, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 30/11/2022, 06:00

Quê mùa mà lộng lẫy

ĐOÀN THỊ THU THỦY
(Chủ nhà hàng Bếp Nhà Lục Tỉnh)
Tôi dù là người gốc miền Trung nhưng 5 tuổi đã theo ba má vô Giồng Riềng (Kiên Giang) sinh sống. Tôi lớn lên ở miền Tây nên có một tuổi thơ thật đẹp với một nền ẩm thực đặc biệt.
Tác giả Đoàn Thị Thu Thủy.

Miền Tây của tôi thời đó trù phú, nhiều sản vật, lúa trổ đầy đồng, tôm cá đầy sông… Nhà tôi giáp mé sông, rau trái quanh vườn, chỉ cần xách lưới ra kéo một buổi là có đủ tôm cá cho cả nhà. Vườn cũng trồng nhiều lá dứa, ngò gai, ngò om... nên bữa nào đặt đáy có tép thì làm bánh cóng, bánh xèo. Bơi xuồng dọc sông một đỗi là bẻ được cả rổ lá lụa, lá cách, đọt bằng lăng... ăn cùng món bánh nóng hổi đang đổ trên bếp.

Vào mùa nước nổi, không đi làm đồng, người miền Tây lại xúm xít xay bột làm bánh. Tôi thương món bánh xèo thịt vịt dân dã, quê mùa. Thời đó, thịt heo khó kiếm nhưng vịt lại được nuôi sẵn. Thịt vịt bằm, xào chung với củ sắn xắt sợi hay củ hũ dừa làm nhân rất đặc biệt, chỉ ở miền này mới có.

Hay bữa nào trời mưa, có quày chuối chín thì ngâm nếp làm bánh cà bắp hay trộn bột làm bánh chuối hấp ăn chơi. Có khi hàng xóm đám cưới, chị em tụ tập làm bánh kẹp cuốn, bánh bông lan, bánh bột đậu trước cả tuần. Giỗ quảy thì xay bột làm bánh ít, ngâm nếp để gói vài chục bánh tét biếu bà con đem về ăn lấy thảo. Thời đó, vào những dịp đám giỗ, đám cưới, người quê không ra chợ mua bánh mà toàn tự làm. Chiếc cối đá, cái bòng bột… là vật dụng quen thuộc trong nhà, vì thế cũng trở thành một phần ký ức không thể quên của những người xa quê.

Nhớ về bánh miền Tây thì kể sao cho hết: bánh khọt, bánh ít trần, bánh tằm, bánh canh, hay bánh đúc mặn, bánh đúc ngọt, bánh lá, bánh đùm, bánh bột báng... Ngoài những bánh quen, còn có những loại bánh làm theo mùa. Như bánh ú Bá Trạng, thường gặp trong ngày 5/5 âm lịch. Vào rằm Trung thu, người miền Tây không làm bánh nướng nhân thập cẩm mà làm bánh in bằng bột nếp, nhân đậu xanh hay nhân mứt bí, nhân khoai môn… Chưa kể, miền Tây cũng là “thiên đường” chè: chè bánh lọt hạt lựu, chè đậu xanh nha đam, chè đậu trắng, chè khoai mì, chè khoai môn… Nhắc đến là mê.

Nhưng vì sao bánh, chè miền Tây phong phú hơn miền Bắc và miền Trung? Tôi nghĩ, phải chăng sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Hoa, cộng thêm văn hóa ẩm thực của người Khmer nên vùng đất này có một nền ẩm thực rất phong phú.

Bánh, chè miền Tây có đặc trưng là thường được ăn với nhiều nước cốt dừa. Người nơi khác đến, ăn vào có khi không quen. Nhưng đó là nét riêng rất khác biệt, hầu như các loại bánh đều chan nước cốt dừa hoặc trộn nước cốt dừa vào trong lúc chế biến cho béo. Sau này, khi rời quê về Sài Gòn đông đúc, ồn ào và có đủ các hương vị ẩm thực các vùng miền tựu về, tôi mới vỡ lẽ một điều, hóa ra, bao nhiêu cái ngọt bùi đằm sâu của tuổi thơ đọng hết vào cái mùi nước cốt dừa vừa thơm vừa béo đó… lưu hoài trong ký ức từ thuở còn thơ đến lúc bạc đầu. Tôi nhớ có người khách lớn tuổi đến nhà hàng, khi ăn miếng bánh đúc ngọt chan đường thốt nốt và nước cốt dừa, ông rưng rưng nói: “Mấy chục năm rồi, tui mới được ăn lại đúng vị cái bánh đúc mà má hay mua mỗi khi đi chợ về”.

Tôi không rõ triết lý ẩm thực của những nơi khác là gì. Người miền Tây đơn giản lắm. Trên đoạn đường dài thiên lý di cư vào đây, những lưu dân thời mở cõi có nguyên liệu gì thì chế ra làm món đó, không bày vẽ. Tôi nhớ, quê tôi có một số loại bánh được làm đơn giản trần đời, gọi chung là bánh lá. Bột xay chung với lá mơ, rồi nắn bột lên lá nào thì thành bánh lá đó. Chẳng hạn bánh lá mít, bánh lá dừa… Nặn xong, thì mang đi hấp. Hấp xong gỡ ra, chan nước cốt dừa vào, vậy mà thơm ngon hết biết. Tôi đi lâu, lắm lúc, lại rất nhớ cái màu, nhớ mùi, nhớ vị của chiếc bánh lá đó. 

Tôi nghĩ, con người ta dù lớn lên, có bao tuổi đi chăng nữa thì vẫn nhớ về kí ức ngày xưa. Dù ngày xưa đó, có khi, chỉ gói gọn trong một gian bếp chụm củi, nhóm lửa bằng lá dừa nhưng mùi khói đó cứ vẩn vơ theo mình mãi. Giờ, tôi có có hẳn một gian bếp hiện đại giữa một thành phố đông dân, nhưng thật lạ, tôi không sao quên được chái bếp hiên sau ở miệt đồng ngày nhỏ. Đó là nơi mà bao tình cảm, bao nỗi niềm thương nhớ đồng bưng được bắt đầu, để có tôi ngày hôm nay. Tôi hay nói, quê mùa mà lộng lẫy là vì thế. Đó là một thứ lộng lẫy, đẹp đẽ hết mực trong lòng mình.

Ở Sài Gòn, không thấy người ta bán nhiều loại bánh miền Tây; dù có bán, cũng chưa hẳn đúng vị. Nên tôi lại tỉ mẩn làm những món bánh quê phục vụ ở nhà hàng: bánh xèo, bánh cóng, bánh khọt… đem những món bánh quê trong ký ức làm phong phú thêm thực đơn nhà hàng. Và tôi nghĩ, những người xa xứ như tôi luôn nhớ về hương vị của tuổi thơ, nhớ những món ăn thơm thảo từ ký ức vọng về.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất