, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 16/12/2020, 08:57

Sản phẩm OCOP Đồng Nai xuất ngoại

LÊ QUYÊN

Trong gần 2 năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Đồng Nai đã có 46 sản phẩm OCOP. Ấn tượng nổi bật nhất là các sản phẩm OCOP của năm 2020 không chỉ tăng nhanh về số lượng mà có sự thay đổi vượt bậc về chất lượng so với năm đầu thực hiện. Đây cũng là năm Đồng Nai có sản phẩm OCOP đầu tiên đạt hạng 5 sao.

Điều này cho thấy, giá trị cốt lõi của Chương trình OCOP Đồng Nai thực sự đi vào chiều sâu, chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm chứ không chỉ theo phong trào trong xây dựng danh hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Nhiều sản phẩm OCOP đã mở được kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 của Công ty TNHH cao cao Trọng Đức đạt hạng OCOP 5 sao được trưng bày tjai hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai đợt 1 năm 2020.
Sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 của Công ty TNHH cao cao Trọng Đức đạt hạng OCOP 5 sao được trưng bày tjai hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai đợt 1 năm 2020.

Nâng cấp đặc sản quê

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) là sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao đầu tiên của Đồng Nai. Những chỉ tiêu quan trọng để sản phẩm này được đánh giá cao gồm: sản phẩm có tính cộng đồng cao khi sử dụng 100% nguyên liệu trong tỉnh; chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương; doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ khi đầu tư được những vùng chuyên canh với hàng trăm hecta cây ca cao được cấp chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Nhiều năm qua, sản phẩm này xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để đặc sản của huyện miền núi Định Quán bước ra sân chơi quốc tế, Công ty Trọng Đức đã mất hơn 10 năm đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất ca cao đạt chuẩn quốc tế. Từ nhiều năm trước, Công ty đã hợp tác với Ca cao Ken Co., Ltd - doanh nghiệp có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo truyền thống tại Nhật Bản, nhằm chuẩn hóa từ quy trình chế biến đến việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ ca cao của Đồng Nai ra thị trường thế giới. Giám đốc Công ty, ông Đặng Trường Khanh cho biết, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào chế biến sâu, nhắm vào thị trường cao cấp và khó tính, cạnh tranh được bằng chất lượng và hương vị chứ không phải nhờ giá rẻ. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê vươn xa trên thị trường quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã có kinh nghiệm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 cũng đang chú trọng đầu tư nâng cấp tiếp chất lượng, bao bì, mẫu mã… để có sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn trong năm 2020. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (huyện Nhơn Trạch) vui vẻ khoe năm ngoái cơ sở đã có 3 sản phẩm OCOP 3 sao, năm nay dù việc đánh giá, thẩm định ngày càng chặt chẽ, khắt khe hơn nhưng cơ sở của bà vẫn có 4 sản phẩm đăng ký mới đều đạt 4 sao.

Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vươn lên xây dựng thương hiệu, tiếp cận được các kênh tiêu thụ hiện đại là hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, thậm chí xuất khẩu đi các nước. “Nhờ bệ đỡ này, Trường Phát mạnh dạn mua thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói. Cơ sở cũng đầu tư đổi mới mẫu logo, bao bì để xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài”. - bà Lệ nói.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Đồng Nai cho biết, việc kiểm tra, đánh giá về mặt an toàn vệ sinh của các sản phẩm OCOP được thực hiện trực tiếp tại cơ sở sản xuất, đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất đều đạt chuẩn. Các sản phẩm OCOP đều có hồ sơ công bố chất lượng đạt chuẩn theo quy định, có phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu, chứng nhận ISO… Nhiều doanh nghiệp, cơ sở không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước mà đạt các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất.

Sản phẩm dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP trồng trong nhà màng của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt.
Sản phẩm dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP trồng trong nhà màng của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt.

Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc), thời gian tới Công ty sẽ tập trung bổ sung các yêu cầu và hoàn thiện về mặt hồ sơ để tiếp tục nâng sao cho sản phẩm, trong đó có yêu cầu quan trọng là phát triển thị trường xuất khẩu. “Nông sản của trang trại đã được cấp chứng nhận GlobalGAP, riêng sản phẩm dưa lưới Inthanol RZ trồng trong nhà màng còn đạt chứng nhận OCOP chuẩn 3 sao. Chúng tôi vừa đầu tư thêm 20 nhà màng, nâng tổng diện tích nhà màng của trang trại lên hơn 3ha chuyên trồng dưa lưới cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tôi đang làm việc với một số đối tác để xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản và châu Âu” - ông Tính cho biết.

Thời gian qua, Công ty Trọng Đức cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào nhà máy chế biến cũng như cho vùng nguyên liệu. Ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, doanh nghiệp này có hàng chục sản phẩm chế biến sâu như chocolate, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Ông Khanh cho biết Công ty Trọng Đức hợp tác với Ca Cao Ken Co.,Ltd là để cùng phát triển thương hiệu chứ không làm gia công thuần túy. Những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đều được ghi rõ sản phẩm “made in Vietnam” với logo có hình ảnh Đá ba chồng Định Quán. Người tiêu dùng Nhật có thể ngồi tại chỗ để truy xuất nguồn gốc thanh chocolate này xuất xứ từ đất Định Quán, Đồng Nai, thậm chí cụ thể đến nông dân nào là người đã trồng ra trái ca cao.

Ông Nakano Toshimi, Tổng Giám đốc Ca Cao Ken nhận xét, có thể do yếu tố thổ nhưỡng nên hạt ca cao Đồng Nai có đặc thù riêng là rất thơm, có vị chua, ít đắng. Ngoài ra, kỹ thuật ủ hạt ca cao của Công ty Trọng Đức rất chuyên nghiệp, cho ra loại hạt chất lượng rất tốt để làm ra những thanh chocolate cao cấp có hương vị tinh tế. Đây là những yếu tố làm ra loại chocolate ăn không gây ngán, là nét độc đáo riêng tạo ra sự khác biệt cho dòng sản phẩm chocolate của đất Đồng Nai so với các thương hiệu chocolate truyền thống nổi tiếng trên thế giới.

Sản phẩm ca cao, nhất là chocolate của Trọng Đức nhiều lần tham gia các giải thi quốc tế cũng như những hội chợ, chương trình quảng bá sản phẩm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đều được đánh giá cao. Ông Nguyễn Hữu Danh cho rằng khi được đầu tư bao bì bài bản, có nhãn hàng thì giá trị các sản phẩm sản xuất thô được nâng lên rõ rệt. Chương trình OCOP của Đồng Nai đã thực sự làm thay đổi nhận thức cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về chất lượng lẫn khâu bao bì, nhãn hàng hóa.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất