, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/09/2020, 07:03

Rokyah và món Tung lò mò trứ danh

ANH THƯ

Gia đình Rokyah có một cơ sở nhỏ sản xuất lạp xưởng bò, hay còn gọi là Tung lò mò - một món đặc sản của đồng bào Chăm. Trước đây, cơ sở chỉ bán cho thị trường trong tỉnh, nhưng đến nay Tung lò mò của nhà Rokyah đã chiếm được cảm tình của rất đông khách hàng nên đã có mặt khắp nơi trên cả nước.

 

Chị Hứa Thị Rokyah bên sản phẩm Tung lò mò.
Chị Hứa Thị Rokyah bên sản phẩm Tung lò mò.

Bỏ phố về quê

Hứa Thị Rokyah là cô gái người Chăm (ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Như nhiều thanh niên ở nông thôn khác, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh - trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Rokyah cũng chọn cách trụ lại TP.HCM và làm việc cho một công ty thẩm mỹ quốc tế. Công việc quản lý nhóm tư vấn và bán hàng đã đem đến cho cô mức lương tương đối khá mà nhiều bạn bè mơ ước. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm học hỏi kinh nghiệm ở môi trường kinh doanh, cô lại có một quyết định khiến không ít người thân ngỡ ngàng là… về quê. Rokyah giải thích về quyết định của mình một cách đơn giản: “Vì tôi có “máu kinh doanh” và cũng muốn giúp cha phát triển nghề truyền thống của gia đình”.

Gia đình Rokyah có một cơ sở nhỏ sản xuất lạp xưởng bò, hay còn gọi là Tung lò mò – một món đặc sản của đồng bào Chăm. Lâu nay, cơ sở chỉ bán cho thị trường trong tỉnh, nhưng đến nay, nhờ sự góp sức của cô con gái được học hành bài bản, sản phẩm Tung lò mò đã chiếm được cảm tình của rất đông khách hàng và đã có mặt khắp nơi trên cả nước. Hiện tại, trung bình mỗi tháng cơ sở bán được từ 800kg - 1,2 tấn, còn vào dịp Tết thì gấp đôi. Trước đây sản phẩm chủ yếu bán cho các đại lý, cửa hàng hay khách lẻ, nhưng bây giờ đã có doanh nghiệp đặt hàng để tặng cho nhân viên, làm quà trong các dịp lễ, Tết. Một số doanh nghiệp lớn cũng đặt vấn đề để đưa sản phẩm vào siêu thị.

Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm này rất lớn, Rokyah quyết định thuyết phục gia đình mở rộng sản xuất. Cô đã đầu tư cả tỷ đồng để mở rộng cơ sở, trang bị máy móc hiện đại hơn nhằm đa dạng sản phẩm và tăng công suất sản xuất để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Cô gái Chăm mong muốn khi mở rộng cơ sở, cô sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm để giúp những phụ nữ Chăm có cơ hội kiếm thêm thu nhập. “Quê tôi còn nhiều gia đình khó khăn lắm. Do tình trạng sạt lở bờ sông, nhiều gia đình phải di dời nhà, thậm chí phải bỏ xứ đi nơi khác sống. Phụ nữ người dân tộc Chăm vốn luôn sống khép kín, e dè với xã hội bên ngoài nên việc hòa nhập là rất khó khăn. Vì thế tôi quyết định kéo họ vào cùng làm”. - Rokyah chia sẻ.

Vươn xa

Với cái tên Tung lò mò, sản phẩm của cơ sở Rokyah đã thực sự tạo ra sự tò mò đối với khách hàng, họ vẫn hay nói vui với Rokyah: “Muốn mò lung tung thì ăn Tung lò mò”. Ngoài cái tên độc đáo, sản phẩm Tung lò mò còn có hẳn một câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ, khiến khách thưởng thức sản phẩm không chỉ ăn ngon mà còn được hiểu thêm nét văn hóa của người bản địa.

Rokyah kể, người Chăm có lễ Roya Haji vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch, có ý nghĩa như ngày Tết cổ truyền. Vào dịp này, mọi người tạm gác lại công việc làm ăn, buôn bán, đến thánh đường hành lễ nhiều hơn để có nhiều ân phước. Các gia đình thường mổ bò để làm lễ, sau đó lấy thịt chia cho bà con trong xóm. Ngày xưa, khi ăn không hết, người dân thường lấy thịt bò vụn dồn vào ruột bò với chút gia vị rồi đem phơi khô để dành ăn lâu mà không hư. Món Tung lò mò ra đời như vậy.

“Người Chăm An Giang theo đạo Hồi, không ăn thịt heo, nên lạp xưởng thịt bò là món không thể thiếu. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức cho khách du lịch đến tham quan tại cơ sở, cho họ xem từ quy trình sản xuất đến thành phẩm, để du khách tận mắt thấy được món Tung lò mò của người Chăm từ nguyên liệu cho đến cách chế biến đều rất độc đáo. Tôi hy vọng qua du khách, sản phẩm của mình được đi xa hơn"! - Rokyah tiết lộ kế hoạch của mình.

 

Chị Nguyễn Phượng Thư, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang cho biết, sau 2 năm hoạt động, đến nay Trung tâm đã hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp vay ưu đãi 42 dự án, với tổng số tiền 3,16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm là xây dựng kế hoạch và tổ chức cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang". Qua 3 lần tổ chức thi, Trung tâm đã tìm được nhiều ý tưởng dự án tiềm năng để đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án này được tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc.

 

 

ANH THƯ

 

Chị Nguyễn Phượng Thư, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang cho biết, sau 2 năm hoạt động, đến nay Trung tâm đã hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp vay ưu đãi 42 dự án, với tổng số tiền 3,16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm là xây dựng kế hoạch và tổ chức cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang". Qua 3 lần tổ chức thi, Trung tâm đã tìm được nhiều ý tưởng dự án tiềm năng để đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án này được tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc.

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất