, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/10/2019, 09:35

Rau gia vị trên bản đồ nông sản Việt

TS VÕ MAI

Có thể nói rau gia vị là vốn quý của nông nghiệp nước ta. Tuy chẳng phải là nông sản thiết yếu, nhưng loại rau này gắn bó mật thiết đến đời sống của người Việt, không chỉ trong từng món ăn dân dã lẫn cao sang, mà còn cả trong đời sống tinh thần. Mấy ai thuở nhỏ chưa từng nghe bà hoặc mẹ hát ru ầu ơ “kho tiêu kho ớt kho hành, kho ba lượng thịt để dành cho con”, “gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, “ví dầu cá lóc nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”…

 

1.

Dân Việt Nam mình thích ăn rau và ăn rất nhiều rau, riêng rau gia vị thì được đặc biệt ưa chuộng. Thật khó tưởng tượng nền ẩm thực của người Việt sẽ như thế nào nếu không có rau gia vị, bởi hầu như món ăn nào cũng được cho rau gia vị vào. Nấu canh, kho cá, xào rau… thảy đều phải có ít hành ngò xắt nhuyễn, nhúm ngò gai rau ngổ xắt khúc hay vài lá húng quế tía tô xắt sợi...

Chưa có một công trình nghiên cứu nào thống kê đầy đủ, nhưng xét về chủng loại thì rau được xếp vào loại rau gia vị hay rau thơm, rau nêm… khá phong phú, vào khoảng 20 loại. Là nước nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được thiên nhiên phú cho thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng… rất thuận để trồng các loại rau gia vị. Do vậy mà từ ngoài ruộng cho đến trong vườn nhà hay trên rẻo đất cạnh hàng rào trước sân… đều có thể trồng loại rau này, thậm chí là chỉ vài chậu đất trên sân thượng người ta cũng có thể giâm mớ rau húng quế, ngò gai, diếp cá… Có lẽ vì chủng loại phong phú và được trồng phổ biến khắp nơi như thế nên các loại rau gia vị, rau thơm, rau nêm… không chỉ đóng vai trò điều vị, mà còn được kết hợp đặc sắc trong rất nhiều món ăn của người Việt như trong các món gỏi, cuốn bánh tráng, bánh xèo…

2.

Trước đây, khi rau gia vị còn là nhu cầu gia đình thì mỗi nhà chỉ cần trồng mỗi loại một ít trong vườn, khi cần hái vào sử dụng hoặc biếu xén hàng xóm láng giềng. Nhưng sau này, khi rau gia vị đã phổ biến, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, nhất là quán xá nhiều nên cần số lượng rau lớn… thì nhiều hộ nông dân ở các vùng trồng rau đã chuyển sang sản xuất rau gia vị ngoài ruộng, diện tích lớn và còn chuyên canh, như có thửa chuyên trồng hành, có thửa chuyên trồng tía tô, húng quế… Từ sản phẩm dùng trong bữa ăn gia đình, rau gia vị nay trở thành sản phẩm canh tác trên diện tích lớn để kinh doanh với khối lượng lớn. Từ chỗ chỉ cần tưới vài gáo nước mỗi sáng thì giờ đây người trồng rau gia vị phải chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu hại, đầu tư phân bón…

Khi rau gia vị ra đến ruộng thì không còn là chuyện “tô cháo hành của Thị Nở” nữa, mà nảy ra rất nhiều vấn đề liên quan như chất lượng rau và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng, công việc và thu nhập của nông dân… Giờ đây, rau gia vị phải được sản xuất theo kiểu hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ cao với các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như VietGAP, phải ghi nhật ký để truy xuất nguồn gốc… nếu muốn tiêu thụ tốt và cạnh tranh được trên thị trường.

Vườn rau gia vị xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Vườn rau gia vị xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

3.

So với lúa thì rau gia vị dễ trồng hơn, chi phí đầu tư thấp, cũng không tốn nhiều công sức và cho thu nhập gấp 3, 4 lần. Nếu như lúa mỗi năm chỉ thu hoạch 2 - 3 vụ thì rau gia vị cho thu hoạch liên tục, một năm có thể tới 10 vụ mà không phải trồng lại, cứ hái xong tỉa tót chăm bón thì rau lại ra lá cho vụ tiếp theo. Hiện nay, vùng trồng rau gia vị mạnh có thể kể đến một vài huyện phía Bắc như Thường Tín, Gia Lâm (Hà Nội), phía Nam như Cần Giuộc (Long An), Củ Chi (TP.HCM), Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tuy nhiên, dù đã tăng diện tích trồng, được chuyên canh và trở thành một sản phẩm thương mại, nhưng rau gia vị cũng chỉ phân phối chủ yếu ở các chợ trong vùng với số lượng nhỏ, lẻ hoặc chuyển đến các chợ đầu mối nhằm tiêu thụ ở một số vùng đô thị, số lượng cũng không nhiều. Có thể nói cho đến nay, một chương trình quy mô hay đường hướng chiến lược bài bản để phát triển ngành rau gia vị đầy tiềm năng này hầu như không có.

Trong khi đó, các nước tiên tiến ở Châu Âu, Anh, Mỹ, Hàn Quốc… đang ngày càng ưa chuộng và có nhu cầu lớn đối với rau gia vị. Bởi các nước này có khí hậu đa phần không phù hợp để trồng loại rau này, nếu có trồng được thì chất lượng mùi vị cũng không cao. Do vậy xuất khẩu rau gia vị thực sự rất tiềm năng, nhưng chúng ta thì hầu như đang bỏ ngỏ thị trường quốc tế.

Còn nhớ cách đây vài năm, từng có một vụ 3 lô hàng rau gia vị (có rau húng quế, cần tây, ngò gai) xuất khẩu sang EU bị phát hiện nhiễm các loại côn trùng gây hại (đa số là nhiễm ruồi đục quả), khiến các chủng loại rau này đối diện nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào EU vĩnh viễn. Sau đó, mọi việc được làm rõ là do một doanh nghiệp đã làm ăn không trung thực, hám lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác đang xuất khẩu rau quả sang EU. Nhưng cốt lõi của vấn đề là ở chỗ, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì mặt hàng rau gia vị phải như thế nào mới thỏa mãn được các điều kiện, yêu cầu của đối tác quốc tế?

4.

Thực tế cho thấy việc canh tác theo khoa học - công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và cao hơn nữa là quy trình sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ… đang là xu hướng tất yếu. Không đảm bảo được các tiêu chí này, rau gia vị thậm chí cũng khó phát triển ở thị trường nội địa chứ chưa nói đến vươn ra tầm quốc tế. Hiện Việt Nam đã có một số ký kết với các nước Đông Nam Á và EU để bỏ hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản, vấn đề còn lại chỉ là đảm bảo ATVSTP và truy xuất nguồn gốc, nếu bỏ qua thị trường quốc tế thì rất đáng tiếc.

Tuy nói thị trường nước ngoài đang rộng mở và có tiềm năng lớn, nhưng nếu không có những cánh đồng diện tích đủ lớn (thay cho những thửa ruộng phân tán, nhiều nhất cũng chỉ tầm 1.000m2) để triển khai những vùng chuyên canh, sản xuất rau số lượng và chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu, thì rau gia vị sẽ còn loay hoay từ làng ra chợ rất lâu.

Một vấn đề cũng dễ nhận thấy là hiện nay người nông dân của mình còn kém trong khâu chế biến. Rau gia vị vốn khó bảo quản, việc vận chuyển, lựa chọn đóng gói cần phải chuyên nghiệp và có quy trình. Nhưng hiện tại chúng ta chủ yếu thu hoạch để bán tươi ăn sống thôi, còn công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thì rất kém, cho nên tiêu thụ không kịp hoặc vận chuyển xa thì tỷ lệ hao hụt vô cùng lớn. Ngay cả bao bì cũng chưa hấp dẫn, lại càng chưa có thương hiệu riêng để khẳng định vị trí trên thị trường.

5.

Muốn tận dụng tiềm năng xuất khẩu lớn cho rau gia vị, quan trọng là chúng ta cần phải có sự tìm hiểu và kết nối với thị trường quốc tế. Hiện nay HTX là một trong những hướng tổ chức sản xuất tương đối hiệu quả đối với mặt hàng rau củ quả nói chung và rau gia vị nói riêng. Điểm mấu chốt là phải xây dựng được HTX, để trên cơ sở đó có thể phát triển sản xuất và tiêu thụ, mở rộng thị trường. Ngay cả khi nhà nước có chính sách hỗ trợ ngành hàng này thì cũng không thể quán xuyến đến từng hộ cá lẻ, mà cần phải có đầu mối liên kết các hộ sản xuất nhỏ thành một tập hợp thống nhất để đầu tư và nhận lợi ích từ chính sách..

Trong khi chờ nhà nước có động thái tích cực hơn trong việc hỗ trợ người trồng và phát triển vùng trồng rau gia vị, các hội ngành nghề nên phối hợp với chính quyền để thay đổi nhận thức và tập huấn các hộ nông dân địa phương về kiến thức canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, tiến tới thành lập HTX sản xuất để có hướng phát triển bài bản, ổn định hơn. Từ đó xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, để người nông dân thấy yên tâm vì đã có đầu ra. Lúc này, khi chưa có nhiều HTX đủ tầm để xây dựng vùng trồng quy mô đáp ứng được yêu cầu của đối tác quốc tế, thì các HTX hiện có cũng cần tạo điều kiện để người trồng nhận thức về phương thức sản xuất phù hợp xu thế thời đại.

TS VÕ MAI -Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất