ này, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: “Trước hết chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của người nông dân. Người dân phải nghĩ được rằng làm lúa sạch để mình ăn, chứ không phải làm để bán. Họ phải có ý nghĩ làm ra các loại nông sản sạch để “phục vụ” mình, sau đó mới tính đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Nếu người dân làm ruộng mà không hiểu theo hướng hữu cơ là gì, thì sẽ không hiệu quả. Chúng tôi cho rằng xây dựng được mô hình thí điểm này bước đầu có sự thành công. Vì địa phương và người dân đã ý thức được vai trò của nông nghiệp hữu cơ, thậm chí là nông nghiệp tuần hoàn".

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, nông nghiệp ngày nay không bỏ đi thứ gì cả, đặc biệt là rơm rạ. "Chúng tôi có quy trình xử lý bằng vi sinh vật, trong vòng 10 ngày phế phẩm từ rơm rạ sẽ phân hủy rất nhanh. Điều này làm môi trường trong đồng ruộng thay đổi. Đất thay đổi thì nước sẽ thay đổi. Từ đó toàn bộ hệ sinh thái trên đất thay đổi. Điều này tốt cho cây, quả và hạt. Chúng ta sẽ có nông sản sạch” - ông Lam chia sẻ.

Theo ông Lam, sau khi thí điểm thành công mô hình, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, cùng với người nông dân cần ngồi lại với nhau, để điều chỉnh lựa chọn bước đi phù hợp. Nhưng điều chắc chắn rằng, canh tác sẽ phải tuân thủ nguyên tắc "thuận tự nhiên".

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai có giá trị khoảng trên 43 ngàn tỷ đồng, với 2 thế mạnh là trồng trọt và chăn nuôi. Quế Lâm cũng sẽ hướng đến xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ cho 2 “trụ cột” này. 

Đến nay đã có 59 tỉnh thành trên cả nước phối hợp cùng Tập đoàn Quế Lâm phát triển các mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, tuần hoàn với tổng diện tích 3.573ha, bao gồm các loại cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây rau màu (lúa, khoai, cam bưởi, thanh long, xoài, mận, na,hồ tiêu, cà phê, chè.., măng tây, hành tím, rau các loại).

Nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ ở Định Quán

Hiện tại, trên địa bàn huyện Định Quán có 2 mô hình chăn nuôi heo hữu cơ tại xã Ngọc Định với quy mô 20 heo nái (10 nái/hộ), dự kiến nuôi khoảng 400 heo thịt/năm (200 heo thịt/hộ nuôi/năm). Hai mô hình này được tổ chức theo hình thức liên kết sản xuất với Tập đoàn Quế Lâm từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến khâu bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.

Anh Đỗ Thế Lực - chủ 1 hộ chăn nuôi heo hữu cơ ở xã Ngọc Định cho biết, tháng 7/2022 anh ký kết hợp đồng chăn nuôi heo hữu cơ, xây dựng chuồng trại và nhập đàn heo nái sinh sản do tập đoàn Quế Lâm cung cấp. Hiện có 3/10 con heo nái đã sinh sản, số lượng heo con là 24 con, đàn heo sinh trưởng tốt. Với sự tư vấn của các kỹ sư Quế Lâm, anh sử dụng đệm sinh học lót chuồng nên chuồng trại luôn sạch sẽ, không còn mùi hôi như trước. Ngoài ra, anh còn lắp đặt hệ thống phun sương, quạt máy làm mát khu vực chuồng trại và lắp đặt dàn máy cho heo nghe nhạc.

Cuối tháng 4/2022, anh Lực cùng một hộ nuôi heo khác được Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện để tham gia tập huấn sản xuất theo mô hình hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn bằng công nghệ sinh học và tham quan thực tế quy trình chăn nuôi heo hữu cơ tại trang trại 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer) của Tập đoàn Quế Lâm tại Huế. Những kiến thức bổ ích sau chuyến đi này đã được anh áp dụng vào mô hình chăn nuôi của mình. Hiện anh đang cải tạo lại hệ thống chuồng nuôi, mở rộng đàn theo hướng chăn nuôi hữu cơ.

Anh Đỗ Thế Lực (áo xanh) trao đổi với cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Quế Lâm về mô hình chăn nuôi hữu cơ.

Ngoài mô hình nuôi heo, Tập đoàn Quế Lâm cũng hỗ trợ 2 hộ nuôi bò tại ấp 8, xã Gia Canh và 1 hộ nuôi dê tại ấp 1, xã Phú Hòa về quy trình, kỹ thuật. Các mô hình này sử dụng men LACTOPOWDER T để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo ra phân vi sinh. Nhờ đó, hạn chế được mùi hôi trong quá trình chăn nuôi, phân ủ có thời gian phân hủy nhanh, tạo được độ tơi xốp cho đất.

Ông Ngô Tấn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết dự kiến đến năm 2025 sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ ra toàn huyện để người dân tiếp cận và triển khai liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. UBND huyện cũng đã đề nghị Tập đoàn Quế Lâm ban hành định mức kỹ thuật, kinh phí thực hiện cụ thể đối với từng mô hình nông nghiệp theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn. Từ đó, các nhà quản lý có căn cứ để hỗ trợ cho các hộ dân. Địa phương cũng mong muốn Tập đoàn nghiên cứu, phát triển, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất thêm với các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Quán có nhu cầu thực hiện theo mô hình hữu cơ để đảm bảo số lượng nguồn heo thịt cung cấp cho thị trường. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi khác là thế mạnh của huyện trong thời gian tới. 

Đến nay cả nước có trên 25 tỉnh, thành áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm cho lợn, gà, bò. Các địa phương có số hộ/gia trại/trang trại áp dụng phổ biến là Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh. Theo thống kê, đã có khoảng 3.950.000 vật nuôi được chăn nuôi theo mô hình này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất