, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 12/07/2018, 10:22

Rau chốc của nhà nghèo

Ở miền sông nước Cửu Long có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Sang tháng bảy, tháng tám khi mưa già cũng là lúc nước từ thượng nguồn hai nhánh Tiền Giang, Hậu Giang đổ về, đồng ruộng, bưng biền trắng xóa nước.

Đây cũng là lúc những loài cỏ dại hoang vào mùa lũ thả sức tung hoành. Bông súng ma bông trắng nhụy vàng vươn nhanh theo nước, rau dừa, rau muống bò lan khắp mặt ao đìa, rau chốc, rau mác, lá hẹ mọc đầy. Dân gian gọi đây là những thứ rau nhà nghèo.

Rau chốc ăn với mắm chưng
Rau chốc ăn với mắm chưng

Bởi lẽ, ngày trước, khi những cơn mưa tầm tả đổ xuống cũng là lúc trong nhà người nghèo gạo đã gần hết. Người ta hái những thứ rau này về để … ăn độn. Nồi cháo có thêm bông súng, củ co hay những dề rau chốc nấu nhừ ít nhiều giúp người nông dân qua cơn đói lòng. Rau chốc cũng được tận dụng xắt cho vịt, gà hay nấu cháo nuôi heo.

Sau này, khi nền kinh tế đã phát triển, cơm gạo không còn là nỗi lo nữa thì các thứ rau này, trong đó có rau chốc lại trở thành … đặc sản miền quê.

Rau chốc là một loài rau mọc tự nhiên ở dưới nước, có thân hơi tròn dài khoảng trên dưới gang tay người lớn, loài cỏ này có lá dẹp và dài.

Khi mùa nước nổi bắt đầu thì trên những cánh đồng, những đám rau chốc lại mọc lên và phát triển rất tươi tốt. Chỉ cần nhổ về lặt bỏ rễ và lá, lấy thân khoảng tấc tây thì chúng ta có thể có được một loại rau sạch để ăn.

Đơn giản nhất là dùng rau chốc xào mỡ, hoặc sang hơn thì xào với tép trấu vừa được ngoài đồng. Rửa sạch rồi cắt bỏ phần gai, râu của tép. Bắc chảo mỡ lên phi tỏi cho thơm, trút tép vào xào, nêm chút nước mắm, bột ngọt, …

Rau chốc đã lặt, ngắt đôi, ngắt ba cho vào chảo. Dùng đũa đảo đều, rau vừa xẹp, chín nhắc xuống. Bên chén nước mắm đồng, nồi cơm gạo mới, dĩa rau chốc xào tép vừa ngon miệng và là món ăn lành tính.

Rau chốc cũng là thứ rau ít khi vằng mặt bên nồi cá kho, mắm kho, hay tô mắm chưng của người dân quê xứ này. Rau chốc chấm mắm làm tăng thêm hương vị đậm đà mà dân dã. Cũng có người coi rau chốc như những thứ rau ăn sống khác. Họ dùng rau chốc ăn kèm với tép luộc, cá nướng cũng thú vị như thường.

Tóm lại, với trí tuệ sáng tạo và tính tận dụng của những người quanh năm quần quật bên cánh đồng thửa ruộng, những loài rau mọc hoang đã đi vào đời sống ẩm thực một cách tự nhiên mà cũng không kém phần độc đáo. Rau chốc là một trong những biểu hiện đó.

Tửu Hoàng

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất