, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/07/2020, 17:31

Sa Huỳnh: Mặn mòi chân bước trăm năm

NGUYÊN ĐÔNG

Với lịch sử hình thành hàng trăm năm, đồng muối Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã được định vị là vựa muối chính của miền Trung, cung cấp nguyên liệu chế biến đặc trưng cho nhiều làng mắm, làng chài vùng duyên hải. Tuy nhiên, cũng chính do phương pháp canh tác lâu đời, hạt muối Sa Huỳnh đang phải đối mặt những cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đòi hỏi phải mạnh dạn có những đổi thay để phát triển.

Đồng muối Sa Huỳnh.

Đồng muối Sa Huỳnh hiện còn hơn 117ha, trải dài ở 3 thôn Tân Diêm, Thạnh Đức 1 và Long Thạnh 1 (phường Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) với khoảng 600 hộ và 2.400 lao động tham gia canh tác. Bình quân mỗi năm, đồng muối này sản xuất gần 8 ngàn tấn muối.

Mặn mòi lịch sử

Giai thoại dân gian Sa Huỳnh lưu truyền, non 200 năm trước, những lưu dân từ phía Bắc vào đây lập nghiệp đã tình cờ phát hiện những hạt muối thiên nhiên đọng trên cỏ lác sau mùa biển trở mình. Họ bèn cùng nhau lập nên đồng muối với phương pháp canh tác cổ truyền, dẫn nước biển vào và phơi khô, dồn đống thành phẩm, từ đó lập làng tạo cơ nghiệp.

Những thế hệ diêm dân từ cảnh cùng khổ đã lớn lên ở đây, lần theo lịch sử thăng trầm mà phát triển. Đến thời Chúa Nguyễn, rồi tiếp đó là thời kỳ thực dân đô hộ, diêm dân Sa Huỳnh đã luôn duy trì nghề làm muối, cung cấp nguyên liệu chế biến thủy hải sản và làm gia vị. Hai cuộc chiến tranh đi qua, diêm dân vẫn bám làng bám ruộng, gắn bó với nghề.

Hạt muối Sa Huỳnh nổi tiếng khắp miền Trung. Nhiều làng nghề truyền thống như Nam Ô (Đà Nẵng), Tam Tiến (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã quen dùng muối Sa Huỳnh để làm nên những chai mắm nổi tiếng. Hầu hết người dân đánh giá cao đất muối Sa Huỳnh vì không có độ phèn, hạt muối tinh, mặn mà và nhất là độ kết tinh cao, dễ thấm đẫm vào con cá con tôm, làm nên những món thực phẩm tuyệt vời đầy hương vị biển. Năm 2011, muối Sa Huỳnh đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, được xác tín là nguyên liệu gia vị chất lượng uy tín với người dùng. Cũng từ đó, đồng muối được quy hoạch lại, đầu tư bờ bao, mương dẫn, nhờ vậy hạt muối tốt hơn, giảm tạp chất. Câu chuyện hạt muối Sa Huỳnh trăm năm lan tỏa rộng hơn.

Đồng muối Sa Huỳnh thưa thớt người canh tác dù đang vào vụ chính.
Đồng muối Sa Huỳnh thưa thớt người canh tác dù đang vào vụ chính.

Khắc khoải đầu ra

Bi kịch ở chỗ, chính thời điểm hạt muối Sa Huỳnh được nhìn nhận giá trị là lúc thị trường muối bùng phát cạnh tranh. Các dự án đầu tư làm nhà máy tinh chế muối i-ốt, cải tạo chất lượng muối tại đây lần lượt bị ngưng trệ. Anh Trần Trung Dũng - trưởng thôn Tân Diêm (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nhìn nhận điểm yếu của nghề làm muối ở Sa Huỳnh là chưa được đầu tư đồng bộ về chất lượng, công tác truyền thông cũng chưa được chú trọng nên không thu hút được người tiêu dùng. Trong khi các thương hiệu muối gần xa đẩy mạnh tiếp thị, muối Sa Huỳnh vẫn quanh quẩn với cách làm, cách bán truyền thống với những gánh muối rong. Hiệu quả cạnh tranh kém đã làm giảm thị phần, giá ngày càng tụt giảm, đẩy diêm dân vào thế khó khăn.

Ông Trần Ngọc Thạch - diêm dân ở khu dân cư số 5 thôn Tân Diêm cho biết, gia đình ông theo nghề đã mấy chục năm, có hơn 3.000m² ruộng muối, nhưng 3 năm trở lại đây, muối không bán được, vợ chồng con cái phải xoay xở đủ cách. Từ giữa năm 2019, giá muối trên đồng giảm, có lúc chỉ còn 200 đồng/kg, tính ra một lao động chính thu nhập chưa đến 20.000 đồng/ngày. Với sự cố dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình đã không làm muối nữa. Trường hợp của gia đình ông Thạch không phải là hiện tượng đơn lẻ. Ông Vũ Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Phổ Thạnh phân tích, đầu ra khó khăn, phương thức canh tác cũ, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm, đã khiến nghề làm muối Sa Huỳnh đi vào bế tắc. Năm 2020 này, đồng muối Sa Huỳnh coi như đóng cửa!

Nhiều khu vực ruộng muối Sa Huỳnh đã bị bỏ hoang và bị ô nhiễm do rác thải.
Nhiều khu vực ruộng muối Sa Huỳnh đã bị bỏ hoang và bị ô nhiễm do rác thải.

Cần làm khác nghĩ khác!

Ông Võ Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ chia sẻ, địa phương đang vận động người dân làm khác nghĩ khác để thay đổi đồng muối Sa Huỳnh, nhằm chấn hưng làng nghề truyền thống một cách hiệu quả.

Trước hết, với kinh phí cho phép, Đức Phổ đang hỗ trợ diêm dân đổi mới phương thức canh tác, cải tạo lại đồng ruộng, tiến hành dùng vật liệu chống thấm lót bề mặt ruộng muối, bê tông hóa ruộng phơi, đầu tư kênh dẫn nước nhập đồng. Việc này giúp ổn định lại sản lượng và chất lượng hạt muối; và nếu tổ chức tốt ruộng muối, có thể tạo ra những dịch vụ mới như làm du lịch cộng đồng, tham quan làng nghề truyền thống…

Thứ hai, địa phương vận động một số nhà đầu tư, nhất là thương mại, xem xét cải tiến chế biến hạt muối Sa Huỳnh đa dạng hóa sản phẩm, đổi từ muối thực phẩm gia vị, sang phục vụ y tế, sức khỏe (muối ngâm, spa…); tinh chế muối dùng trong công nghiệp… Tổ chức nạo vét cửa biển Sa Huỳnh đã bị bồi lấp lâu nay, mở rộng cảng cá Sa Huỳnh, liên kết với các làng nghề hải sản truyền thống, doanh nghiệp chế biến hải sản… để tổ chức tiêu thụ muối có định hướng, có đơn hàng, giúp diêm dân tìm đầu ra và vượt qua cảnh bế tắc vì giá cả ở “điểm chết” hiện nay.

Cuối cùng, theo quy hoạch, Đức Phổ sẽ gia tăng tỷ lệ đất đô thị hóa với lựa chọn “dồn điền đổi thửa” cho diêm dân, chỉ giữ lại một phần diện tích đất đồng muối phù hợp chủ trương quy hoạch làng nghề. Địa phương kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các khu dân cư có tiêu chuẩn phù hợp nhu cầu nhà ở của diêm dân, để khích lệ họ mua đất đô thị. Việc giải tỏa đất muối lấy hạ tầng sẽ phù hợp khả năng kinh tế của diêm dân, đồng thời giúp họ vốn để cải thiện phần diện tích đồng muối giữ lại. Cải tạo hạ tầng đô thị cũng giúp chấm dứt tình trạng ô nhiễm nước thải sinh hoạt ở đồng muối.

Chiều về trên vùng đất Sa Huỳnh.
Chiều về trên vùng đất Sa Huỳnh.

Ông Vương cho biết, địa phương đang thí điểm chuyển đổi 11,6ha đất đồng muối bỏ hoang làm khu dân cư mới trên địa bàn Phổ Thạnh, theo quy hoạch của tỉnh, và đang thảo luận với một số nhà đầu tư về lĩnh vực muối y tế, muối công nghiệp, du lịch cộng đồng… Nếu những thí điểm này thành công, sẽ có một phần ruộng muối Sa Huỳnh biến thành đất đô thị, gia tăng giá trị bất động sản địa phương, đồng thời mở hướng đi mới cho hạt muối truyền thống, tạo quan hệ logictics với thị trường bên ngoài. Có vậy, muối Sa Huỳnh mới đủ sức cạnh tranh thị trường, nâng cao giá trị sản xuất và qua đó, giúp diêm dân củng cố sinh kế.

“Đồng muối Sa Huỳnh nằm trên vùng địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cổ, có nhiều giá trị văn hóa và thổ nhưỡng đặc biệt, nếu nghề truyền thống tiếp tục được bảo vệ và phát triển đa dạng hóa đầu tư kinh tế, thì đây sẽ là một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư, và cho chính người dân địa phương”, ông Vương nói. Lộ trình phát triển hạt muối trăm năm của Sa Huỳnh, theo đó hứa hẹn sẽ có bước ngoặc sáng sủa hơn!

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất