, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/04/2024, 06:00

Sàn thương mại điện tử chắp cánh cho nông sản Việt bay xa

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Buổi trưa tháng 3/2024 trời miền Nam nóng như đổ lửa, cô Ba Sài Gòn bỗng dưng thèm… chua và uống món gì mát lạnh giải nhiệt. Vì cần được giao hàng ngay, chuyện này không thể trì hoãn được, cô mở ứng dụng công nghệ Grab nhờ dịch vụ đi chợ giùm, giao hàng nhanh mua giùm ít xoài cát Hòa Lộc, cam sành Vĩnh Long và dừa xiêm Bến Tre. Chừng 30 phút sau, mấy bạn shipper GrabMart đã í ới ngoài cửa giao hàng.
Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo.

Còn nếu không cần giao hàng ngay, cô Ba Sài Gòn có thể đặt mua nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee… chịu khó chờ vài ba ngày, nhưng chi phí rẻ hơn chút đỉnh. Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) này, số lượng các cửa hàng, thậm chí siêu thị, chuyên bán các loại nông sản Việt, nông sản sạch xuất hiện ngày càng nhiều hơn. 

Không hề thổi phồng khi nói chính các sàn TMĐT nói riêng và loại hình TMĐT nói chung đã chắp cánh cho nông sản Việt bay xa, vượt qua những địa giới và khoảng cách để tới tận cửa người tiêu dùng.

Lazada đã nhiều lần “giải cứu” nông dân bằng sàn TMĐT của mình. Như hồi tháng 2/2023, trước tình hình nhà vườn tại Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây Nam bộ đang rơi vào cảnh khó khăn khi cam sành rớt giá, tồn đọng hàng chục tấn, Lazada Việt Nam đã phối hợp cùng Foodmap đưa cam sành từ các nhà vườn lên sàn TMĐT với giá chỉ 10.000 đồng/kg cam. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi phối hợp giữa Lazada và Foodmap nhằm hỗ trợ người nông dân trong công tác quảng bá, xúc tiến và bảo đảm đầu ra một cách bền vững cho nông sản Việt. (Thành lập từ tháng 12/2018, website TMĐT Foodmap.asia cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản an toàn, tạo ra những trải nghiệm mua sắm các mặt hàng nông sản chất lượng, an toàn tối đa). 

Sau đó, vào tháng 6 và tháng 7/2023, Lazada đã hợp tác với Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Giang và Foodmap triển khai chiến dịch đưa sản phẩm vải thiều cao cấp của Bắc Giang, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu châu Âu, lên sàn TMĐT. Chương trình “Lục Ngạn Bắc Giang – Vải chuẩn từ tâm – Nâng tầm nông sản” không chỉ giúp mở rộng kênh phân phối cho các doanh nghiệp trẻ tại Bắc Giang, mà còn là cơ hội để người tiêu dùng trải nghiệm vải thiều đặc sản ngay tại TP.HCM. 

Người tiêu dùng tại TP.HCM có cơ hội mua trên Lazada ba dòng vải đặc sản của Bắc Giang là vải U Hồng, vải Thiều Lục Ngạn và vải Lai Sớm. Ba giống vải này có độ tươi ngon, ngọt và hương thơm đặc trưng, đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và châu Âu. Tất cả sản phẩm đều được thu mua trực tiếp từ vườn, sau đó qua quy trình lựa chọn và phân loại kỹ càng, bảo quản và đóng gói theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Chỉ sau 2 - 4 giờ, vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng với giá thấp hơn từ 25% đến 30% so với giá bán trên thị trường.

Nguồn: Lazada.

Ngay từ giữa năm 2021, Lazada đã phối hợp cùng Bộ Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Hải Dương thực hiện Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn TMĐT.

Ông James Dong, lúc đó là Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết: “Tôi rất vui mừng được chia sẻ những thành công bước đầu khi Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã bán ra gần nửa tấn vải U Trứng Trắng chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán. Toàn bộ số vải này được áp dụng hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng để bảo đảm tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng, đặc biệt có những đơn hàng được giao chỉ trong chưa đến một giờ đồng hồ. Tôi tin rằng, đây là một khởi đầu tuyệt vời cho sự hợp tác lâu dài giữa tất cả các bên nhằm mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm ngon, tươi và tốt cho sức khỏe, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho các thương hiệu và nhà bán hàng tại địa phương, góp phần đưa nền kinh tế số Việt Nam ngày một phát triển”.

Cũng trong năm 2021, với dịch vụ đi chợ giùm GrabMart, siêu ứng dụng Grab Việt Nam đã phối hợp cùng Siêu thị Big C “giải cứu” vải thiều Bắc Giang trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong chương trình Chung tay hỗ trợ nông sản Bắc Giang trên nền tảng GrabMart, các shipper của Grab bảo đảm các tiêu chuẩn phòng dịch chịu trách nhiệm vận chuyển vải thiều Bắc Giang bán trên siêu thị online Big C Việt Nam đến tận nhà người mua. Vải thiều này được bán giá đặc biệt với chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Việt Nam chỉ đi sau thôi chứ thế giới người ta mua sắm online từ lâu lắm rồi, có lẽ từ hồi Internet bắt đầu được phổ cập. Các nhà bán lẻ nhạy bén đã biết dùng Internet làm một phương thức mới để quảng bá, giới thiệu rồi tiến tới bán các sản phẩm của mình tới tận người dùng cuối. 

Theo một nghiên cứu của ThS. Mai Hoàng Thịnh (Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp): “Sự phát triển của TMĐT đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Có 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần mỗi tuần đạt mức 59%.

Đặc biệt, có 85% người tiêu dùng cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Có 66% người tiêu dùng cho biết họ luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất. Đặc biệt, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt”.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo.

Việt Nam hiện có thuận lợi về nguồn nông sản mang tính đặc sản và chất lượng cao khi được Nhà nước đầu tư mạnh mẽ, chủ yếu về sự hỗ trợ và các chính sách. Trong đó có thể kể đến chương trình quốc gia OCOP. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP (được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2018) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Sau 6 năm triển khai, chương trình OCOP đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh thành, có 10.811 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chuẩn 3 sao trở lên đến 5 sao. Tính đến đầu năm 2024, cả nước đã có 5.610 chủ thể OCOP, trong đó nhiều nhất là hợp tác xã, rồi đến cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh; phần còn lại là doanh nghiệp và tổ hợp tác.

Các chuyên gia nhận định: Nếu chỉ tập trung tiêu thụ theo các kênh truyền thống như chợ đầu mối, chợ bán lẻ, đại lý… nguồn lực OCOP gặp nhiều hạn chế và bị lãng phí. Trong khi đó, Internet chính là đòn bẩy, là đầu ra hữu hiệu và hợp thời cho nông sản trong thời đại số hóa và Internet. Như đã nói ở trên, khi xu hướng mua sắm online đang được hình thành nhanh chóng và mạnh mẽ trong người tiêu dùng Việt Nam, chính Internet sẽ mang lại một lượng khách hàng cực kỳ lớn cho nông sản Việt. 

Trong phương thức mua bán online, sàn thương mại điện tử chiếm ưu thế hơn hẳn các website TMĐT. Các sàn TMĐT này có lợi thế bán hàng đa kênh, quản lý số hóa, hệ thống quảng cáo và đặt hàng tiện dụng, có sẵn lực lượng vận chuyển và giao hàng phủ rộng khắp.

Chẳng hạn như tỉnh Bắc Kạn có sản phẩm quýt của xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông) nổi tiếng thơm ngon đặc trưng từ lâu. Quýt Quang Thuận cũng đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhưng chỉ khi nông dân và một số kênh bán lẻ biết cách livestream và đưa lên sàn TMĐT, thì người tiêu dùng cả nước mới biết đến đặc sản này và có cơ hội đặt mua. Cũng nhờ vậy mà quýt Quang Thuận có thể bán được với giá cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Tất nhiên, việc đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT cần xuất phát từ chủ trương của nhà chức trách, tổ chức liên quan ở địa phương kết hợp với sự thay đổi nhận thức của người nông dân. Quy trình hữu hiệu là khi có được chủ trương đúng đắn, địa phương sẽ có những giải pháp để tuyên truyền, khuyến khích nông dân hưởng ứng. Bản thân người nông dân bước đầu cũng cần phải được hỗ trợ, hướng dẫn để có thể “lên sàn TMĐT” đạt kết quả cao. Người sản xuất cũng phải thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại và khoa học – kỹ thuật để có được nông sản đạt chất lượng, chinh phục được người tiêu dùng, cũng như có tính cạnh tranh cao.

Trong quá trình đưa nông sản lên sàn TMĐT, nhà sản xuất cũng phải biết cách khai thác tối đa các công cụ hỗ trợ của sàn TMĐT để bám sát nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng từng thời điểm hầu có cách đáp ứng. Cụ thể như chất lượng sản phẩm, cách chế biến, cách đóng gói, kiểu mẫu bao bì…

Công nghệ số và Internet đang mang lại nhiều cơ hội hơn cho nông sản Việt. Không chỉ có mặt trên các sàn TMĐT trong nước, nông sản Việt còn có thể bay xa hơn trên các sàn TMĐT quốc tế và ở nước ngoài. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nói với báo giới: “Thị trường TMĐT của Trung Quốc đang tăng trưởng rất nhanh. Hiện nay, nếu như ở Việt Nam, TMĐT mới chiếm 7% trong tổng doanh thu bán lẻ, ở Trung Quốc đã chiếm đến 27% và có tốc độ tăng trưởng 20%. Trong khi đó, Việt Nam hiện xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc chủ yếu vẫn theo các hệ thống phân phối thương mại thông thường. Vì thế, thị trường nông sản Việt ở Trung Quốc vẫn còn dư địa rất lớn.

Một khi đưa được nông sản Việt lên các kênh TMĐT của Trung Quốc, thị trường sẽ không còn chỉ giới hạn ở 3 tỉnh phía Nam của Trung Quốc mà có thể đi sâu vào nội địa Trung Quốc, nơi có các tỉnh có dân số rất lớn như Hà Nam, Thượng Hải, hay Bắc Kinh. Chúng ta sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt hơn nữa nếu mở được các gian hàng nông sản Việt trên các nền tảng TMĐT và các mạng xã hội ở Trung Quốc”.

Nguồn: Lazada.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nông sản Việt lớn nhất. Năm 2023, Trung Quốc chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Quy mô thị trường nông sản nhập khẩu của Trung Quốc lại đang tăng mạnh. Chỉ riêng trái cây, mỗi năm Trung Quốc chi hơn 15 tỷ USD để nhập. Quy mô thị trường trái cây nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến tăng lên 30 tỷ USD trong thời gian tới. Đó chính là cơ hội của nông sản Việt Nam với lợi thế một nước giáp biên giới đất liền.

Và không chỉ ở Trung Quốc. Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 9,84 tỷ USD (tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước). Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,5%. 

AI Gemini của Google trả lời câu hỏi: “Làm sao để đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử?” như thế này “Để đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử hiệu quả, cần thực hiện các bước sau”:

1. Chuẩn bị sản phẩm:

•           Đảm bảo chất lượng: Nông sản cần đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, truy xuất nguồn gốc được.

•           Đóng gói đẹp mắt: Bao bì sản phẩm cần bắt mắt, thu hút người tiêu dùng, thể hiện thông tin sản phẩm rõ ràng, đầy đủ.

•           Chọn lọc sản phẩm: Nên chọn những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử.

2. Chọn sàn thương mại điện tử phù hợp:

•           Lựa chọn sàn có lượng truy cập cao: Nên chọn những sàn thương mại điện tử uy tín, có lượng truy cập cao để tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng.

•           Phù hợp với sản phẩm: Chọn sàn có thế mạnh về sản phẩm nông sản hoặc phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.

•           Có chính sách hỗ trợ tốt: Lựa chọn sàn có chính sách hỗ trợ cho người bán như: tư vấn, đào tạo, marketing…

3. Xây dựng gian hàng và đăng bán sản phẩm:

•           Tạo gian hàng chuyên nghiệp: Cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, thương hiệu, cửa hàng…

•           Đăng tải hình ảnh đẹp mắt: Hình ảnh sản phẩm cần rõ ràng, sắc nét, thể hiện được đặc điểm của sản phẩm.

•           Mô tả sản phẩm chi tiết: Cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc xuất xứ, công dụng, cách sử dụng, bảo quản…

•           Chạy quảng cáo: Sử dụng các công cụ quảng cáo của sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

4. Chăm sóc khách hàng:

•           Tư vấn và giải đáp thắc mắc: Trả lời nhanh chóng và nhiệt tình các câu hỏi của khách hàng.

•           Xử lý đơn hàng nhanh chóng: Đóng gói và giao hàng đúng thời gian, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

•           Chăm sóc khách hàng sau bán: Cảm ơn khách hàng đã mua sản phẩm, tiếp thu ý kiến phản hồi để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề sau:

•           Cập nhật xu hướng thị trường: Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm và chiến lược bán hàng phù hợp.

•           Cạnh tranh giá cả: Đảm bảo giá cả sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.

•           Tham gia các chương trình khuyến mại: Tham gia các chương trình khuyến mại của sàn thương mại điện tử để thu hút khách hàng.

Bằng cách thực hiện các bước trên, bạn có thể đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử hiệu quả, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu cho sản phẩm.

Xin lưu ý, đó là ý kiến mà công cụ “quân sư” AI mách nước sau khi tổng hợp và phân tích cơ sở dữ liệu khổng lồ mà nó được cung cấp. Chắc bạn có thể cảm thán: “Nói cứ như sách!”. Mà quả thật, “nói cứ như sách” thì tốt vạn lần so với “nói cứ như Thánh”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất