, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/12/2021, 16:19

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhìn từ cây lúa

CẨM HÀ
Tại kỳ họp thứ 2 tháng 11 vừa qua, trước khi “bấm nút” thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận sôi nổi về đất nông nghiệp, cụ thể là đất lúa. Một chủ đề không mới, nhưng chưa bao giờ cũ với một đất nước nông nghiệp lúa nước như Việt Nam.
 

 

Không phải không có lý khi hầu hết ĐBQH đến từ các địa phương thuộc vựa lúa ĐBSCL bày tỏ băn khoăn về việc nên hay không nên giữ lại tới 3,568 triệu hecta diện tích đất trồng lúa đến năm 2030. ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng người trồng lúa rất vất vả, thu nhập thấp, hiệu quả sản xuất chỉ bằng 1/10 thủy sản, trong khi đất trồng lúa lại “chiếm” nhiều không gian phát triển. Thêm vào đó, mức tiêu thụ gạo bình quân hiện đang giảm rõ rệt, giữ lại tới 3,5 triệu hecta đất lúa là không thật sự cần thiết. Mặt khác, việc “bắt” ĐBSCL gánh tới 50% diện tích đất lúa là quá lớn, khiến cho vùng này khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao, thậm chí sẽ luôn luôn là “vùng trũng” phát triển của cả nước. Ông đề nghị tính toán kỹ theo hướng giảm bớt diện tích đất lúa xuống khoảng 3,2 triệu hecta vào năm 2025.

Vấn đề ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) băn khoăn không chỉ là bao nhiêu mà còn là phải giữ đất lúa ở đâu. Bởi trên thực tế, trong khi diện tích đất trồng lúa ở trung du và miền núi có xu hướng tăng, thì ở đồng bằng lại giảm, đặc biệt là ở một số tỉnh trọng điểm trồng lúa ở miền Bắc. Việc chuyển một phần diện tích đất sang làm KCN là không tránh khỏi, nhưng khi lấy đất làm KCN thì sẽ dẫn đến một diện tích khác bị ảnh hưởng, không trồng trọt được nữa, do đó khi chuyển mục đích sử dụng cần rất cân nhắc.

Theo dõi sát cuộc tranh luận trong nghị trường, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Phạm Chánh Trực gửi gắm tới các vị đại biểu của dân tâm nguyện đau đáu của ông, cũng là một người con của ĐBSCL: Cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá nghiêm túc mặt được và chưa được của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa giai đoạn 2011 - 2020. 

Lo lắng về việc đất lúa bị thu hẹp, nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, có những dự án thu hồi đất lúa xong bỏ hoang hoặc chỉ làm một vài hạng mục rồi “đắp chiếu”, rất lãng phí trong khi người dân không có đất sản xuất, ông Phạm Chánh Trực nhấn mạnh: “Do lạm dụng hóa chất nên năng suất cao, sản lượng lớn, song môi trường ô nhiễm, sức khỏe người dân hao mòn, trong khi chất lượng lúa gạo nhiều khi không đạt tiêu chuẩn, không bán được giá ở những thị trường khó tính”. Nếu tính đủ chi phí môi trường, chi phí xã hội thì “nông sản hóa chất” sẽ có giá thành rất cao. Nếu trồng lúa bằng phân bón hữu cơ, vi sinh thì năng suất thấp hơn, do đó sản lượng thấp hơn, nhưng chất lượng cao, giá trị cao. Vấn đề là phải có những chính sách công bằng, đúng mức để làm rõ giá trị và bảo vệ nông sản hữu cơ, dù năng suất có thấp hơn”. Hơn nữa, trong tương lai, khi biến đổi khí hậu, thiên tai khốc liệt làm cho mùa màng khó khăn, nước biển dâng có khả năng làm mất đến 40% diện tích ĐBSCL thì nếu bây giờ cắt giảm thêm diện tích trồng lúa, các thế hệ sau này sẽ sống ra sao?

Tiếp thu những ý kiến hợp lý hợp tình, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định vẫn giữ nguyên hơn 3,5 triệu hecta đất trồng lúa, nhưng cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi tối đa 300 nghìn hecta trong phần diện tích này mà không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Đồng thời, nêu rõ hạn chế việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.

 

 
 

 

Ông Phạm Chánh Trực đã đặt ra một câu hỏi rất đáng suy nghĩ và cũng là mong mỏi bao đời nay của người nông dân: Tại sao các vựa lúa của Việt Nam, nhất là vùng ĐBSCL đang bị đe dọa tổn thương từ biến đổi khí hậu, lại không thể có một nền nông nghiệp hiện đại và thuận thiên như Hà Lan hay New Zealand?

Tại sao đối với Việt Nam, giá nông sản nói chung và hạt gạo nói riêng vẫn bấp bênh? Giá thị trường thế giới lúc lên lúc xuống là bình thường, vấn đề là người nông dân Việt Nam đã không có trong tay những công cụ cần thiết để dự kiến kế hoạch sản xuất, không chủ động được các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, nuôi tôm cá…), và do tập quán thu hoạch rồi bán ngay cho thương lái nên phụ thuộc quá lớn vào các công ty xuất khẩu gạo hay thương mại trong nước…

Giá trị nông sản thấp là do người nông dân vẫn chủ yếu bán nguyên liệu thô và không khai thác được những phụ phẩm rất có giá trị ngoài hạt gạo, như dầu cám và trấu. Chẳng nói đâu xa, ngay ở Khu Công nghệ cao TP.HCM có nhà máy chế biến trấu thành silica và nano silica, giá 5 USD/kg, hoặc carbon giá 2 USD/kg - đây là nguyên liệu làm sơn hoặc vỏ ô tô. “Chỉ riêng hai loại nguyên liệu này có thể đem lại cho người nông dân ĐBSCL khoảng 6 tỷ USD mỗi năm”, ông Phạm Chánh Trực nói.

 
 

 

Ruộng đất manh mún (vì thế không thuận lợi để ứng dụng khoa học công nghệ đúng mức và đúng đắn) và năng suất lao động thấp là những yếu tố thực tế khác dẫn đến thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê năm 2017, năng suất lao động của nước ta bình quân là 93,2 triệu đồng/lao động, thì riêng ngành nông nghiệp là 35,6 triệu đồng/lao động, thấp nhất các ngành kinh tế. ĐBSCL cũng không ngoại lệ.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa lao động không có nghề, nhưng lại thiếu lao động được đào tạo cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, cho quản lý sản xuất, kinh doanh và phát triển toàn diện nông nghiệp nông thôn là một lực cản đã được nhận diện từ lâu mà lời giải vẫn còn khá xa vời!

Rõ ràng, một quy hoạch sử dụng đất đã cân nhắc đến vai trò xứng đáng hạt gạo, cây lúa là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền tảng để giải quyết các vấn đề về nông nghiệp nông thôn. Nhưng còn vô số việc phải làm trước mắt…

Cẩm Hà

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất