, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 31/05/2022, 11:30

Rộng cửa cho hàng thủy sản

ÁI VÂN
(sggp.org.vn)
Với quy mô thị trường 2,2 tỷ dân (15 quốc gia), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã và đang tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Trên cơ sở đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng vào thị trường này được xem là bước đi chiến lược mà doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

Nhiều cơ hội

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công thương), cho biết, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP đang mang lại nhiều cơ hội cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường này, đặc biệt là ngành thủy sản.

Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm phần lớn, trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Rộng cửa cho hàng thủy sản  ảnh 1
Thương lái thu mua cá tại cảng cá Mỹ Tân - Ninh Thuận để cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng rất cao, đạt 46,8% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sơ bộ đạt 3,6 tỷ USD. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải vấn đề này, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết, nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại thị trường này rất cao và đa dạng. Cho đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 128 loại thủy hải sản của Việt Nam. 

Còn ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thông tin, thị trường tiêu thụ thủy sản tại Singapore không lớn nhưng lại là thị trường tạm nhập tái xuất gần như lớn nhất trong khu vực. Hiện tổng nhập khẩu thủy sản nước này ước đạt 400 - 500 tỷ USD/năm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam chỉ mới đạt mức 6 tỷ USD. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể linh hoạt khai thác thị trường này theo hướng xuất khẩu để phục vụ tiêu dùng nội địa hoặc liên kết với doanh nghiệp đối tác tại Singapore để mở rộng xuất khẩu sang nước thứ 3. 

Lưu ý đặc điểm từng thị trường

Trong khuôn khổ tiếp tục mở rộng thêm thị trường tiêu thụ thủy sản cho các doanh nghiệp trong nước, ngày 30/05, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã tiếp tục làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và hơn 100 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản trong nước. 

Đại diện nhiều thương vụ - đại sứ quán Việt Nam tại các nước thành viên RCEP đã phân tích những rào cản kỹ thuật, thuộc tính của từng thị trường mà doanh nghiệp cần biết để điều chỉnh trong hoạt động sản xuất của mình. Đơn cử, với thị trường Nhật Bản, ngoài những tiêu chuẩn khắt khe an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố sản phẩm xuất khẩu theo mùa. Bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng, sản phẩm theo mùa sẽ có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đồng thời đảm bảo tính bền vững cho hệ sinh thái, môi trường. 

Riêng với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải có biện pháp kiểm soát zero Covid, vì nước này vẫn chưa gỡ bỏ những quy định nghiêm ngặt phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Còn với thị trường Australia, ngoài tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm chung, doanh nghiệp cần lưu ý thêm những cập nhật quy định riêng của nước này.

Rộng cửa cho hàng thủy sản  ảnh 2
Thương lái thu mua cá tại cảng cá Mỹ Tân - Ninh Thuận để cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bà Trần Lê Dung, Bí thứ Thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, thì cho hay, với thị trường Malaysia, phần đông người dân theo đạo Hồi. Do vậy, cùng với những quy chuẩn chung về chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện thêm tiêu chuẩn Hala. Bao bì cần sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ; bao bì trong, có thể nhìn thấy sản phẩm phía trong. Thị trường này khá dễ tính bởi các rào cản kỹ thuật có tính ổn định cao. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Hiện để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP nhằm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối. Đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản. 

Ngoài ra, đại diện VASEP cũng kiến nghị, Bộ Công thương cần tăng cường hơn các hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối thị trường. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp thủy sản Việt Nam giới thiệu, quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển thêm các mối khách hàng tiềm năng.

Với mặt hàng hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam, khi xuất khẩu vẫn được hưởng ưu đãi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất