, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 24/12/2019, 14:22

Răng đen - vẻ đẹp thiếu nữ ngày xưa

Theo VỸ DẠ (báo Kon Tum)

Nếu như ngày nay, mọi người quan niệm một hàm răng đẹp là phải đều đặn, thẳng hàng cùng một nụ cười trắng sáng thì ngày xưa, các cụ cho rằng màu răng đen là thể hiện sự chỉn chu và quý phái của người phụ nữ.

Răng đen thể hiện sự chỉn chu và quý phái của người phụ nữ ngày xưa. Ảnh: internet
Răng đen thể hiện sự chỉn chu và quý phái của người phụ nữ ngày xưa. Ảnh: internet

Nhuộm răng đen là một trong những phong tục cổ nhất của người Việt Nam, có từ thời Hùng Vương, trải dài theo mấy nghìn năm lịch sử. Nhuộm răng đen đã góp phần định hình bản sắc văn hóa người Việt. Và phong tục này chủ yếu chỉ ở khu vực miền Bắc và miền Trung, còn ở miền Nam ít phổ biến hơn.

Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Và tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen, đồng thời tạo được vẻ  thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng…

Tôi nhớ ngày nội tôi còn sống, bà rất chăm chút hàm răng của mình. Bà giữ gìn bộ răng đen rất cẩn thận. Mỗi lần nhà có việc trọng đại bà đều dùng thuốc để đánh lại hàm răng đen cho mới, cho đẹp. Vì thế mà khi đã ngoài 80 tuổi răng bà vẫn còn chắc và khỏe lắm.

Lúc nhỏ, tôi hay thắc mắc và ngạc nhiên, hàm răng trời sinh ra, trắng và đẹp một cách tự nhiên, sao nội không làm cho nó trắng hơn, bóng hơn, đẹp hơn mà lại làm cho đen như vậy? Nội tôi giải thích: Hàm răng đen của người con gái thời xưa được coi là một tiêu chuẩn không thể thiếu của vẻ đẹp. Thiếu nữ ngày xưa vào tuổi mười ba, mười bốn đã nhuộm răng hoặc sớm hơn tuổi đó. Rồi nội kể rất tỷ mỷ về việc nhuộm răng đen của mình.

Nhuộm răng đen cũng là một quá trình vô cùng cầu kỳ. Trước khi nhuộm răng phải ngậm chanh hoặc rượu trắng để lớp men răng mòn đi. Hoặc có thể dùng vỏ cau khô châm than bột trộn muối bột để đánh bung hết men răng. Sau đó, phết thuốc nhuộm bằng nhựa cánh kiến lên răng trong nhiều ngày cho tới khi răng có màu đỏ cánh kiến. Cuối cùng là phết một hỗn hợp phèn đen và nhựa cánh kiến để có hàm răng đen bóng.

Vì những chất dùng để nhuộm răng là những chất nồng và cay, nên môi và lưỡi đều sưng, khiến người nhuộm răng phải nhịn cơm và đồ ăn cứng chừng nửa tháng.

Người con gái xưa nhuộm răng rất vất vả. Nếu cô gái nào không kiêng kỹ, thuốc nhuộm sẽ không bám đều được vào răng trông rất nham nhở.

Cũng chính vì nhuộm răng công phu như vậy, nên khi kén chồng các cô gái ngày xưa thường bảo nhau: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng, răng đen…”.

Vẻ đẹp của hàm răng đen đã được đưa vào ca dao như một chuẩn mực về nét đẹp của phụ nữ Việt Nam trước đây: Mình về mình nhớ ta chăng/Ta về ta nhớ hàm răng mình cười/ Năm quan mua lấy miệng cười/ Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen/ Răng đen ai nhuộm cho mình/ Cho răng mình đẹp, cho tình anh say?.

Thời kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Hoàng Cầm cũng không quên nét đẹp cuốn hút của người con gái Kinh Bắc: “Ai về bên kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng…” (Bên kia sông Đuống).

Có thể nói rằng tục nhuộm răng đen ngày nay đã trở thành quá khứ, tuy nhiên nó vẫn mãi là một tập tục đẹp, như một dấu ấn của một phong tục cổ truyền đã ăn sâu vào trong tiềm thức và tâm hồn các thế hệ con cháu chúng ta.

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất