, //, :: GTM+7

Rộn ràng tiếng máy vùng biên

NGUYỄN THÀNH PHÚ
(bienphong.com.vn)
Bắt đầu từ vụ mùa năm 2020, người dân Vân Kiều thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình rạng ngời nụ cười vì trên những thửa ruộng khi lúa gặt xong đã được tuốt ngay tại chỗ và họ chỉ việc chở thóc về phơi. Hay khi đến vụ gieo cấy, đôi bàn tay của họ không còn chai sạn thêm vì đã có máy cày đất thay người từ mô hình “Tiếng máy vùng biên” do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình trao tặng cho bà con.
Nhờ có máy tuốt lúa do Đồn Biên phòng Làng Mô tặng, người dân bản Chân Trôộng đã không còn phải chạy đua với thời gian, vận chuyển lúa về nhà để đập. Ảnh: Thành Phú

Niềm vui trên cánh đồng

Với khoảng ruộng hơn 600m2, thế nhưng, hộ ông Hồ Văn Tiến ở bản Chân Trôộng, mỗi khi đến mùa vụ là phải huy động toàn bộ nhân lực của gia đình dậy từ khi con gà rừng còn nằm im trong tổ để làm cho kịp các công việc của ngày mùa. Những vụ lúa chín gặp thời tiết mưa bão thì lại càng vất vả hơn bởi vì vừa phải gặt, vừa phải vận chuyển thật nhanh về nhà kẻo trời mưa xuống, nước các con suối dâng cao thì mọi công sức đều bằng không.

Thế nhưng, nỗi lo ấy của ông Tiến và bà con bản Chân Trôộng bây giờ đã không còn hiện hữu, bởi họ đã được Đồn Biên phòng Làng Mô trao tặng cho 1 chiếc máy cày, 1 máy tuốt lúa và 2 bộ lồng gặt từ mô hình “Tiếng máy vùng biên”. Giờ đây, lúa vừa gặt xong đã được tuốt tại ruộng, người dân chỉ chở thóc về nhà, còn những phụ phẩm khác họ đều để lại làm phân bón cho đất.

Ông Hồ Văn Tiến chia sẻ: “Từ khi được Đồn Biên phòng Làng Mô trao tặng máy tuốt lúa, việc thu hoạch lúa hay làm ruộng của dân bản mình đỡ vất vả hơn lúc trước rất nhiều. Ai cũng vui vì từ nay không con lo chuyện thiếu người để tuốt lúa nữa. Mình sẽ cùng với mọi người trong bản gìn giữ máy thật tốt để dùng lâu dài”.

Nếu như niềm vui của bà con ở bản Chân Trôộng là có máy hỗ trợ tuốt lúa và làm đất ruộng thì niềm vui của bà con ở bản Sắt là được Đồn Biên phòng Làng Mô tặng chiếc máy xay xát. Bà Hồ Thị Son vui nhiều vì bà và chị em phụ nữ trong bản chẳng cần phải dậy thật sớm để giã gạo nấu cơm cho cả nhà trong ngày mùa. Nhà bà có 6 người nên hằng ngày, bà phải giã khoảng hơn 5 cân gạo mới đủ dùng, sức người già, giã xong một cối thóc là cánh tay đã rã rời. Khi được Đồn Biên phòng Làng Mô tặng cho bản máy xay xát lúa và nghiền ngô, khoai, sắn thì bà và nhiều phụ nữ trong bản mừng lắm.

Bà Hồ Thị Soi chia sẻ: “Từ khi có máy xay về bản, chị em phụ nữ đỡ vất vả nhiều lắm. Hồi trước chưa có máy, ai cũng phải dậy thật sớm để giã gạo, nhà ai có điều kiện thì đem lúa ra ngoài đường lớn để xay, nhưng mùa mưa thì chịu. Bây giờ, có máy xay trong bản rồi, chẳng còn ai phải lo không giã đủ gạo cho gia đình nữa”.

Ông Hồ Văn Muôn, Trưởng bản Sắt cho biết: “Từ xưa đến nay, tập quán của đồng bào Vân Kiều là người phụ nữ phải lo toan mọi công việc chăm sóc cho các thành viên trong gia đình, vì thế, cho dù thời tiết như thể nào, có khi ốm đau thì họ cũng phải cố gắng để hoàn thành công việc của mình. Bây giờ, có chiếc máy xay xát gạo và nghiền ngô, sắn, phụ nữ trong bản sẽ có nhiều thời gian để chăm sóc con cái và chủ động hơn trong việc chuẩn bị lương thực cho gia đình. Hơn nữa, chiếc máy xay xát có nhiều công dụng, giúp người dân xay, nghiền sắn, ngô, khoai... để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm mau lớn”.

Mô hình cần được nhân rộng

Trao đổi về ý nghĩa của mô hình “Tiếng máy vùng biên”, Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: “Từ khi thực hiện mô hình, bà con người dân tộc thiểu số Vân Kiều trên các bản làng của xã Trường Sơn đã từng bước ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và phục vụ đời sống hằng ngày, không ngừng tăng năng suất lao động, giảm bớt sức lao động thủ công cho người dân, nâng cao hiệu quả công việc. Qua đó, tạo thêm động lực để bà con tích cực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giúp đỡ BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô trao tặng máy xay xát và nghiền đa năng cho người dân bản Sắt, xã Trường Sơn. Ảnh: Thành Phú

Sau thời gian tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ một số tỉnh bạn ở tuyến biên giới phía Bắc, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Mô đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tài trợ nguồn kinh phí để mua loại máy xay xát dạng nhỏ, gọn, nhưng có nhiều công dụng và cũng rất thuận tiện trong việc vận hành khi chạy được cả bằng điện hay bằng xăng nên rất phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về điện.

Tháng 9-2020, chiếc máy đầu tiên được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô vận chuyển bằng sức người qua quãng đường hơn 20km để trao tặng cho người dân bản Dốc Mây. Sau 3 tháng thử nghiệm đem lại hiệu quả tốt ở bản Dốc Mây, những người lính Biên phòng tiếp tục kết nối, kêu gọi sự tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau và trích lương của mình để mua thêm 9 máy xay, nghiền đa năng, 4 máy tuốt lúa, 4 máy cày, 5 bộ lồng gặt lúa, với tổng trị giá trên 156 triệu đồng để tặng cho 11 thôn, bản trên địa bàn xã Trường Sơn.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn khẳng định: “Những chiếc máy xay, nghiền, tuốt lúa, cày đa năng đều dễ sử dụng, phù hợp với trình độ, tập quán canh tác và phương thức sản xuất trên những thửa ruộng có diện tích không lớn của người dân địa phương. Mô hình “Tiếng máy vùng biên” của Đồn Biên phòng Làng Mô đã đem lại hiệu quả tích cực, làm đổi thay đời sống của bà con vùng biên giới còn nhiều khó khăn này. Chúng tôi rất mong mô hình tiếp tục được duy trì và nhân rộng không chỉ ở xã Trường Sơn mà được triển khai ở nhiều địa phương vùng cao khác của tỉnh”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất