, //, :: GTM+7

Rau má lên sàn và "đường truyền" còn nghẽn

NAM KHANG
Rất dễ nghĩ là giễu cợt khi nghe ai đó nói Quảng Thọ là xã… rau má. Thứ cây mọc hoang bụi bờ chốn quê, ai chẳng biết, như thể nó đi liền với cái nghèo sụt sùi, hoang hoải lấm lem vùng chiêm trũng.

Đã một thời một thuở chiến tranh, dân Khu Bốn hay hát giễu Thanh Hóa “ăn rau má, phá đường tàu”… Nhưng mấy ai hay, vừa rồi, theo lãnh đạo xã Quảng Thọ là Ban Quản lý Di tích Thành Nhà Hồ ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa đã cử đoàn vào tìm hiểu rau má ở đây, người Quảng Thọ thơm thảo lòng đã tặng họ rau má để về trồng quanh Thành Nhà Hồ, hiện nó đang mọc tốt ở đó, như một nghĩa cử nhớ ơn tiền nhân…

Chuyện dân Quảng Thọ - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế hiện giờ thu vào 200 triệu/ha/năm từ rau má; rau má là một trong 17 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, rồi lên sàn Lazada, Shopee, Postmart, chạy suốt trong Nam ngoài Bắc từ rau má tươi đến khô đóng túi để làm trà, bột, làm thiên hạ ngã ngửa, có ai ngờ bắt đầu từ trận lụt cuối năm 1999. Một ông ở thôn Phước Yên, khi nước rút, ruộng đồng tả tơi, đã lên đồi kiếm rau má về trồng đại một sào, ngõ hầu trời thương thì qua cơn khốn khó. Ai ngờ nó như sự mách bảo thần thánh, tốt tươi ngoài tưởng tượng. Tất nhiên, ông hốt bạc. Thế là mọi người làm theo.

“Và hơn 20 năm qua, nông dân sống khỏe từ rau má” - anh Hoàng Minh Tài Phó Giám đốc HTX Rau Má Quảng Thọ 2 nói: “Bây giờ có 605 hộ tham gia, trồng với diện tích hơn 50ha VietGAP trên tổng diện tích 140ha. Bà con làm tự phát nhiều, mà đây là vùng trũng nhất huyện, nên xã quy hoạch nơi cao trồng rau má. Tư nhân tự phát nhiều lắm, tự đưa lên sàn cũng không ít, chưa nói hộ lẻ thì bán qua mạng Facebook, Zalo”. “Có ai phản ứng không tham gia ?”. “Dại chi phản ứng - anh Tài cười - tiền từ đó mà, tham gia hết”.

Chiều đã ngang lưng. Nắng như cười trong bạt ngàn ngút mắt thảm xanh bất động, dẫu gió chiều từ sông Bồ hay phía biển đang cố đùn đẩy. Xanh không dao động, không thành sóng, như kẻ thiền định đã nhập thất, mọi tạp niệm đã bỏ ngoài cửa. Nhưng khi nhìn họ cúi xuống tỉ mẩn với loi nhoi cỏ dại để tách chúng ra khỏi những đồng xu xanh, tôi nghĩ về sự tận hiến im lặng của cỏ.

Vợ chồng ông Trần Vạn thôn La Vân Thượng, mỗi người một cái liềm, cong người trên ruộng nhổ cỏ. Một năm 12 vụ, chẳng sót tháng nào. Nhổ để khi thu hoạch, bớt công đoạn lựa cỏ. “Không sạch, họ không mua mô anh - ông nói - mà mình làm ẩu cũng không cam lòng mô - cắt ra, lấy mũi liềm khảy cho sạch lá úa lá vàng, bỏ giỏ lựa lần nữa, bán cho hợp tác xã, về họ lựa lần nữa rồi mới đưa sơ chế. Làm ăn dây chuyền chứ không phải bán đại ra chợ …”

Những sản phẩm từ rau má.

HTX Quảng Thọ 2 quy định: Hộ nào liên kết với HTX thì sẽ được mua, quy cách độ dài rau là 3 - 5cm, lí do là vì dài hơn là rau già, cọng dai, khó tiêu thụ. Tôi đã vặn hỏi anh Hoàng Minh Tài hai lần, rằng cơ sở nào để giám sát chuyện VietGAP khi câu chuyện số hóa quy trình trên ruộng này đang còn xa lắc? Anh nói rằng bà con đã được tập huấn nhật ký sản xuất, khi nào vào phân, phun chất diệt khuẩn vi sinh, đều phải ghi hết và thông báo cho cán bộ kỹ thuật biết. 

Ông Vạn gật rằng ghi đủ, làm đất xong thì bón vôi tùy theo diện tích khoảng 30 kg/sào, 50kg phân vi sinh lên luống; trồng khoảng cách 15 - 20cm, chừng 3 tháng sau là thu hoạch được. Bình quân mỗi tháng cắt rau má 1 lần, sau khi cắt 4 - 6 ngày bón thêm 10 - 15kg phân NPK và phân vi sinh/sào. Nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, mỗi năm có thể thu hoạch 12 lứa, bình quân 2,5 - 3 tạ/sào/lứa (5 - 6 tấn/ha/lứa). Khi thu hoạch, HTX mua ngay tại chân ruộng, giám sát sản phẩm. Lại rằng, cùng xã cùng thôn, ruộng ai ra sao, biết hết…

Cỏ lẫn một màu trong rau, nhổ phải cho hết. Chẳng trách bà con phần lớn buổi sáng cắt rau, buổi chiều nhổ cỏ, ai đã khấm khá thì thuê, nên phụ nữ Quảng Thọ mà đứng tuổi giờ chẳng thèm đi đâu kiếm ăn, chỉ đi nhổ cỏ thuê mỗi ngày 130 ngàn/sào. Hiện HTX mua 8 ngàn/kg tươi, mỗi ngày mua 25 tấn và đó là con số 20% so với số rau bà con bán ra mỗi ngày, bởi năng lực sản xuất của HTX còn nhỏ. Chị Phan Thị Lành vợ ông Vạn thì cười, rằng chỉ trông mùa lụt là lời lớn, bởi mưa lụt bời bời, giá rau má lên tới 30 ngàn/kg…

***

Rau má đã lên sàn. Nông dân đã đổi đời từ đây, có năm xã ước tính thu nhập từ rau là 16 tỷ. Nhưng ngó lại quy trình của họ từ trồng đến thu hoạch, nhất là khoản cắt, làm cỏ, lựa lá vàng úa vốn đặc trưng là thường thấp nhỏ hơn lá xanh, từ A - Z chẳng máy móc chi can thiệp được, đầu thấm nắng, chân đẫm mưa, tay sần sùi hết kiếp hạn nếu theo nghề này, vậy cái gọi là sản xuất thông minh gì, xét ở khía cạnh gieo trồng và thu hoạch thôi? “Khó lắm - anh Tài nói - chúng tôi đã vào tận Sở KHCN tỉnh đặt vấn đề chế tạo máy cắt, sở lại đặt hàng trường Cao đẳng Công nghệ tỉnh chế tạo nhưng đem về không sử dụng được, lý do mặt ruộng nhấp nhô liên tục, lưỡi cắt chịu thua, đành cắt bằng tay”.

Và như thế, với những người như vợ chồng ông Vạn, 20 năm vào HTX rau má cũng là chừng nấy năm cong cụp lưng trên ruộng chứ chưa một lần đứng thẳng, dẫu nói như vợ ông là chi cũng sướng hơn làm ruộng, khi rau má đã hiến tặng cho họ nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng và quan trọng hơn là yên tâm làm ăn mà không sợ đói. Thứ rau bị người ta đạp vùi mọc dại ven đường, phận dưới đáy, 20 năm qua thoắt lên bàn lên ghế ngồi được cung phụng cưng chiều. Cú đổi chiều ngoạn mục khiến bao kẻ trong cuộc chốn này như bà Thanh nhổ cỏ đầu bờ kia thốt lên: “Không có rau má thì khó làm giàu”. “Vậy gia đình mình có quẹt mã bán không?”. “Ở mô mô chứ tui không biết, chú ơi”.

Câu trả lời đó, thú thiệt, tôi không ngạc nhiên. Nông dân đang sống tốt bằng rau sạch, và họ bằng lòng, nhưng chuyện lớn hơn đặt ra trên ruộng là sản xuất hữu cơ mới là dài lâu. Ở đây hầu hết là rau sạch, chỉ mới 1,7ha hữu cơ đang làm thử nghiệm nhưng người tham gia là thành viên ban giám đốc HTX. Lẽ dễ hiểu, rất cả là công nghệ kỹ thuật, mọi khâu, chỉ cần nhập lệnh là biết ngay nó ra sao, khi nào; hơn nữa rau má trồng ngoài trời, thời tiết thất thường, dễ sâu bệnh mà hữu cơ thì ai cho dùng thuốc trừ sâu, ngay cả chuyện trồng nhà lưới cũng không thành. Chuyện này đâu có dễ với nông dân. Quảng Thọ được chọn là xã thông minh thí điểm của Thừa Thiên Huế, với yêu cầu số hóa từ chính quyền, xã hội tới sản xuất.

Anh Lê Văn Hậu, cán bộ ủy ban xã cho biết: 8 tổ công nghệ được lập để hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến, không thanh toán bằng tiền mặt, lập trang Facebook của xã, Web của HTX, quảng bá tiềm năng xã bằng công nghệ ảo, văn bản, tương tác chính quyền với dân đều trên mạng. Đó là điều có thật, nhưng anh Trần Kìm Chủ tịch xã nói: “Số, chưa phải bắt buộc, nên dân vẫn thích làm thủ công hơn. Họ mang giấy tờ tới công chứng, đưa đơn, rảnh mà, ngồi chờ miết, mình phải ký chứ. Chưa nói thủ công… nhanh hơn điện tử, vì đưa hồ sơ vào phai scan rồi mới đưa lên nguồn. Không thể không số hóa, nhưng nông thôn đặc thù…”. Chẳng dễ chút nào, không phải là chuyện hạ tầng công nghệ, mà là tư duy. Làng quê bây giờ ít người trẻ, mà chính họ chứ không ai khác, mới là lực lượng tham gia số hóa lớn nhất.

Đồng bằng đã thế, còn vùng sâu vùng xa càng khó khăn gấp bội. Khẩu hiệu chuyển đổi số ở nông thôn gặp quá nhiều lực cản từ trình độ, nhu cầu đến thực tế hành chính, kể cả khả năng kinh tế không phải ai cũng có tiền mua smartphone. Chưa nói cán bộ cũng lơ mơ với nó. Rất nhiều nơi tại miền trung, khảo sát cho thấy, chuyện số hóa nông thôn mới chỉ là khởi động, tập huấn. Mới đây lên một nơi tại miền núi Quảng Nam, tôi hỏi chủ một cơ sở bán hàng qua mạng, là mình số hóa hết hả, liền được gật đầu cái rụp. Truy ra, không phải, mà đó là ship hàng khi giới thiệu trên trang cá nhân. Cả một phiên chợ đêm của huyện Nam Giang giới thiệu nông sản của 12 xã thị trấn, chưa sản phẩm nào lên sàn nổi. 

Một địa chỉ khác là heodennamgiang.com.vn ở Quảng Nam, được tổ chức sản xuất thịt heo đen xông khói theo quy trình khép kín, bán 700 - 800 ngàn/kg cũng chịu thua. Một người có trách nhiệm cho biết, khi đơn vị hỗ trợ kỹ thuật bàn giao quy trình lại, thì riêng chuyện công nghệ, người tại chỗ bí vì quá phức tạp, theo không nổi nên nó chưa… chào sân được.

Tôi nói với anh Tài Phó Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2, là bán hàng qua mạng xã hội, ai cũng có thể làm được, và đó đang bị nhiều người nhầm là số hóa mà không biết rằng đó chính là sàn giao dịch. Lúc đó, anh sẽ phải qua sát hạch chặt chẽ bằng công nghệ và chất lượng. Hộ gia đình, nếu không đủ tiềm lực từ kỹ thuật đến quy mô, tiền bạc khi làm ăn, thì đừng mơ. Sản xuất nhỏ lẻ cũng đưa lên sàn được, nếu đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng đã nhỏ lẻ thì lời lãi ra sao. Vì thế chính cộng đồng, nhóm hộ, công ty, HTX ở nông thôn mới có thể tự tin chào hàng nông sản thực phẩm với thiên hạ chốn ảo, bởi chắc chắn điều hành phải là những người am tường kỹ thuật công nghệ. Anh gật, rằng tụi tôi dân kỹ thuật, chỉ mới làm rau sạch đã… hết hơi rồi!

***

Đám rau ông Vạn chừng 10 ngày nữa là thu hoạch. Lá xanh non, nhỏ tròn giương mắt nhìn khách lạ im lặng tuyệt nhiên không chút âu lo, như thể bản thể nó là chu kỳ tái sinh không ngừng, bất diệt. Đồng ruộng đang bắt đầu bị/được… lùa vào cuộc chơi toàn cầu, nhưng chủ nhân của nó đang còn ở đâu đó. Số hóa nông thôn, điểm tới bắt buộc chính là hộ gia đình, nếu không sẽ thất bại, bởi đây là đầu nguồn của mọi thứ. 

Bây giờ thì chưa bị thách đố sinh tử, nhưng rồi sẽ đến lúc, khi mớ rau trên tay mình chất lượng cao mà không chứng minh được bằng công nghệ thì thành rác. Khi mọi thứ đã bắt buộc như cơm ăn nước uống, thì tất phải khác chứ không thể đứng yên. Mà không bây giờ thì bao giờ? Nhưng có những thứ ở xứ sở nông nghiệp sản xuất manh mún tâm lý tiểu nông, phải qua vài ba đời, mới tượng hình, cựa quậy.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất