, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 20/01/2023, 06:53

Sài Gòn một thời rất xanh

PHẠM CÔNG LUẬN
Sống từ nhỏ trên đất Sài Gòn - Gia Định, lang thang trên thành phố này suốt thời làm báo và viết sách, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đâu đó dấu vết một thời làng xóm sống quanh vườn tược, ruộng đồng và đầm lầy trồng rau muống. Đó là một thời chưa xa xôi gì lắm.
Vườn cây ăn trái ở Phú Nhuận (thập niên 1930). Tranh trích trong bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do trường Vẽ Gia Định thực hiện 1935.

Nhiều nhân chứng kể rằng khoảng năm 1939, Phú Nhuận, một quận diện tích nhỏ nhưng đông dân vẫn còn là vùng thưa thớt dân cư. Nhà cửa hai bên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) phần nhiều là những mảnh vườn nhỏ. Nhà cửa phần đông cất kiểu nhà sàn thấp, có lẽ vì đất đai còn rất ẩm. Nước dùng toàn là nước kéo từ các giếng, chưa có nước máy như về sau này.

Cho đến thập niên 1950, vẫn còn rẫy rau cải dọc theo đường Nguyễn Trọng Tuyển hiện nay, từ cổng xe lửa số 8 chạy dọc lên phía đường Nguyễn Văn Trỗi. Có rẫy cải thì phải có nước tưới nên mọc lên những cái giếng san sát bên những luống cải xà lách xoong xanh mướt. Hầu hết giếng ở rẫy cải thường dùng cần vọt, một loại cần làm bằng cây tre theo hệ thống đòn bẩy để lấy nước cho dễ. Chiều chiều, rẫy cải tấp nập người, những chiếc cần vọt thay nhau nảy lên hạ xuống, lấy đầy những thùng nước trong sóng sánh. Hơi nước tươi mát bốc lên từ những luống rau xanh ngắt một màu. 

Phía đường Phan Xích Long hiện nay vẫn còn khu đầm lầy với ruộng rau muống mênh mông, tồn tại cho đến những năm 1990. Lúc đó, người ta nuôi dê, nuôi gà, nuôi heo. Đó là một không gian kỳ lạ, quê mùa và tương phản với khu phố xá đường Trần Quang Khải đầy ắp cửa tiệm với các cư xá sang trọng ở các đường nhánh. Khu ruộng rau muống liên thông đất Phán Hùng trong đường Cô Giang.

Sau này, một anh bạn sống trong khu đó cho biết ruộng rau muống ở đó tồn tại rất lâu vì nó mang đến nguồn lợi lớn cho người trồng, có người nhờ trồng rau muống mà mở tiệm vàng, đa số là người Bắc di cư từ năm 1954 hoặc sớm hơn, thập niên 1940.

Mặt tiền với hàng rào cây xanh của biệt thự cổ tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (đã bị dỡ bỏ năm 2016). Ảnh: Nguyễn Đình

Những năm đầu thập niên 1970, anh tôi được phân về làm hiệu trưởng một trường trung học đệ nhất cấp ở Gò Vấp. Mỗi ngày đi dạy bằng Honda Dame, anh phải luôn chú ý mang kính râm, không phải chỉ vì sợ nắng chói đường Quang Trung mà vì sợ những con côn trùng bay từ các đất ruộng hai bên đập vào mắt. Xe đi qua sân golf (nay là công viên Gia Định) đã thấy dấu vết của đồng quê. Từ ngã năm Chuồng Chó lên phía làng SOS dành nuôi trẻ mồ côi phía Chợ Cầu, hai bên là đất trống. Gò Vấp còn rất nhiều đất trồng hoa, thuốc lá, có những nhà vườn rộng mênh mông.

Theo anh đi dự đêm đốt lửa trại gần Tết một năm nào, khoảng 1973 hay 1974 ở trường trung học Bắc Bình Vương, xe anh em tôi băng qua những mảnh vườn tối, đất ruộng sau mùa thu hoạch và những bụi tre um tùm dưới ánh đèn đường mới lên, cảm nhận mùi đất ẩm, mùi cây cỏ thiên nhiên. Sau này, anh tôi kể con đường Nguyễn Kiệm, bây giờ, đoạn đường ngang cổng xe lửa số 10 là xóm Vườn Mít từng được nhắc trong bài Phú cổ Gia Định thế kỷ 19 như vầy:

Lợi đất thinh thinh, xóm Vườn Mít

Bình trời vòi vọi, núi Mô Xoài…

“Lợi đất” và “thinh thinh” có nghĩa là rộng, phì nhiêu, được khai khẩn đúng mức. Xóm Vườn Mít quanh quẩn các phường 9, 3 và 5. Người dân ở đây trồng mít để lấy trái ăn và lấy hạt xay làm bột. Đến thập niên 1940 ở đây còn có vườn trồng hoa hồng quanh khu chợ Nguyễn Đình Chiểu và dấu vết của nhị tỳ Nước Hẹ (nghĩa trang của người Khách Gia) là một trong những khu nhị tỳ xưa nhứt vùng Phú Nhuận, từng có trước năm 1882 được vẽ trong bản đồ xưa, và còn là vùng bưng hoang vu được du kích quân chống Pháp chọn làm “chiến khu” trước năm 1945.

Một góc biệt thự xây dựng thời Pháp nằm tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, đã bị dỡ bỏ năm 2016. Ảnh Nguyễn Đình

Phía đường Lê Văn Sĩ từ cầu Lê Văn Sĩ đến Lăng Cha Cả hiện nay, giờ còn mỗi cái tên nhà thờ Vườn Xoài là lưu dấu một vườn xoài lớn có từ cuối thế kỷ 19 chiếm toàn bộ con đường này. Khi gia đình tôi về sống ở Phú Nhuận, đường còn mang tên Erayaud des Vergnes (thập niên 1940) và người bình dân đọc trại là “Ai vô rờ quẹt”, cái xóm chạy dọc theo đường này được gọi là xóm Vẹc (theo tên Vergnes). Vườn xoài biến mất dần do nhu cầu xây cất, nhất là khi người Pháp xây khu nhà nghỉ mát ở đây. Sau 1954 khi người Bắc di cư vào, không còn dấu vết gì của vườn xoài.

Giờ đây, nhà cửa khắp nơi san sát. Những cây gòn mấy chục năm trước còn đứng sừng sững khắp nơi trong thành phố trên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu), trong hẻm 270 Nguyễn Trọng Tuyển… những bụi tre trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) biến mất từ lâu. Không mấy ai biết đường Phan Đăng Lưu từng có tên là đường Hàng Sao vì hai bên đường có hàng cây sao cao vút, đường Lê Văn Duyệt gần cầu Bông có tên là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng nhiều cây bàng, phía Bà Chiểu có hàng cây keo già nên mới có tên xóm Hàng Keo, bót Hàng Keo... Xóm Hàng Keo nằm giữa trường Mỹ Thuật Gia Định và trường Đạt Đức (nay là trường Châu Văn Liêm).

Nhà bà Năm Hồ trên đường Hồ Xuân Hương với cây xanh và nhà ba gian còn giữ được. Ảnh: Phạm công Luận

Cái tên Hàng Sanh còn dấu vết khi con đường Bạch Đằng từ chợ Bà Chiểu ra khu Hàng Sanh có trồng nhiều cây sanh. Gần nhà tôi có hẻm Hàng Dương trên đường Hoàng Văn Thụ thuộc phường 9 quận Phú Nhuận, trước năm 1954 có trồng nhiều cây dương hai bên hẻm. Còn hẻm 270 Nguyễn Trọng Tuyển từng trồng nhiều cây gòn, nên còn gọi là hẻm Hàng Gòn.

Tất cả chỉ còn cái tên, không còn cây gòn, cây keo, cây dương, cay bàng hay cây sanh nào tồn tại ở đó. Kể cả ở hẻm 104 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cũng không có cây sao nào trước đầu hẻm, dù ngày xưa từng có tên là hẻm Ba Cây Sao.

Tại khu đất sau này gọi là khu Sân Golf (công viên Gia Định hiện nay), cảnh sát trưởng Sài Gòn lúc bấy giờ là Belland cho trồng thí nghiệm 10.000 gốc cao su giống Brasil, mua từ đảo Tích Lan. Nhân công trồng cao su là nông dân địa phương lưng trần, chân đất, dùng bò để cày xới. Đây là vườn cao su đầu tiên trồng thí nghiệm với quy mô lớn tại Việt Nam và Đông Dương. Tranh: trích trong bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do trường Vẽ Gia Định thực hiện 1935.

Tuy vậy, tôi vẫn có những khoảng xanh của riêng mình hiện nay. Đó là khi tôi vào thăm ngôi biệt thự nhỏ của gia đình ông Mười Hai trên đường Hồ Xuân Hương, quận Bình Thạnh. Ở đó, tôi ngắm nghía lũ gà đi lang thang trong vườn và được kể buổi tối chúng chỉ thích ngủ trên ngọn cây, gia đình thỉnh thoảng đi nhặt trứng trong các bụi rậm trong vườn.

Sau khi ngắm vườn, tôi ngồi nhấm nháp ly trà cùng chủ nhà, ngắm bức tranh gốm Biên Hoà tuyệt đẹp thập niên 1950 và được thấy bộ đi văng mà hồi làm cố vấn phong tục cho phim Người Tình của đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud, nhà văn Sơn Nam đã nằm nghỉ trưa vì trong nhà có người tham gia đoàn làm phim. Phía trước nhà là nghĩa trang của dòng họ Nguyễn mà nhà văn Vương Hồng Sển nhắc trong một cuốn tạp bút, nặng dấu vết cổ xưa với các ngôi mộ đá ong, xưa như lịch sử 200 năm của dòng họ này, khi làng Bình Hoà còn là vùng đất vườn xanh um. 

Gần đó là ngôi nhà vườn của bà Năm Hồ, một bên đã xây ngôi nhà đúc nhưng phần còn lại vẫn là ngôi nhà ba gian có bàn thờ chính giữa với bộ lư mắt tre, bộ tràng kỷ và chung quanh là cây cối xanh um, với lão mai và những cây kiểng. Ngồi trên ghế dưới giàn bông giấy, tôi hít thở một mùi hương thanh sạch mà cây cối toả ra và hình dung một Gia Định ngày xưa, Sài Gòn ngày xưa, với hàng cây me, sao dầu mọc theo các con đường thời người Pháp vừa đến, những mảnh ruộng phía Bình Thạnh bây giờ, vườn thuốc lá bạt ngàn phía Gò Vấp, những rẫy cải người Tiều xanh mướt phía Chợ Lớn… Có một thời Sài Gòn - Gia Định rất xanh nay chỉ còn xanh trên các bức ảnh xưa.

Chợ rau củ ở Gia Định. Tranh trích trong bộ tranh Monogra phie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do trường Vẽ Gia Định thực hiện 1935.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất