, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/05/2023, 13:00

Sân khấu cải lương và những khoảng cách thế hệ

ÁI MỸ
Trong chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, khi nghệ sĩ Điền Trung vào vai Lý Đạo Thành, với lớp hóa trang, vài ba đường vũ đạo, anh khiến không ít người xem giật mình vì như một bản sao của NSND Thanh Tòng. Đài từ, chất giọng của Điền Trung cũng khá dày và sáng nên càng tôn vẻ dõng mãnh của nhân vật trung thần Lý Đạo Thành.

Thế nhưng, nếu xem kỹ, ở những cao độ nhấn nhá và thần thái trong biểu diễn trình thức, người xem vẫn nhận ra khoảng cách thế hệ. Trong vai hoàng hậu Thượng Dương, NSƯT Quế Trân - con gái của NSND Thanh Tòng dù đã nỗ lực cũng đã phần nào bộc lộ sự đuối sức cả ca lẫn diễn trong một lớp diễn quá nặng ký. Đặt cạnh phiên bản Xử án Thượng Dương - đoàn nghệ thuật lưu diễn Paris tháng 2/1884, NSND Thanh Tòng (Lý Đạo Thành), NSND Bạch Tuyết (Hoàng hậu Thượng Dương), NSND Ngọc Giàu (Thái hậu Ỷ Lan) thì trích đoạn phục dựng này lại càng khó lấp đầy khoảng trống.

Và, càng nhận ra vị trí là cây đại thụ cải lương tuồng cổ Minh Tơ của NSND Thanh Tòng lớn lao đến nhường nào. Nó không chỉ trong từng vai diễn, lớp tuồng mà còn cả trong tư thế lẫn phẩm trạch của người - giữ - đền cho bộ môn cải lương tuồng cổ. Ông vừa là diễn viên vừa là soạn giả; và còn là một ông thầy tuồng cho các thế hệ nghệ sĩ hậu bối.

Ở nhánh cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, khoảng trống ấy có lẽ cũng vời vợi như thế sau sự ra đi hàng loạt của nghệ sĩ gạo cội bởi dịch bệnh Covid-19 như nghệ sĩ - soạn giả Bạch Mai, NSƯT Ngọc Đáng, nghệ sĩ phục trang Kim Phượng… Xem nghệ sĩ Bình Tinh - con gái của NS Bạch Mai ca diễn trong Vua thánh triều Lê, một phần do lỗi đạo diễn khi đã chất lên vai cô đào bé nhỏ này cái gánh quá lớn nên càng xem, càng nghe cô diễn cô ca càng thấy… mệt. Chỉ riêng xử lý đài từ cho từng nội dung “vương đạo” hay “bá đạo” trong một kịch bản đẳng cấp (của tác giả Lê Duy Hạnh), dường như cô không hiểu trọn vẹn ý - tứ để phân biệt độ cương nhu mà sắp xếp cột hơi.

Chưa kể, bạn diễn của cô, ngôi sao Vũ Luân lại thiếu sự ăn ý, có lúc di chuyển sân khấu rất tùy tiện. Nên, ngoài trình thức vũ đạo, ngoài ca bài bản, sự truyền nghề và tiếp nhận truyền nghề để giữ nghề còn bao hàm các yếu tố như kỹ năng biểu diễn - kết hợp bạn diễn; kỷ luật sàn diễn. Trên sân khấu ấy là đường dây của một vở diễn chứ không phải là một sân khấu… gameshow, nó quá lộng lẫy và ồn ào nên thiếu hẳn độ lắng và chiều sâu của cảm xúc, suy niệm.

Vượt ra khỏi phạm vi của hai gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Huỳnh Long, sự tiếp nối các thế hệ của sân khấu cải lương đang cho thấy khoảng cách ngày càng lớn. Từ lớp nghệ sĩ tài danh của “Thế hệ Vàng” - tạm gọi là thế hệ giải Thanh Tâm với NSƯT Thanh Nga, NSND Diệp Lang, Thanh Tòng, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Sang, Minh Vương… đến thế hệ nghệ sĩ giải Trần Hữu Trang như NSƯT Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Linh Tâm, Cẩm Thu… đã ít nhiều có sự cách biệt; đến thế hệ “Trần Hữu Trang triển vọng” - Chuông vàng vọng cổ thì khoảng cách ngày một xa hơn, rộng hơn nên cũng vì thế… hụt hẫng nhiều hơn.

Ở thế hệ thứ hai, ngoại trừ “người ngoại hạng” Vũ Linh, còn lại dù cố gắng và cũng đã minh chứng bằng thực tài thì nhiều nghệ sĩ vẫn khó bám trụ lâu dài trong một thị trường văn hóa mà yếu tố giải trí đã lên ngôi. Sân khấu sàn diễn mất dần, cải lương video cũng khó địch lại làn sóng internet mà kịch nghệ drama trên các nền tảng mạng xã hội không thể theo kịp nên buộc phải chấp nhận kết cuộc. Cải lương - với tư cách một thể loại… cổ nhạc (dù nó ra đời sau kịch nói) xuất hiện nhiều ở các sàn đấu gameshow. Nó thích nghi theo công nghệ tiêu khiển nên như một loại “fastfood”, tiện nhưng chưa hẳn đã lợi!

Đến thế hệ thứ ba, với Quế Trân, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Hồ Ngọc Trinh, Thu Vân… thì rõ ràng, sàn diễn cải lương càng hẹp lại, buộc nghệ sĩ cải lương phải tìm cách vươn ra xa hơn, biết cách để “rộng xài” hơn cho các kiểu sân khấu, truyền hình, kênh youtube, tiktok… Cũng vì thế, họ buộc phải đừng - lẫn giữa những nghệ -sĩ - tiktok - youtube… Thật sự là một cuộc va đập để sinh tồn, không chỉ cho nghệ thuật mà còn mưu sinh.

Võ Minh Lâm - Thoại Mỹ trong Đêm trước ngày hoàng đạo.

Có điều, không chỉ ở tài năng ca diễn của nghệ sĩ biểu diễn mà còn ở cả các thành tố như kịch bản (soạn giả), âm nhạc (nhạc sĩ - nhạc công), thiết kế mỹ thuật sân khấu và dàn dựng (đạo diễn) cũng càng lúc càng báo động về nguồn lực. Trong đó, rõ nhất là sự vắng bóng của những tên tuổi tài năng về tác giả kịch bản và đạo diễn.

Nếu thế hệ giải Thanh Tâm đi cùng một thời vàng son của các tên tuổi tác giả, soạn giả lớn của cải lương thì đến thế hệ giải Trần Hữu Trang, chỉ còn lại “thủ lĩnh” Lê Duy Hạnh cùng một hai soạn giả như Lê Chí Trung, Hoàng Song Việt, Đăng Minh… càng về sau càng heo hút dần, hoặc nếu có viết đều thì lại chủ yếu chuyển thể. Vả lại, tính triết học mới làm nên bề dày tư tưởng của vở diễn, cũng là của “một thời đại sân khấu”, bằng không sẽ chỉ là những bản ghi chép thời cuộc. Về điều này, sân khấu cải lương đang ngày càng cho thấy điểm yếu, thậm chí là lạc hậu, lười biếng của một bộ phận soạn giả, đạo diễn.

Và tất nhiên, một điều không thể thoái thác, đó là trách nhiệm của những nhà quản lý hoạt động sân khấu, họ đã và đang ở đâu khi những lỗ hổng nói trên ngày càng lớn, càng sâu. Cứ hai năm lại đến một mùa hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp; hằng năm đều có một đến hai sân chơi cho cải lương; hằng tháng vẫn có những chương trình cải lương trên các kênh truyền hình. Tiềm năng cũng nổi lên từ đó mà thực trạng cũng “phơi” ra từ đó.

Nhưng hậu các hội diễn, liên hoan; sau những bảng đánh giá tổng kết những cuộc thi thố, cũng nêu ra đầy đủ những được - mất, thành công - hạn chế, rồi thôi, chẳng ai còn màng gì phải giải quyết để những cái hạn chế, yếu kém, cũ lỳ, lạc hậu kia chấm dứt; đón đầu mà thúc đẩy sự tiến bộ, cải cách cho kịp với xu hướng, văn minh với xã hội, như cách mà các nghệ sĩ tiền bối đã đi cùng với cải lương hơn trăm năm qua.

Vai trò của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các hội địa phương; trách nhiệm đồng hành của Sở Văn hóa, Liên hiệp các Hội văn hóa nghệ thuật địa phương, của Cục Nghệ thuật - Biểu diễn, tất cả đều “im ắng”. Sân khấu vắng ngắt nên họ cũng không quan tâm đến vai trò “biểu diễn” của mình hay vì chính họ “đóng màn” trách nhiệm mà sàn diễn cũng tắt đèn theo?

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất