, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 12/05/2022, 06:01

Quy chế pháp lý về nước sạch cho dân

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Hiện nay ở nước ta, hơn 84% các hộ dân ở thành thị được dùng nước máy. Thế nhưng, số hộ dân được dùng nước máy ở nông thôn chỉ là gần 35%. Một sự chênh lệch quả thực quá lớn.

Thực tế cho thấy, do thiếu hụt đầu tư công, nhiều địa phương đã tìm cách xã hội hóa việc cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, mọi việc vẫn có vẻ không hề suôn sẻ. Một loạt vấn đề đang được đặt ra liên quan đến giá cả; đến quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, của nhà cung cấp nước sạch và người dân. Hệ lụy là tỷ lệ người dân không được tiếp cận dịch vụ cung cấp nước sạch, đặc biệt ở nông thôn vẫn rất cao. Trong bối cảnh này, một quy chế pháp lý xác định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp nước và người tiêu dùng (người dân) là rất cần thiết. 

Để xây dựng được một quy chế pháp lý phù hợp, một khuôn khổ khái niệm rõ ràng, mạch lạc là điều đầu tiên chúng ta cần có. Khuôn khổ này bắt đầu từ việc xác định cho rõ nước sạch có phải là hàng hóa công hay không (cung cấp nước sạch có phải là dịch vụ công hay không)?

Theo kinh tế học, hàng hóa công là loại hàng hóa có hai tính chất cơ bản sau đây:

1. Người này tiêu dùng không loại trừ việc tiêu dùng của người khác. Người này được hưởng thụ an ninh - trật tự không loại trừ người khác cũng được hưởng thụ an ninh - trật tự.

2. Hàng hóa không bị tiêu hao sau khi được tiêu dùng. Sau khi một người hưởng thụ an ninh - trật tự, thì an ninh - trật tự vẫn còn đó.

Với các tính chất như vậy, thì công lý, quốc phòng, điện chiếu sáng… đều là những hàng hóa công.

Tuy nhiên, cũng với các tính chất như vậy, thật sự rất khó kiếm tiền bằng cách kinh doanh các hàng hóa công. Chính vì vậy, hàng hóa công phải do Nhà nước cung cấp.

Vấn đề đặt ra là nước sạch có phải là hàng hóa công hay không? Xét từ góc độ kinh tế học, tuy hành tinh của chúng ta có đến ¾ là nước, nhưng nước ngọt quả thực là đang ngày càng trở nên khan hiếm. Ở rất nhiều nơi, người này dùng nước ngọt sẽ không còn phần cho người khác. Và cũng khác với an ninh - trật tự, mỗi người tiêu dùng đều làm cho nước ngọt bị tiêu hao. Chính vì vậy, xét từ góc độ kinh tế học, nước ngọt khó lòng được coi là hàng hóa công.

Tuy nhiên, từ năm 2010 Liên hiệp quốc đã coi quyền sử dụng nước sạch là một quyền con người. Đã là một quyền con người, thì Nhà nước phải đứng ra bảo đảm. Cung cấp nước sạch để bảo đảm quyền con người vì vậy là trách nhiệm của Nhà nước. Nước sạch cũng vì vậy là một loại hàng hóa công. Vấn đề là quyền con người được sử dụng nước sạch phải được định nghĩa một cách rõ ràng. Dùng nước sạch để rửa xe ô tô, để tưới cây, để đổ đầy bể bơi… có phải là quyền con người hay không? E rằng câu trả lời phải là không!

Như vậy, nước sạch chỉ là hàng hóa công trong trường hợp phục vụ đời sống hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… thôi. Và trong trường hợp này, Nhà nước phải đứng ra cung cấp hoặc hợp tác với tư nhân để cung cấp (PPP).

Nước còn có thể được coi là hàng hóa bán công. Ví dụ, nước trong bể bơi công cộng là hàng hóa bán công. Mặc dù, một người xuống bơi sẽ không làm tiêu hao bớt nước, nhưng đến một mức độ nhất định, một người xuống bơi sẽ loại trừ một người khác được bơi. 

Nước để tưới tiêu nông nghiệp cũng có thể được coi là hàng hóa bán công. Mặc dù một người dùng tưới nước không loại trừ người khác cũng được, nhưng lại làm tiêu hao nước. Trong hai trường hợp, nước ngọt là hàng hóa bán công nói trên, thì Nhà nước có thể không đứng ra cung cấp, nhưng cần can thiệp để chất lượng và đặc biệt là giá cả được xác lập hợp lý.

Nước sạch như hàng hóa tư rõ nhất là nước đóng chai. Trong trường hợp này, người này uống rõ ràng sẽ loại trừ người khác và đã uống là tiêu hao nước. Trong trường hợp nước sạch là hàng hóa tư thì Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp. Có chăng chỉ là áp đặt các tiêu chuẩn về chất lượng nước.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất