, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/04/2020, 09:15

Rủi ro nông nghiệp và chiến lược quản trị

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Rủi ro là một phần tất yếu của đời sống. Và phần này quả thật là rất lớn trong đời sống nông nghiệp. Do vậy mà quản trị rủi ro phải là một phần của chiến lược phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta hiện nay.

ĐBSCL đang oằn mình chống hạn mặn.
ĐBSCL đang oằn mình chống hạn mặn.

Nhận diện rủi ro

Trước hết, đó là rủi ro của thiên tai.

Thiên tai xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiêp. Vấn đề là chúng ta không thể biết trước chúng xảy ra lúc nào và ở đâu. Biết trước thì còn biết cách để đối phó. Không biết trước, mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Chuẩn bị chống hạn, nhưng lụt lội lại xảy ra. Vô hình trung việc chống hạn chỉ làm nghiêm trọng thêm vấn đề lụt lội. Hàng năm, nước ta có từ 9 - 12 cơn bão. “Họa vô đơn chí’, bão thường kéo theo sạt lở đất, lụt lội. Vật nuôi, cây trồng thường bị tàn phá rất nặng nề sau bão.

Do biến đổi khí hậu, bão lụt có vẻ đang xảy ra thường xuyên hơn và trái quy luật hơn. Điều này làm cho công tác dự báo khó khăn hơn, và tất nhiên, khả năng phòng chống cũng hạn chế hơn. Biến đổi khí hậu còn làm cho mực nước biển dâng cao gây ngập mặn nghiêm trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng đất trũng khác.

Dịch bệnh cũng là một loại rủi ro của thiên tai. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu hàng hóa nông sản như thế nào chúng ta đều đã biết. Các loại dịch bệnh khác ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng nhiều vô kể như bệnh đạo ôn, bệnh rầy nâu, bệnh tả lợn châu Phi…

Thứ hai là rủi ro của “địch họa”.

Địch họa trước đây được coi là sự đánh chiếm, cướp bóc của kẻ thù. Ngày nay, đây được hiểu là nhân tai, như việc xây đập thủy điện chắn mất nguồn nước ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Thiếu nước ngọt, đánh bắt, nuôi trồng hải sản khó khăn. Trồng lúa cũng không phải là dễ. Rủi ro của nhân tai có lẽ cũng nhiều như rủi ro của thiên tai. Chỉ cần có người vô ý vất một mẫu tàn thuốc lá, cháy rừng có thể xảy ra, và cả một cánh rừng có thể bị thiêu rụi. Công trồng trọt, chăm sóc của hàng chục, hàng trăm con người bị đổ xuống sông, xuống biển. Nhân tai cũng có thể là hành vi vô tình gây lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cho tôm cá… Hành vi đầu cơ, thao túng thị trường…

Thứ ba là rủi ro của thị trường.

Thị trường biến động không ngừng. Năm nay trồng cao su thắng quả đậm. Nhưng năm sau, năm sau nữa, chào bán chẳng ai mua. Đó là chưa nói tới tình cảnh “được mùa, mất giá”. Chúng ta có cố gắng làm giàu thế đi chăng nữa thì quy luật cung cầu vẫn có thể đưa mọi thứ về số “mo”. Được mùa là cung tăng, cung tăng mà cầu không tăng thì giá buộc lòng phải giảm (để kích cầu). Bán được nhiều nông sản hơn, nhưng với giá thấp hơn, thì mọi chuyện vẫn vậy. Đó là chưa nói tới tình trạng chi phí vận chuyển, chi phí kho bãi có thể làm cho chuyện được mùa trở nên thua thiệt hơn. Do hội nhập sâu rộng với thế giới, nên chúng ta chịu tác động trực tiếp và tức thì nếu thị trường thế giới biến động. Chúng ta không thể chủ động điều tiết việc Braxin năm sau có được mùa cà phê hay không. Nếu Braxin mất mùa cà phê, chúng ta sẽ bán cà phê của mình được giá. Nhưng ngược lại, Braxin được mùa cà phê, thì khả năng mặc cả của chúng ta bị hạn chế rất nhiều.

Thứ tư là rủi ro chính sách, pháp luật.

Chính sách, pháp luật do Nhà nước ban hành, nhưng tránh được rủi ro ở đây nhiều khi cũng không phải dễ. Ngư dân với những chiếc tàu bé nhỏ, một ngày đẹp trời bỗng nhiên thấy biển khơi đã đóng cửa với mình. Điều này xảy ra vì chính sách cấp phép khai thác hải sản xa bờ theo kích cỡ của những chiếc tàu cá. Tàu cá có kích cỡ dài trên 15m mới được cấp phép. Rủi ro chính sách, pháp luật xảy ra nhiều khi hoàn toàn không phải chỉ do Nhà nước ta ban hành. Chính sách khai thác hải sản của EU đang ảnh hưởng trực tiếp đến những ngư dân Việt Nam. Với chiếc thẻ vàng đã được rút ra, EU đang áp đặt rất nhiều thứ cho nhiều ngư dân Việt, và điều này đang làm cho chi phí tuân thủ phát sinh khá lớn đối với họ. Chi phí tuân thủ cũng phát sinh tức thời khi nước ngoài áp đặt tiêu chuẩn mới về kiểm dịch động, thực vật, về nguồn gốc hàng hóa, về đóng gói, về bao bì, nhãn mác…

Làm gì để quản trị rủi ro?

Xây dựng hệ thống thủy lợi là một trong những hoạt động tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro nông nghiệp.
Xây dựng hệ thống thủy lợi là một trong những hoạt động tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro nông nghiệp.

Với những rủi ro trùng trùng, điệp điệp như vậy, quản trị rủi ro phải là một phần của chiến lược phát triển nông nghiệp nước ta. Chiến lược này có thể gồm những phần cấu thành sau đây: Phần thứ nhất là giảm thiểu rủi ro nông nghiệp; Phần thứ hai là chia sẻ rủi ro nông nghiệp; Phần thứ ba thích ứng với rủi ro nông nghiệp; Phần thứ tư là ứng phó với rủi ro nông nghiệp.

Giảm thiểu rủi ro nông nghiệp là những hoạt động tích cực nhằm giảm nhẹ những tác động tiêu cực và mức độ nghiêm trọng của những thiệt hại. Đây là các hoạt động như xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống chống hạn, chống úng; hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai, dịch bệnh; nghiên cứu sản xuất các giống chịu hạn, chịu mặn; ứng dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp. Ngoài ra, trong hoạt động lập pháp, trong việc ký kết các công ước quốc tế, tham vấn bà con nông dân, tham vấn các doanh nghiệp nông nghiệp là rất cần thiết. Điều này giúp không chỉ giảm thiểu rủi ro chính sách, mà còn giúp người dân, doanh nghiệp có sự chuẩn bị phù hợp.

Chia sẻ rủi ro nông nghiệp có thể thực hiện được qua hệ thống bảo hiểm nông nghiệp như bảo hiểm bồi thường thiệt hại nông nghiệp trong trồng lúa, trồng mía, trong nuôi tôm, nuôi cá ba sa… Tổ chức sản xuất, nuôi trồng theo hợp đồng cũng rất quan trọng ở đây. Rủi ro thị trường và nhiều rủi ro khác sẽ được các doanh nghiệp, các thương nhân chia bớt với những người nông dân.

Thích ứng với rủi ro nông nghiệp chính là một hình thức “sống chung với lũ”. Nếu nước biển dâng và ngập mặn là một phần tất yếu của cuộc sống, thì quan trọng là chuyển đổi sản xuất và đời sống nông nghiệp sang những mô hình phù hợp. Ví dụ, thay vì nuôi trồng thủy sản nước ngọt thì nuôi trồng thủy sản nước lợ; thay vì trồng cây truyền thống thì trồng những loại cây chịu mặn…

Ứng phó là những hoạt động nhằm nhanh chóng cải thiện khả năng phục hồi và chống chịu. Đây là việc phải chuẩn bị từ trước để có thể sẵn sàng các năng lực và các điều kiện cần thiết. Quan trọng là một chương trình an sinh xã hội cho những người nông dân làm sao để có thể mất mùa, nhưng không phải mất bữa ăn. Các nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm… là rất quan trọng ở đây. Quỹ dự phòng lương thực, quỹ dự phòng tài chính… là những ví dụ cụ thể.

Rủi ro trong đời sống nông nghiệp là rất lớn, những người nông dân sẽ khó có thể tự mình triển khai có hiệu quả chiến lược nói trên. Quan trọng là Nhà nước phải vào cuộc, phải dẫn dắt và phải hình thành một liên minh giữa Nhà nước, nhà nông với các doanh nghiệp có liên quan cho công việc này.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất