, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/02/2022, 13:00

Rượu ngô của đồng bào H’Mông Suối Giàng

NGUYỄN NHẬT THANH
Có độ cao 1.300m và quanh năm mây phủ, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) mùa nào cũng đẹp, nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là những dịp đầu xuân. Người dân nơi đây tổ chức lễ cúng nhằm tôn vinh cây chè cổ Shan Tuyết Suối Giàng, gắn với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’Mông. Đến Suối Giàng, du khách được ở trong những ngôi nhà gỗ Pơ Mu, được uống rượu ngô, thứ rượu hòa quyện giữa hương đất khí trời, được làm lên từ bàn tay người dân tộc H’Mông...
Ngô được người H'Mông thu hoạch dự trữ quanh năm.

Người dân tộc H’Mông đặt cho vùng đất này cái tên Suối Giàng với ý nghĩa Suối lên trời, là mảnh đất được mẹ thiên nhiên ban tặng để những nàng tiên trời xuống vui chơi thỏa thích. Du khách đến đây đều cảm thấy khí hậu như một Sa Pa thu nhỏ, “mây vờn nắng nhạt quanh năm”. Những ngôi làng của người H’Mông ẩn khuất sau đồi chè cổ thụ Shan Tuyết vài trăm năm tuổi với thân cây nhuộm màu trắng mốc. Mỗi khi chiều buông, những làn mây trắng từ đỉnh núi cao thẳm sà xuống dưới chân đồi như một dòng suối mờ sương.

Du khách sẽ luôn xuýt xoa vì cái lạnh tê tái, nhưng sẽ hừng hực lại khi được nhấm nháp ngụm rượu ngô - thứ không thể thiếu trong bất cứ ngôi nhà nào của người H’Mông. Rượu ngô giúp người H’Mông luôn khỏe khi lao động sản xuất, ấm người khi đi ngủ. Khách đã đến nhà, thế nào cũng được chủ mời rượu. Mà đã được mời thì không thể từ chối, bởi “Gặp người là gặp bạn. Gặp bạn là gặp rượu. Gặp rượu là gặp nhau”…

Mùa đông ở Suối Giàng.

Gia đình ông Sổng A Nụ là một trong những gia đình người H’Mông đầu tiên làm du lịch, những ngày đầu xuân gia đình ông luôn rất đông du khách. Họ đến để được cảm nhận cái rét “cắt da cắt thịt” đặc trưng của núi rừng Tây Bắc mà người H’Mông ở đây đã quen từ thủa lọt lòng. Họ thích cảm giác lâng lâng khi được ngồi bếp lửa than hồng, thịt nướng, uống rượu ngô và nghe tiếng “thậm thịch” của cối giã gạo. Nhà ông Sổng A Nụ vốn có truyền thống 4 đời nấu rượu ngô và là một trong 10 gia đình nấu rượu ngô ngon nhất vùng. Ông bảo rượu ngô ai cũng có thể nấu được, nhưng nấu ngon thì còn phải do người nấu có để tâm hay không.

Theo ông Sổng A Nụ, để làm được thứ rượu này, nhất định phải là ngô bản địa. Trước tiên là chọn những bắp ngô đều hạt, không quá già hoặc quá non, như vậy hạt ngô mới có nhiều tinh bột. Sau đó tẻ lấy hạt, mang luộc cho ngô chín hẳn rồi ủ men. Men chính là thứ làm nên hương vị của rượu ngô, men của rượu ngô phải là thứ men được làm tổng hợp từ lá cây rừng do chính bàn tay người H’Mông nơi đây tự làm. Lá cây rừng thái nhỏ trộn với hạt kê đã nghiền mịn, sau đó nắm thành từng quả, đặt trên gác bếp để tự lên men. Đặc biệt, trong thời gian lá cây lên men rất kiêng kỵ phụ nữ có bầu đến gần, vì người H’Mông tin rằng nếu không tuân thủ sẽ hỏng mẻ men đó.

Người dân tộc H’Mông ở suối Giàng luôn chân thành mời khách uống rượu ngô.

Công đoạn ủ men rất quan trọng, được cho là tạo lên sự thành công cho rượu ngô. Thường thì ủ men kéo dài từ 12 - 15 ngày, nếu ủ chưa đủ thời gian tinh bột trong hạt ngô chưa ngấm hết, như vậy rượu sẽ không được thơm. Sau khi được ủ men, ngô sẽ được cho vào thùng gỗ và bắt đầu chưng cất trên bếp. Người ta đặt phía dưới và phía trên thùng gỗ một cái chảo nhôm đựng nước, chảo tiếp giáp với ngọn lửa thì luôn luôn nóng, nhưng chảo ở trên thùng phải luôn luôn lạnh, nếu nước nóng phải thay nước khác, có như vậy mới chưng cất được rượu. Thường thì để nấu được một nồi rượu ngô 20kg phải mất 7 đến 8 giờ đồng hồ.

Cách mời rượu của đồng bào H’Mông cũng là nét văn hóa đặc trưng nơi đây. Để mời khách uống rượu ngô mừng năm mới, gia chủ rót rượu đầy sóng sánh cái bát trên tay, uống một ngụm trước rồi bắt đầu chuyền tay nhau lần lượt mời khách, cùng với đó là những lời chúc cho một năm mới tốt đẹp.

Xã Suối Giàng đang khôi phục tục nấu rượu ngô của đồng bào H’Mông bằng cách vận động những gia đình biết cách nấu rượu ngô truyền dạy lại cho các hộ khác, để rượu ngô không chỉ là sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc được dùng trong sinh hoạt mà còn là mặt hàng được bán rộng rãi ra thị trường.

“Uống rượu Ngô khó say lắm! Rượu chỉ làm cho người ta vui cái bụng, ấm cái người, làm gì cũng khỏe thôi”... - Ông Sổng A Nụ cười vui vẻ. Bạn chỉ có thể cảm nhận được điều đó nếu đến Suối Giàng khi hoa mận hoa đào nở trắng rừng vào những ngày cuối đông, đầu xuân, được nhấm nháp rượu ngô Suối Giàng, cùng ngân nga hát và cảm nhận sự thay đổi trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân H’Mông giữa vùng cao lạnh ngát …

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất