, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 17/01/2021, 12:58

Quốc hội khóa XIV - một nhiệm kỳ nhiều đổi mới

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Kể từ ngày 22 tháng 05 năm 2016 - ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV - đến nay, một nhiệm kỳ đã sắp trôi qua. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã có nhiều đổi mới để vươn lên thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng của thiết chế lập pháp - một thiết chế trung tâm của nền quản trị quốc gia.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Quốc hội là thiết chế trung tâm bởi vì tất cả các cơ quan nhà nước khác kể cả hành pháp và tư pháp đều hình thành trên cơ sở của Quốc hội. Người dân chỉ bầu ra Quốc hội. Đến lượt mình, Quốc hội mới bầu và phê chuẩn tất cả các chức danh lãnh đạo cao cấp khác của Nhà nước.

Quốc hội là thiết chế trung tâm còn bởi vì Quốc hội kết nối Nhà nước với nhân dân. Nhìn từ góc độ của người dân thì Quốc hội là một phần của Nhà nước, nhưng nhìn từ góc độ của các cơ quan Nhà nước thì Quốc hội lại là một phần của nhân dân. Tính chất đặc biệt này cũng thể hiện rất rõ trong các chức năng của Quốc hội. Khi thực hiện chức năng lập pháp (bao gồm cả chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, vì về bản chất chức năng này nằm trong chức năng lập pháp) và giám sát, thì Quốc hội vận hành như một cơ quan Nhà nước. Nhưng khi thực hiện chức năng đại diện, thì Quốc hội vận hành như một bộ phận của nhân dân. Sự kết hợp chặt chẽ cả ba chức năng này giúp cho Quốc hội định hướng cả nền quản trị quốc gia vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng thật sự vì lợi ích của nhân dân. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chức năng đại diện đã thật sự dẫn dắt cả hoạt động lập pháp cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội đều phát biểu tại nghị trường trên cơ sở ý kiến của cử tri hoặc vì lợi ích của cử tri. Tuy nhiên, một vài điều băn khoăn ở đây thì vẫn còn.

Trước hết, cử tri ở đơn vị bầu cử, cử tri ở tỉnh và cử tri ở cả nước là những khái niệm khác nhau. Không phải bao giờ ý kiến của cử tri ở đơn vị bầu cử (ở tỉnh) cũng trùng hợp với ý kiến của cử tri trong cả nước. Hơn thế nữa, lợi ích của cử tri ở đơn vị bầu cử (ở tỉnh) không phải bao giờ cũng trùng hợp với lợi ích của cử tri trong cả nước. Chính vì vậy, tình trạng đấu tranh cho lợi ích của địa phương hơn là cho lợi ích của quốc gia đang là một rủi ro không hề nhỏ trong hoạt động nghị trường.

Thứ hai, do rất nhiều đại biểu QH được bầu lên theo cơ cấu, nên động lực đại diện cho ngành nhiều khi có thể áp đảo nghị trường. Những tranh luận giữa các vị đại biểu QH với nhau trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa rồi cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

Ngoài ra, các quy định về quy trình và thủ tục để những vấn đề được đưa vào nghị trình phải thật sự là những vấn đề của quốc gia cũng cần được quan tâm xử lý. Quốc hội là một thiết chế của quốc gia và để xử lý những vấn đề của quốc gia, nên chỉ những vấn đề quan trọng của quốc gia mới được đưa vào nghị trình. Làm ngược lại không chỉ gây lãng phí thời giờ của Quốc hội, mà còn có thể tạo ra sự không công bằng.

Quốc hội là thiết chế trung tâm còn bởi vì Quốc hội là diễn đàn số một của dân tộc. Đây là nơi thông qua hoạt động báo cáo, thảo luận và chất vấn, mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước đều được nhận biết, mọi phản ứng chính sách đều được hình thành. Với chức năng diễn đàn, Quốc hội đã làm cho chính sách, pháp luật trở nên minh bạch. Lợi ích nhóm ẩn sau các con chữ nhờ đó đã được giảm thiểu hoặc được loại trừ.

Quốc hội là cơ quan nắm quyền lập pháp. Quyền lập pháp chính là quyền thẩm định và thông qua luật. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã thẩm định các dự luật một cách kỹ càng hơn. Đây là khoảng thời gian, số lượng các dự luật bị tạm hoãn thông qua, bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự nhiều nhất. Có thể kể ra đây hàng loạt dự luật bị tạm hoãn như Luật Quy hoạch, Luật Bảo đảm an toàn giao thông… Hay bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự như Luật Hành chính công. Tâm lý làm luật theo kế hoạch đang dần được khắc phục.

Thực ra, cố gắng kế hoạch hóa hoạt động lập pháp là nhằm khắc phục tình trạng thiếu luật. Tuy nhiên, luật chỉ tốt khi chính sách lập pháp được đề ra đúng đắn, giải pháp lập pháp được đề ra hiệu quả và khả thi. Những đạo luật kém chất lượng không chỉ làm cho quy trình quản trị bị rối loạn, mà còn làm phát sinh những chi phí khổng lồ cả cho việc thực thi của các cơ quan Nhà nước, cả cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp và người dân. Đó là chưa nói tới việc những quy định mù mờ của luật còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiêu cực phát sinh. Chính vì vậy ban hành nhiều đạo luật kém chất lượng là một thảm họa, chứ không phải là một thành tựu.

Đối với một nền quản trị quốc gia hiện đại, bảo đảm chế độ trách nhiệm là đòi hỏi quan trọng hàng đầu. Quốc hội là thiết chế được sinh ra để bảo đảm chế độ trách nhiệm ở tầng cao nhất. Đó là trách nhiệm chính trị gắn chặt với trách nhiệm giải trình. Các phiên chất vấn sôi động của Quốc hội quả thực đã rất hiệu quả trong việc bảo đảm cả hai chế độ trách nhiệm này. Có thể nói, hoạt động chất vấn là hoạt động được đổi mới thường xuyên nhất. Điều này chắc chắn đã làm hoạt động chất vấn ngày càng sôi động, tính chất tranh luận trong chất vấn ngày càng cao. Tuy nhiên, tranh luận giữa các vị đại biểu Quốc hội với nhau trong phiên chất vấn có vẻ là không hoàn toàn phù hợp với quy chuẩn của Luật Nghị viện. Quy trình, thủ tục thay đổi thường xuyên cũng có thể gây khó khăn cho các chủ thể có liên quan và ảnh hưởng đến quyền của các chủ thể này.

Tóm lại, nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề được đặt ra, cần thiết phải xử lý để tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nói riêng và nền quản trị quốc gia nói chung.

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất