, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 28/02/2022, 19:00

Rượu cần truyền thống vươn ra khỏi bon làng

LẬP PHƯƠNG
Ngày cuối tuần, từ sáng sớm bà Grum (bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã lục đục chuẩn bị nấu rượu cần. Bà nhóm bếp củi, nấu 1 nồi cơm hơn 10kg gạo trộn với 1 ít nếp. Cơm chín bà xới cơm ra tấm bạt cho nguội. Trong lúc chờ cơm nguội, bà Grum đi giã men rượu cần từ vỏ lá cây rừng - loại men làm nên hương rượu và sự khác biệt của rượu cần truyền thống...

Giữ nghề truyền thống

Khi cơm còn ấm, bà Grum phủ 1 lớp men lên cơm và trộn đều. Đây là công đoạn đầu tiên và cơ bản nhất của việc nấu cơm rượu truyền thống mà bà Grum đã duy trì nhiều năm nay.

Bà Grum năm nay 53 tuổi, đã có hơn 40 năm làm rượu cần truyền thống. Lúc đầu bà Grum chỉ nấu rượu cần cho gia đình sử dụng trong lễ cúng lúa mới và các sinh hoạt của gia đình. Những người hàng xóm đến uống rượu cần của bà thấy ngon đã đặt bà làm mỗi khi có tiệc đãi khách. Từ đó, bà trở thành thợ nấu rượu cần. Khoảng 5 năm trở lại đây, bà nấu rượu cần thường xuyên hơn, rượu luôn để sẵn trong nhà để bán quanh năm. Bà chia sẻ: “Tuần nào tôi cũng làm rượu cần để bán cho các gia đình trong tỉnh và khách du lịch. Mùa tiêu thụ rượu cần nhiều là dịp lễ hội, dịp Tết, nên tôi thường làm số lượng lớn vào các ngày này. Mỗi năm tôi bán được khoảng hơn 100 ché loại từ 5 - 12 lít”.

Không chỉ bó hẹp trong việc nấu và sử dụng trong gia đình, rượu cần truyền thống ở xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã vươn ra khỏi bon làng, tiếp cận với nhiều thị trường trong nước.

Ở xã Đắk Nia còn có bà H’Mai (51 tuổi, bon Ting Wel Đơm) được mẹ truyền cho bí kíp làm rượu cần khi mới lên 14 tuổi. Tuần nào bà H’Mai cũng nấu rượu để bán. Để có ché rượu chất lượng, bà nhập ché từ Hà Nội vào để bảo đảm đáy ché không rỉ rượu. “Muốn làm rượu cần ngon phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị ché rượu”, bà H’Mai chia sẻ.

Gạo và men trộn đều rồi cho vào ché.

Ché sau khi được vệ sinh sạch sẽ còn phải tráng qua bằng nước nấu từ lá cây R’dong. Lấy lá R’dong nấu nước bỏ vào trong ché và mang phơi nắng. Khi nào lá R’dong trong ché khô thì ché đó đã khô và mang đi ủ rượu. Ché khô thì khi ủ rượu sẽ không bị chua, giữ được mùi thơm đặc trưng. Để có được ché rượu cần ngon, có màu đẹp và mùi thơm đặc trưng, không thể thiếu men cây rừng. 

Cách làm rượu cần truyền thống là vậy, nhưng để có được ché rượu ngon thì cần người có tay nghề cao để đo đúng liều lượng của các loại nguyên liệu, sao cho tất cả vừa đủ.

Men cây rừng.

Sản phẩm đặc trưng của địa phương

Năm 2018, nghề nấu rượu cần truyền thống được tỉnh Đắk Nông công nhận là nghề truyền thống. Những người đang sản xuất rượu cần trong bon Ting Wel Đơm, bon Bu Sóp và bon N’Jriêng, xã Đắk Nia đã liên kết thành tổ hợp tác nấu rượu cần truyền thống. 

Để sản phẩm truyền thống tiếp cận thị trường, rượu cần đã được kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy trong rượu không có độc tố methanol và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn, chất lượng đồ uống an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu. 

Việc công bố các chất trong mẫu test đã tạo điều kiện cho Tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia tuyên truyền, quảng bá về rượu cần truyền thống. Sản phẩm rượu cần truyền thống đã có logo, nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ rượu cần Đắk Nia, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho rượu cần Đắk Nông, mở ra hướng phát triển mới góp phần giữ gìn nghề rượu cần truyền thống.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất