, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/04/2022, 19:30

Sân khấu cải lương: những tín hiệu vui

THÀNH LONG
Sau dịch Covid-19, nhiều đoàn cải lương rục rịch chuẩn bị cho các đêm diễn; sân khấu cải lương nhiều nơi đèn đã sáng. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài khiến nhiều sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương vốn đã khó khăn nay lại còn khó khăn hơn. Suốt những tháng giãn cách, nhiều sân khấu phải đóng cửa, nghệ sĩ gần như thất nghiệp, nhiều người phải tìm nghề khác như bán hàng online để trang trải cuộc sống.

Khởi sắc

Một tín hiệu đáng mừng là từ Tết Nguyên đán, các sân khấu cải lương rục rịch sáng đèn trở lại. Không chỉ mang đến cho khán giả không gian giải trí dịp đầu năm mới, việc xuất hiện trở lại của các chương trình, vở diễn cải lương còn là tín hiệu cho thấy sự khởi sắc của bộ môn nghệ thuật cổ truyền này sau một thời gian dài im vắng.

Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã có màn “khai pháo” khi trình diễn vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ vào hai tối 08 và 09/02/2022 tại rạp Hồng Liên. Đây là tác phẩm từng được cố soạn giả Bạch Mai biên soạn, đồng thời cũng là vai diễn giúp tên tuổi của bà tỏa sáng từ năm 15 tuổi. Bên cạnh những nghệ sĩ trẻ, vở diễn còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc… Trước những kỳ vọng và ủng hộ từ khán giả, đoàn cải lương Huỳnh Long tiếp tục tái diễn vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ vào ngày 26/03/2022. Theo tiết lộ của diễn viên Hoàng Đăng Khoa, đến thời điểm hiện tại, số lượng vé đã được bán ra đã gần hết cho các suất diễn trong tháng 4 và tháng 5 tới.

Ngoài việc sân khấu cải lương mở cửa, sự xuất hiện của những nhân tố mới cũng giúp khán giả và người trong nghề thêm hi vọng. Cuối năm 2021, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ kết thúc đã tìm ra những gương mặt sáng giá, trong đó, phải kể đến Lê Thị Diệu Hiền (quán quân), Đỗ Thị Ngọc Huyền, Tống Thị Yến Nhi… Đây sẽ là lực lượng trẻ, có nghề để bổ sung nhân lực cho các đoàn hát. Một số dự án, chương trình cải lương phát trên các nền tảng mạng xã hội - như chương trình Tinh hoa cải lương của NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết trên TikTok - có số lượt theo dõi khá đông cũng là một tín hiệu rất đáng mừng cho những người luôn mong muốn nghệ thuật cải lương sớm có ngày phục hồi và phát triển.

Nói thật là đồng ;lương nhận được rất ít nhưng chúng tôi vẫn phải tự bỏ tiền test Covid-19 mỗi lần tập vở để an toàn cho đồng nghiệp, cho mình. Có vậy mới phục vụ tốt cho công chúng được.

Nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa

Nỗ lực để vượt qua khó khăn

Không thể phủ nhận trong thời điểm dịch bệnh còn nhiều phức tạp thì việc thực hiện một vở diễn, một tác phẩm cải lương là bài toán không hề đơn giản. Để có được vài tiếng đồng hồ tỏa sáng trên sân khấu, các nghệ sĩ phải cất công tập luyện hàng tháng trời trong khi vẫn phải tuân thủ đủ mọi biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho mình và đồng nghiệp; chưa kể đến hàng trăm thứ việc phải lo khác cho một vở diễn hoàn tất và lên sân khấu biểu diễn. Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh - con gái cố soạn giả Bạch Mai - chia sẻ: “Cả đoàn phải rất cực khổ để có được một vở diễn trong vòng vài tiếng đồng hồ. Đó là mồ hôi, là nước mắt nhưng để nhận lại được sự yêu thương của khán giả, chúng tôi coi đó là niềm hạnh phúc…” Đồng quan điểm, NSƯT Kim Tử Long thấy mừng khi sau dịch, nhiều sân khấu cải lương đang dần hoạt động trở lại.

Theo nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa, khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay khi dàn dựng, thực hiện một vở cải lương chính là nhân sự, vì việc tập luyện căng thẳng mà vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người. “Nói thật là đồng lương nhận được rất ít nhưng chúng tôi vẫn phải tự bỏ tiền test Covid-19 mỗi lần tập để an toàn cho đồng nghiệp, cho mình. Có vậy mới phục vụ tốt cho công chúng được”, anh nói.

Không chỉ là những khó khăn trong tập luyện, hiện nay, để đưa vở diễn đến với công chúng, việc bán vé cho khán giả phải thực hiện qua mạng và sau đó, cả đoàn, bao gồm cả các nghệ sĩ, đều phải đi giao vé trực tiếp cho khách. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng theo Khoa, anh và các thành viên khác trong đoàn vẫn rất nỗ lực với hy vọng sân khấu cải lương có thể sáng đèn thường xuyên. Để thu hút khán giả, ngoài dàn diễn viên trẻ, tài năng, các đoàn cải lương như Tuồng cổ Huỳnh Long còn mời gọi sự tham gia diễn xuất của những gương mặt nghệ sĩ gạo cội nổi tiếng như NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ... để làm món quà dành tặng khán giả.

“Dù có sự xuất hiện của những nghệ sĩ tên tuổi song chúng tôi vẫn không phụ thu hay tăng giá mà vẫn giữ mức từ 200.000 - 700.000 đồng/vé để “vừa sức” với người mộ điệu cải lương. Chúng tôi diễn để mình sống nhưng cái chính còn là để nghệ thuật cải lương được sống hoài trong lòng khán giả nên không thể tính như làm kinh doanh đơn thuần được”, Hoàng Đăng Khoa nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất