, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 23/04/2021, 11:30

Quốc hội Khóa XIV với "những phần trăm trăn trở"

CẨM HÀ

Kỳ họp lần này chỉ kéo dài 12 ngày, lại phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là công tác nhân sự, nhưng Quốc hội vẫn dành một thời lượng thích hợp để nghe báo cáo về việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, có 1.810 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 95%. Báo cáo của Ban Dân nguyện, do Trưởng ban Dương Thanh Bình trình bày trước Quốc hội, cho biết như vậy.

Nhận định chung, ông Dương Thanh Bình cho rằng các bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị cử tri (KNCT), trong đó, một số bộ, ngành được nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp... vì đã trả lời đầy đủ, đúng thời hạn số lượng lớn các kiến nghị. Đáng lưu ý, một số vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Tiếp thu KNCT về xử lý tin nhắn rác, trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chặn thành công 242,97 triệu tin nhắn rác (bằng 2,14 lần so với cùng kỳ 2019). Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thống nhất thí điểm sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế trên ứng dụng Bảo hiểm Xã hội số (không cần thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy) cho người dân tại 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ thời gian qua.

Một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước cũng đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, bảo vệ rừng, đáp ứng KNCT nêu từ kỳ họp thứ 3. Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; trong đó, quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực... nhằm công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để hạn chế tối đa việc xảy ra tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn. Đây là KNCT từ nhiều địa phương trong nhiều kỳ họp trước.

Ở khối tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị. Trong đó, TAND tối cao và Viện KSND tối cao đã thông tin đến cử tri về việc TAND tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu...

Không ít kiến nghị còn “treo”

Theo Ban Dân nguyện, hiện vẫn còn 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời. Một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả. Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế; đơn cử là quy định về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng không thống nhất về quan điểm giữa bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Điển hình là việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Trong khi Bộ Tư pháp cho rằng hành vi nói trên, dù với số lượng nào, cũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì TAND tối cao lại cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 (quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Đáng nói hơn, Thông tư liên ngành số 01 đã… hết hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, vẫn còn tới 159 KNCT gửi đến kỳ họp thứ 10 được các cơ quan chức năng cho biết là “đang trong quá trình giải quyết” (chiếm 8,8%). Như vậy, có tới gần 14% KNCT hoặc chưa được trả lời, hoặc cử tri vẫn đang phải nóng lòng chờ đợi. Trong số này, có những kiến nghị được các bộ, ngành hứa “nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật”. Theo Thanh tra Chính phủ, KNCT đề xuất “bổ sung các chế tài xử lý đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra” đã được ghi nhận, nghiên cứu đưa vào Luật và các văn bản hướng dẫn trong quá trình sửa đổi Luật Thanh tra. Về đề xuất “tăng mức hỗ trợ đảm bảo khuyến khích người dân tự giác bảo vệ và phát triển rừng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đang xây dựng “Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp”, trong đó sẽ thiết kế các chính sách đảm bảo hài hòa khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng... Về cách tính giá điện, Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu tiếp thu để xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, dự kiến ban hành trong năm 2021, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Những kiến nghị của cử tri còn đang “treo” này, theo ví von của một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “những phần trăm trăn trở” sau một nhiệm kỳ Quốc hội, bởi tuy có hứa hẹn nhưng khi nào được giải quyết cụ thể thì… chưa xác định, đặc biệt là những vấn đề cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (trồng trọt; văn hóa và quảng cáo...) hoặc các vấn đề phải có kinh phí thì mới giải quyết được, chẳng hạn như nâng cấp một số tuyến quốc lộ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách đối với người có công...

Đó là chưa kể 812 kiến nghị còn tồn đọng, chưa được giải quyết xong từ một số kỳ họp trước, mà cho đến kỳ họp này - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV - vẫn còn tới gần 600 kiến nghị (chiếm 73,6%) được chuyển sang kỳ họp sau…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất