, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 05/10/2017, 18:51

Săn mật ong rừng Tây Bắc

 
Đây là bài viết được tác giả Phạm Tân thực hiện từ thực tế những chuyến đi tìm và khai thác mật ong rừng cùng đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc (huyện Mường Tè, Lai Châu). Tùy vùng miền mà cách thức khai thác mật ong rừng có thể khác nhau. Trong bài viết này, tác giả chỉ nói về mật ong rừng ở Tây Bắc.
 
Băng rừng tìm mật
 
Ong rừng sống hoang dã, chúng ở đâu, chỗ nào, không thể biết được. Chỉ đến tháng 3, khi ong tập trung về làm mật, bà con mới vào rừng tìm và khai thác. Nhưng không đơn giản là cứ vào rừng là tìm thấy tổ ong. Khi vào rừng lấy măng, lấy củi, bắt cá, nếu vô tình nhìn thấy tổ ong trên cành cây, thì người nhìn thấy đầu tiên chỉ cần làm một kí hiệu dưới gốc cây, ví dụ như lấy dao chặt vào thân cây vài nhát, hoặc đan một phên nứa nhỏ cắm vào gốc cây, để chứng tỏ rằng cây này và tổ ong này đã có người nhìn thấy. Ai đi sau có thấy cũng không bao giờ lấy. Ấy là quy ước rõ ràng với nhau của bà con đồng bào.
 
Còn như chủ đích đi săn tìm mật ong thì mọi chuyện khó khăn hơn thế nhiều. 
Mỗi chuyến đi luôn cần ít nhất 2 người (đối với những tổ ong ở cây thấp, gần bản), và từ 3 đến 5 người nếu đi khai thác trong rừng già, cây có nhiều tổ hoặc đi dài ngày! Lên đường, mỗi người mang theo một ba lô gồm gạo, mắm muối… Đã băng rừng, vượt suối cùng anh em dân bản để khai thác mật ong rừng từ năm 2013 nên tôi biết, vượt dốc, chui nhủi trong rừng như thế này đòi hỏi phải có sức bền tốt. Thường là đi bộ ròng rã hàng tiếng đồng hồ, vừa đi vừa leo trèo để tìm đường, tôi bám theo anh em mà thở không ra hơi. 
 
Tìm ong thì phải tìm ở những triền núi hướng về phía Tây. Ong ưa nắng nên luôn làm tổ ở phía có nhiều ánh sáng mặt trời nhất, vì vừa khô cánh, mật chúng lấy về cũng nhanh khô hơn. Chúng tôi đã đến được vị trí có cây đại thụ với gần 30 tổ ong rừng treo lủng lẳng, nhìn rất thích mắt. Cây đại thụ này năm nào cũng có nhiều ong về làm tổ, năm nay cũng không ngoại lệ. Hầu hết ai cũng tự biết công việc cần phải làm nên mỗi người một việc, người chặt cây khô để đốt lửa, tạo khói, người làm thang bằng cây nứa để trèo lên cây. Từ mặt đất lên đến vị trí có tổ ong ước tính cũng hàng chục mét, trong đoàn phải có người can đảm, leo trèo giỏi thì mới lấy được những tổ ong như thế này.

 

Đoàn người băng rừng tìm mật.
Đoàn người băng rừng tìm mật. Ảnh: HOABANFOOD
 
Mật càng ngon càng đắng vị tìm
 
Đối với những cây có 1 hoặc 2 tổ ong thì có thể bắt ban ngày. Bắt ban ngày thì cần lấy thật nhiều củi khô và lá cây tươi, chất thành đống dưới đất, ngay dưới vị trí tổ ong, rồi đốt lửa. Khi khói bốc lên, ong rất sợ khói nên chúng sẽ bay ra khỏi tổ. Tất nhiên, với những cây quá cao, khói không bốc lên đến tận tổ ong, thì cũng bắt buộc phải bắt ban đêm. Nếu gặp những cây có từ 3 tổ ong rừng thì việc bắt ban ngày là không thể. Bởi nếu nhiều hơn 2 tổ, việc leo trèo lấy mật ở tổ này làm động đến tổ bên cạnh sẽ bị ong thợ tấn công dữ dội. Ban đêm, ong ít tấn công người trèo hơn. 
 
Dụng cụ trèo cây bắt ong hết sức đơn giản, nhưng việc trèo lên cây thì không đơn giản chút nào! Nếu gặp những thân cây nào có dây rừng bám đầy thì dễ dàng hơn, cứ bám vào dây rừng mà trèo lên. Với những thân cây to, nhẵn thín thì bắt buộc phải làm thang bằng thân cây nứa, tre, hoặc mang đinh đóng vào thân cây rồi trèo lên. Bấy giờ, người leo trèo giỏi nhất sẽ trực tiếp cầm đuốc leo lên cây, lưng đeo balo có sẵn túi ni-lông to để mang bọng ong xuống. Việc đầu tiên là châm đuốc, dí sát tổ ong để xua ong thợ ra khỏi tổ. Bám người vào cành cây giữa lưng chừng trời, tay châm đuốc như thế này, đâu phải ai cũng làm được. Chỉ có những người giỏi leo trèo, việc bắt ong rừng đã quá quen thuộc từ khi còn bé mới làm được như vậy.
 
Ong vốn dĩ kị khói, nên khi bị hun khói chúng sẽ bay hết ra khỏi tổ, để lộ sáp và mật ong vàng ươm. Vậy cả tổ ong to tướng thế kia toàn mật à? Đa số mọi người sẽ nghĩ như vậy, nhưng không phải đâu! Tổ ong ấy bao gồm phần sáp chứa mật ong, được gọi là bầu mật (hay bọng mật), phần chứa phấn hoa được ong thợ lấy về, và phần khá lớn của tổ ong là nơi sinh sản ấu trùng ong (ong non), không có mật. Người bắt ong sẽ dùng dao cắt rời phần chứa phấn hoa và phần chứa nhộng ong non ra khỏi tổ, chỉ còn bọng mật bám vào cành cây.
 
Lúc này, người ta mới dùng túi ni-lông to quấn ôm lấy phần bọng mật, dùng tay bẻ hoặc vuốt cho toàn bộ bọng mật rơi vào túi ni-lông, gói lại và cho vào balo rồi dòng dây xuống, hoặc đeo luôn trên lưng rồi leo trở xuống nếu cành quá cao. Vậy đấy, nếu đúng là mật ong rừng, tìm và khai thác đâu có đơn giản. Bao mồ hôi, công sức, thậm chí mạo hiểm với cả sinh mạng mới lấy được mật ngon. 
Từng túi mật và sáp được cho vào balo, lại trèo đèo lội suối về bản. Tôi đi theo anh em, chủ yếu là lấy tư liệu và tìm hiểu cách thức mọi người khai thác, chả phải làm việc gì nặng nhọc, vậy mà đến lúc về phải lê từng bước, mệt rã rời chân tay…

 

Tổ ong - Ảnh: HOABANFOOD
Tổ ong rừng - Ảnh: HOABANFOOD

Mật ong rừng khai thác trong những chuyến đi dài ngày và xa, sẽ được vắt ngay trong rừng. Còn thông thường thì toàn bộ mật và sáp mới khai thác được sẽ mang về bản để các chị em phụ nữ nhặt bỏ sạch ong già, phấn hoa, vắt mật khỏi sáp rồi lọc ra can 20l để vận chuyển hơn 750km về Hà Nội. Riêng những bọng mật to, đẹp sẽ được giữ nguyên cả sáp để cung cấp ra thị trường.

PHẠM TÂN

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất