_high.jpg)
Trong báo cáo SOFIA 2022, điểm tích cực đáng chú ý là nuôi trồng thủy sản đã phát triển nhanh hơn đánh bắt thủy sản trong hai năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới. Sản lượng khai thác thủy sản giảm xuống 90,3 triệu tấn, giảm 4% so với mức trung bình 3 năm trước đó.
Theo số liệu thống kê của SOFIA 2022, chỉ tính riêng năm 2020, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới cán mốc kỷ lục 214 triệu tấn (178 triệu tấn thủy sản và 36 triệu tấn tảo), tăng 30% so với mức trung bình những năm 2000 và hơn 60% mức trung bình của những năm 90.
Châu Á vẫn tiếp tục là nơi thống trị ngành nuôi trồng thủy sản thế giới, chiếm đến 91,6% tổng sản lượng toàn cầu. Các nơi đang tăng trưởng mạnh ngành này có thể kể đến là Chile, Trung Quốc và Na Uy. Riêng tại châu Phi, ngoài Ai Cập và Nigeria sụt giảm sản lượng thì các nước còn lại ghi nhận mức tăng đáng kỳ vọng là 14,5% so với năm 2019.
FAO dự báo năm 2030, sản xuất, tiêu dùng và thương mại thủy sản tiếp tục gia tăng, mặc dù sẽ chậm lại. Tổng sản lượng thủy sản dự kiến sẽ đạt 202 triệu tấn vào năm 2030, chủ yếu do tăng trưởng mạnh trong nuôi trồng thủy sản, dự kiến đạt 100 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 2027 và 106 triệu tấn vào năm 2030 nhờ cải thiện quản lý tài nguyên, giảm lượng khí thải, chất thải.
Theo đó, tiêu thụ mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người dự đoán cũng tăng 15% đạt 21,4kg vào năm 2030. Các chuyên gia đưa ra con số này dựa vào mức thu nhập tăng và đô thị hóa, xu hướng dinh dưỡng mới của người dân toàn cầu tập trung vào cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng.
_high.jpg)
Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu cho biết: “Sự tăng trưởng của ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản rất quan trọng đối với nỗ lực xóa nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu, nhưng cần có sự chuyển đổi hơn nữa trong lĩnh vực này để giải quyết những thách thức. Chúng ta phải chuyển đổi hệ thống thức ăn nông nghiệp để đảm bảo thu thập bền vững thức ăn thủy sản và đảm bảo sinh kế cũng như môi trường sống của thủy sản và đa dạng sinh học.”
Với ý này của ông Qu Dongyu, báo cáo SOFIA 2022 cũng nhấn mạnh vai trò của nuôi trồng thủy sản trong việc quyết định tương lai tiêu thụ thủy sản.
Các sản phẩm thủy sản đóng góp nhiều hơn vào an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trên thế giới (trừ tảo) đã tăng trung bình 3,0% mỗi năm kể từ năm 1961, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng dân số thế giới hàng năm và đạt 20,2 kg bình quân đầu người vào năm 2020, hơn gấp đôi so với mức tiêu thụ trong những năm 1960.
Năm 2020, hơn 157 triệu tấn, tương đương 89% sản lượng thủy sản, được sử dụng cho tiêu dùng trực tiếp của con người, nhiều hơn so với năm 2018, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Năm 2019, các sản phẩm thủy sản chiếm khoảng 17% lượng protein động vật, đạt 23% ở các nước có thu nhập trung bình thấp và trên 50% ở các nước châu Á và châu Phi.