, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/06/2020, 18:20

Sắc mới cho nón xưa xứ Huế

TUẤN ANH
 

Loại nón này do họa sĩ trẻ Nguyễn Thanh Thảo sáng tạo năm 2017. Lúc đó, Thảo mới vừa tốt nghiệp khoa đồ họa tạo hình trường Đại học Nghệ thuật Huế.Xanh ngát nón lá sen

Trò chuyện với tôi trong căn phòng nhỏ vừa làm nơi trưng bày vừa làm nơi chế tác sản phẩm, họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo cho hay: “Trước đó, tôi đã từng thử làm nón bằng lá cây bồ đề. Sau này tôi chọn lá sen vì hình dáng lá sen rõ ràng thích hợp để làm nón hơn lá cây bồ đề, màu sắc và vân lá cũng đẹp hơn rất nhiều”.

Lá sen có sắc xanh ngọc và đường vân lá đẹp tự nhiên. Bề mặt lá có thể dài đến hơn 40cm, đủ rộng để đắp trọn vẹn lên vành nón. Tuy nhiên, đặc điểm của lá sen là khi cắt khỏi cành thì rất dễ bị ẩm mốc và dễ phân hủy. Muốn sử dụng lá để làm nón, Thanh Thảo đã ngâm ủ lá trong nước javel (một loại dung dịch tẩy rửa), sau đó đem phơi nắng, lá sẽ dai, giữ được màu sắc nguyên bản. “Các công đoạn làm nón tương tự cách làm nón lá truyền thống, nhưng khi hoàn thành, chúng tôi phủ một lớp sơn bảo vệ cho nón không bị phai màu”. - Thanh Thảo chia sẻ.

Sau này, ngoài màu xanh nguyên bản, nón lá sen đã được anh họa sĩ trẻ tạo tác với nhiều màu sắc khác nhau để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Theo anh Thảo, khi làm chủ được kỹ thuật chế tác, việc nghĩ đến những hình thức ứng dụng sản phẩm khác nhau từ lá sen là điều hoàn toàn có thể. Điều này sẽ giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu lá mà trước đây người dân trồng sen để lấy hạt thường vứt bỏ, qua đó giúp người trồng sen có thêm một phần thu nhập đồng thời giúp bảo vệ môi trường.

Huyền ảo nón Trúc Chỉ

“Trúc” là tre, “Chỉ” là giấy, hiểu đơn giản thì Trúc Chỉ là một loại giấy được làm từ tre. Đây là nghệ thuật chế tác giấy thủ công do họa sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế khởi lập từ năm 2011. Khi sáng tạo ra loại giấy được gọi là Trúc Chỉ này, ông mong muốn “mang giấy thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm độc lập”. Nghĩa là bản thân Trúc Chỉ đã là một tác phẩm nghệ thuật, và những sản phẩm phái sinh từ nó cũng có hình thái nghệ thuật riêng biệt. Trong thực tế, những sáng tác từ Trúc Chỉ không chỉ là những bức tranh trang trí, mà còn ẩn hiện giữa cuộc sống hàng ngày khi được ứng dụng một cách đa dạng: chụp đèn, đèn lồng, diều, quạt giấy, hộp đựng quà, danh thiếp, bìa sách… Trong đó, Trúc Chỉ đã mang đến một diện mạo mới lạ cho chiếc nón bài thơ xứ Huế.

Từ nguyên liệu tre (hoặc trúc) qua một loạt công đoạn chế biến sẽ trở thành một dạng bột keo dính để phết lên vải thưa, tạo thành lớp nền tranh. Họa sĩ sẽ sắp xếp những khuôn họa tiết bằng xốp được thiết kế sẵn lên nền tranh đó, rồi dùng vòi nước phun mạnh làm bột keo quanh hình cắt dạt ra, để lại trên nền bột keo những họa tiết hằn theo từng lớp đậm nhạt khác nhau, qua đó tạo thành bức tranh hoàn chỉnh. Sau đó, người ta sẽ bóc tách cẩn thận từng khuôn xốp ra khỏi lớp giấy ướt, rồi mang giấy đi phơi. Khi giấy khô sẽ được xử lý keo để tạo độ bền. Họa sĩ Phan Thị Na - người có nhiều năm tham gia tạo tác tranh Trúc Chỉ cho biết: “Đối với công đoạn làm nón, thì người thợ sẽ “seo” giấy để có thể cuộn thành hình chóp nón. Những người thợ chằm nón sẽ hoàn tất phần còn lại”.

Nón làm từ Trúc Chỉ được quan tâm đặc biệt, vì xứ Huế vốn rất nổi tiếng với nón bài thơ, mà tranh trên giấy Trúc Chỉ vô hình trung đã mang đến những hình ảnh nên thơ trong lớp giấy huyền ảo của nó. Các lớp lang hình ảnh chồng lên nhau thay đổi theo góc nhìn và theo hướng tương tác với ánh sáng là điều đặc biệt nhất mà loại nón này sở hữu.

 

Thanh mảnh nón lá bàng

Ít ai nghĩ rằng lá bàng có thể được sử dụng để làm nón lá. Nhưng ông Võ Ngọc Hùng, người đàn ông tuổi lục tuần ở đường Kim Long (TP.Huế) đã hiện thực hóa ý tưởng này thành những chiếc nón hết sức độc đáo: nón lá bàng rừng.

Chính xác thì đó là những chiếc nón gân lá với chất liệu là lá bàng rừng. Để hoàn thành một chiếc nón như thế, bình quân chủ nhân mất gần 2 tháng, khởi đầu từ việc lên rừng tìm kiếm loại lá bàng rừng, loại có chiều dài ít nhất khoảng 40cm. Lá to, dài để thuận tiện cho việc kết xương gân chiếc lá này đến khoảng vành tre thứ 16 của chiếc nón. Khi tìm được lá thích hợp, ông Hùng mang về ngâm cho lá phân hủy hết chất diệp lục, thông thường công đoạn này khoảng 45 ngày. Sau đó, ông dùng bàn chải đánh răng chải thuận chiều dọc theo từng sợi gân lá để làm sạch. Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn, nhẹ nhàng bởi nếu không sẽ làm rách những sợi gân mạng nhện của lá. Chính vì phải cẩn thận từng chút một, nên mỗi ngày chỉ có khoảng 30 chiếc lá được làm sạch như thế. Ông Hùng chia sẻ: “Khi làm tui không dám thở mạnh, vì sợ run tay lỡ làm rách lá, chỉ cần lá nhàu một chút xíu coi như phải vứt bỏ. Phải giữ lá còn nguyên vẹn xương gân chính và lớp xương gân mạng nhện, màu trắng ngà mới dùng được”.

1.png
 

Công đoạn xếp lá xây lên vành nón cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức chú tâm, bởi sự mỏng manh của chiếc lá bàng khi chỉ còn lớp xương gân mạng nhện. Lá sẽ được kết lại bằng sợi cước với chiếc kim mũi nhỏ, sao cho lá vừa khít và những sợi gân lá không bị đứt, gãy. Đây là công đoạn mà người làm nón có thể tùy biến để chiếc nón có sự đa dạng trong cách thể hiện: hoặc vẽ thêm hình lên lá, hoặc cắt giấy lót phía trong làm nón bài thơ hay để nguyên lớp xương gân lá làm hoa văn tự nhiên.

Mỗi chiếc nón lá bàng hiện tại được bán với giá 450.000 đồng, 1/3 trong số tiền đó được trả cho người thợ chằm nón.

Ông Hùng cho biết, hiện nay ông cung cấp nón lá bàng để tiêu thụ ở một số địa phương trên cả nước như Cần Thơ, Hà Nội, TP.HCM với số lượng rất ít, bởi nguồn lá khan hiếm và ông chỉ làm được tối đa khoảng 30 cái mỗi tháng. “Lá bàng này chỉ có trong rừng, phải thuê người thu gom nhiều đợt, có khi đi cả mấy ngày chỉ tìm được vài chiếc lá đạt chuẩn trong khi mỗi chiếc nón cần ít nhất 13 đến 15 chiếc lá. Chỉ sơ suất một chút cũng làm hư lá, nên tui có muốn làm nhanh cũng không được”.

Những chiếc nón lá truyền thống biến tấu cùng thiên nhiên dường như đang len giữa đô thị ồn ào, giữ lại chút bình yên của xóm quê trong tâm hồn mỗi người…

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất