, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 26/12/2016, 15:31

Săn "gà đồng"

ANH HÙNG

“Giá ếch đồng chính hiệu hiện nay từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg nhưng loại đặc sản này ngày càng hiếm”, Tám Phèn nói.

Bắt ếch đêm
Bắt ếch đêm

Trắng đêm săn “gà đồng”

Những cơn mưa đầu mùa vừa nặng hạt thì tôi nhận được điện thoại của Tám Phèn, ông bạn nông dân ở Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), rủ rê: “Ê, mưa xuống rồi, rảnh chạy về tui, mình đi săn gà “đồng” làm vài món”. Nghe Tám Phèn nói, ký ức tuổi thơ những đêm thức trắng lội ruộng chong đèn đi soi ếch chợt ùa về, tôi mau mắn nhận lời.

Chiều cuối tuần mây đen vần vũ kín trời, mưa rơi nặng hạt. Kệ, tôi chạy xe gắn máy gần 60 cây số về nhà Tám Phèn trong ruột Đồng Tháp Mười. Đến nơi đã thấy hắn cùng mấy ông bạn hàng xóm ngồi nhâm nhi rượu đế với khô cá lóc nướng. Tôi hơi thất vọng, càm ràm: “Giờ này mà nhậu thì tối làm sao thức nổi để đi soi ếch, mấy cha?”. Tám Phèn cùng đám bạn cười khà khà, nói: “Mưa gió ầm ầm, làm lai rai vài ly đỡ buồn, chờ bọn “gà đồng” xuất hiện rồi tụi mình hành quân”. Ai chớ Tám Phèn nói thì tôi tin, bởi từ nhỏ đến lớn hắn ngày ngày quanh quẩn trên những thửa ruộng mênh mông của vùng Đồng Tháp Mười, am hiểu tập tính của từng loài tôm, cá, cua, rắn, ếch… Bởi vậy mà dù hắn tên Tám nhưng lại chết danh Tám Phèn, do chân tay đen đúa, tóc tai vàng hoe vì quanh năm lăn lóc trên những cánh đồng nước phèn.

Trời chạng vạng, mưa vẫn còn lộp độp trên mái nhà, nhưng ngoài ruộng, trong các bờ ao mương đầy cỏ dại đã nghe vài tiếng ếch kêu “ệch, ệch”. Khi trời tối hẳn, tiếng ếch kêu càng nhiều mà Tám Phèn cùng đám bạn vẫn ngồi lai rai, bình chân như vại. Tôi nhìn ra ngoài cánh đồng đã thấy thấp thoáng nhiều ánh đèn pha quét loang loáng khắp nơi, sốt ruột hối thúc Tám Phèn: “Ê, người ta đi bắt ếch rồi kìa, sao còn ngồi nhậu?”. Nghe vậy, Tám Phèn cười vang, nói: “Nè, hồi xưa ông cũng từng đi bắt ếch, bộ quên rồi sao? Đầu hôm ếch mới chui ra, còn nhát như thỏ đế, chỉ có người thiếu kinh nghiệm mới đi soi. Phải chờ qua nửa đêm, lúc đó ếch đã mê mồi lo bắt cặp duy trì nòi giống, đi soi mới chắc ăn. Cứ từ từ, không mất phần đâu mà sợ”. Nói xong, Tám Phèn chỉ cho tôi xem mấy bộ đồ nghề gồm đèn pha cực mạnh, bình accu, vợt lưới, nơm cá bằng tre để trong góc nhà, rồi tiếp tục uống rượu ca hát nghêu ngao cùng đám bạn.

Đồng hồ vừa điểm 23 giờ thì Tám Phèn vụt đứng lên, nói: “Tới giờ rồi” và cùng đám bạn mau mắn dọn dẹp chén bát mâm đũa, nai nịt gọn gàng, mang bình accu lên lưng, đội đèn pha lên đầu, xách nơm, vợt lưới, xăm xăm ra khỏi nhà đi bắt ếch. Tám Phèn nhìn tôi, nói: “Ông lụt nghề rồi, phân công đi sau cầm túi lưới đựng chiến lợi phẩm nghe”. Biết thân biết phận, tôi ngoan ngoãn chấp hành. Cả bọn bắt đầu chia nhau ra thành từng nhóm 2 người, hướng về phía những tiếng ếch kêu, bắt đầu buổi săn “gà đồng”. Vừa đi, Tám Phèn vừa nhắc chuyện xưa: “Ông còn nhớ không, tiếng kêu to, “ệch, ệch” vang rền là con ếch đực, nhỏ xíu. Còn tiếng “ệch, ệch” nhỏ, trầm trầm thì đích thị là con ếch cái, nếu may mắn gặp được con “ếch bà” chừng nửa ký lô là xem như trúng mánh. Còn nghe tiếng kêu “cục, cục” nho nhỏ thì chắc ăn sẽ tóm được cả 2 con, vì lúc này tụi nó lo mãi mê bắt cặp duy trì nòi giống, bất chấp hiểm nguy”. Tuy từ các hang hốc, bờ bụi nhảy ra để “duy trì nòi giống” vào lúc trời sa mưa nhưng bọn ếch cũng rất khôn ngoan, cảnh giác, đang kêu vang trời mà nhìn thấy ánh đèn pha quét loang loáng là chúng lập tức im bặt, tìm chỗ núp thật kỹ. Nhìn theo ánh đèn pha của Tám Phèn quét khắp nơi, tôi hầu như chẳng thấy con gì. Chỉ có đôi mắt tinh tường của hắn mới phát hiện ra những cặp mắt đỏ lừ của lũ ếch đang “ăn đèn”, mau mắn xách nơm chạy đến chụp gọn, cho vào túi lưới. Cứ như vậy, Tám Phèn cùng tôi và mấy ông bạn quần thảo gần sáng đêm đi khắp các dang đồng xa gần, đến khi phía đông ửng sáng, tiếng ếch kêu thưa dần, cả bọn mới lục tục kéo nhau về nhà. Kiểm điểm một đêm thức trắng, nhóm chúng tôi bắt được chừng chục ký “gà đồng” lớn nhỏ. Vợ Tám Phèn mau mắn lựa ra những con to, mập cho vào túi lưới đưa ra phiên chợ sớm. Còn những con “trộng trộng” thì vợ hắn chừa lại, xem như chiến lợi phẩm để tụi tui xào sả ớt, làm món canh chua lá me non, nhâm nhi.

Chiến lợi phẩm sau 1 đêm thức trắng đi soi
Chiến lợi phẩm sau 1 đêm thức trắng đi soi

“Độc chiêu” biến ếch nuôi thành ếch đồng

Bên mâm nhậu sớm, Tám Phèn vừa gắp cho tôi cái đùi ếch mập ú, vừa giải thích: “Ông nhớ không, ngày xưa con ếch rẻ rề, nhiều lúc bán chẳng ai mua. Nhưng bây giờ nó thuộc hàng đặc sản miệt đồng, năm nay giá lên đến 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg. Bởi vậy mà “công nghệ” bắt ếch bây giờ cũng cải tiến, người ta không còn dùng mủi chĩa sắt để đâm ếch, vì làm nó bị thương, không bán được”. Cũng theo lời Tám Phèn, ngoài việc đi soi ếch bằng đèn pha truyền thống, hiện nay người ta còn dùng mồi thuốc đặt bẫy ếch, cắm câu ếch, nói chung là phương thức nào hiệu quả nhất để săn được đám “gà đồng” thì mọi người đều đem ra áp dụng tuốt luốt. Vì vậy mà sản lượng ếch tự nhiên hoang dã đang sụt giảm ghê gớm, từ đó giá bán trên thị trường ngày càng tăng.

“Ông nói ếch đang giảm dân số, sao tui thấy quanh năm ngoài chợ lúc nào cũng có bán ếch nguyên con, có người còn cam đoan đó là ếch đồng chính hiệu?”, tôi cắc cớ hỏi Tám Phèn. Nghe vậy, Tám Phèn vỗ đùi cười ngất, chê tôi lâu ngày không về miệt đồng nên lạc hậu. Tợp xong ngụm rượu đế cay xè, gã nông dân cười méo xẹo, nói: “Dân thành thị mấy ông bị lừa mà không biết gì hết. Để tui giải thích cho nghe: Do ếch là đặc sản nên mấy năm gần đây nhiều người phát triển nghề nuôi ếch. Nhưng tính già ra non, ếch nuôi có nguồn gốc từ ếch giống Thái Lan, da đen hù, cái bụng bự như con cóc chửa, đâu có giống con ếch đồng vàng ươm của mình, thịt ăn dở ẹc nên giá bán chỉ 50.000 đồng- 60.000 đồng/kg là hết mức”. Bởi lẽ đó mà Tám Phèn mới phát hiện ra chuyện người ta sử dụng một “chiêu độc” để biến con ếch nuôi thành con ếch đồng. Ếch nuôi bằng thức ăn công nghiệp trong vèo lưới đạt trọng lượng khoảng 100gram-150gram/con thì người ta đem thả ra ngoài ruộng cho nó sống trong môi trường tự nhiên, tự kiếm ăn, bao lưới kỹ càng để ếch không phóng ra được. Thả nuôi như vậy chừng 3 tháng thì con ếch nuôi nghiễm nhiên biến thành con ếch đồng, giá bán cao ngất ngưỡng và chỉ có dân trong nghề tinh mắt mới biết, chứ dân thành thị lơ tơ mơ là bị dụ như chơi. Kể xong câu chuyện, Tám Phèn bảo tôi: “Bây giờ vì lợi nhuận mà thứ gì cũng có thể đánh lận con đen, kể cả con ếch như tui vừa nói. Chung quy lại, nếu ông muốn ăn “gà đồng” chính hiệu thì cứ chịu khó chạy về chơi với tui, chỗ bạn bè quen biết lâu năm, chẳng lẽ tui lại đãi ông món ếch nuôi giả làm đặc sản?”.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất