, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/09/2023, 20:12

Rau quả Việt bị từ chối nhập khẩu chủ yếu do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nhiễm khuẩn

KIM NHÃ
Đây là thông tin được công bố tại hội thảo "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị trái cây Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu" do Bộ NN&PTNT phối hợp Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tổ chức ngày 11/9 tại TP.HCM.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Chương trình tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (GQSP Việt Nam) do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc thực hiện, tài trợ bởi Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), nhằm thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh để tăng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong Chương trình GQSP, dự án giai đoạn 1 “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị xoài và bưởi tại đồng bằng sông Cửu Long” do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường chủ trì phối hợp với Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Cục Bảo vệ Thực vật và một số đơn vị khác thực hiện tại các tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre... đã đạt được các kết quả khả quan.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan chung về tình hình tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của trái cây xuất khẩu Việt Nam, chia sẻ các kết quả dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi giá trị xoài và bưởi tại Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2020 - 2023, và trao đổi các nội dung hoạt động phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển ngành trái cây cho giai đoạn tiếp theo của dự án.

Khách mời tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện UNIDO tại Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, cụ thể là các rào cản kỹ thuật. Các thủ tục kéo dài và bị từ chối tại cửa khẩu do không tuân thủ các yêu cầu của thị trường có thể dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho nhà sản xuất.

Theo báo cáo phân tích của UNIDO được được ông Bahramalian Nima, Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng của tổ chức này công bố tại hội thảo, nguyên nhân chính khiến rau quả Việt Nam bị từ chối nhập khẩu năm 2020 là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (25%), nhiễm khuẩn (23%) và ghi nhãn (21%). Nguyên nhân khác là giả mạo, thiếu giấy tờ (7%).

Ông Bahramalian Nima phát biểu tại hội thảo.

Từ đó, ông Bahramalian Nima đưa ra một số kiến nghị như cần có sự can thiệp đồng bộ của các bên liên quan. Cụ thể là của các đơn vị tư nhân, tức các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu và cấp độ Chính phủ. Trước hết, doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu thị trường nhập khẩu và các tiêu chuẩn áp dụng đi kèm. Tiếp theo là áp dụng công nghệ tăng cường hiệu quả về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Chính phủ cũng cần phải thiết lập và duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng trong ngành sản xuất nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng, có hệ thống theo dõi, giám sát thường xuyên, đặc biệt là các vấn đề hay bị các quốc gia nhập khẩu từ chối. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra và đào tạo năng lực, hiểu biết cho cán bộ, doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngoài các vấn đề về đảm bảo chất lượng sản phẩm, trong tương lai chúng ta cũng cần lưu ý đến việc đảm bảo các yếu tố môi trường, các khoảng không gian xanh tại các nhà máy, để đáp ứng được các yêu cầu về môi trường sống, môi trường lao động ngày càng cao của các nước nhập khẩu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất