, //, :: GTM+7

Sản xuất phân hữu cơ từ lục bình

PHƯƠNG MINH
Phân bón hữu cơ từ cây lục bình đã trở thành thương hiệu của HTX Cây Trôm ở xã Hưng Điền A huyện Vĩnh Hưng của tỉnh Long An.

Việc sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để làm phân bón hữu cơ, phân bón xanh và sạch vừa giúp bà con tăng thu nhập vừa đảm bảo được chất lượng lúa sạch, cho năng suất cao”, ông Trần Hữu Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A - chia sẻ.

Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng lúa gạo, để có thể sản xuất lúa sạch, HTX đã tiến hành nghiên cứu việc tự sản xuất phân bón hữu cơ từ cây lục bình – loại cây hoang dại mọc nhiều tại địa phương – để vừa chủ động tạo nguồn phân bón hữu cơ với chi phí tiết kiệm cho xã viên, vừa giải quyết được vấn đề môi trường cho đất đai, sông rạch trong quá trình sản xuất nông nghiệp. 

Bước đầu, HTX chỉ tiến hành thu mua hoặc đi gom lục bình có sẵn trên địa bàn. Cây lục bình, từ thân, rễ đến lá tươi sẽ được băm nhuyễn bằng máy và đưa vào túi ủ với  men. Mỗi túi ủ có trọng lượng 1,2 đến 1,5 tấn. Lục bình ủ từ 15 đến 21 ngày sẽ bị phân hủy hoàn toàn và sau đó được mang ra hong gió để giảm bớt độ ẩm. Khi độ ẩm còn khoảng 70% - 85%, lục bình sẽ được trộn với một số chất để cân bằng độ pH. Đến đây thì phân hữu cơ lục bình đã thành phẩm ở dạng bột. Cuối cùng là khâu ép phân thành viên, đóng bao 25kg và cung cấp cho bà con xã viên sử dụng trên đồng ruộng.

Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ lục bình đã góp phần hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học trên đồng ruộng của HTX, hỗ trợ rất nhiều cho việc cải tạo đất và môi trường canh tác. Chất lượng hạt lúa vì vậy cũng được cải thiện rất nhiều. Giải pháp “tự sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh” trở thành điểm nhấn trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo sạch của HTX Cây Trôm.

Cần thêm giải pháp cho tương lai 

Nếu trước đây đâu đâu trên sông rạch, ao hồ quanh Hưng Điền A cũng tràn ngập lục bình thì từ khi HTX Cây Trôm tiến hành làm phân hữu cơ từ cây lục bình, loại cây dại này bắt đầu ít dần. Anh Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm chia sẻ: “Nếu sản lượng ít như hiện tại thì việc khai thác lục bình tự nhiên vẫn có thể đáp ứng được, nhưng về lâu dài, nếu muốn mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi cần nguồn lục bình lớn hơn, đồng nhất và chất lượng hơn. Muốn vậy, ngoài việc khai thác tự nhiên phải tính đến quy hoạch vùng trồng lục bình nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu”.

Bài toán nhân lực cho việc thu gom, chế biến và sản xuất phân hữu cơ từ lục bình cũng là một vấn đề mà ban lãnh đạo của HTX Cây Trôm phải giải quyết nếu định hướng việc sản xuất này thành lĩnh vực sản xuất chính bên cạnh sản xuất lúa gạo sạch. Trước nay, nhân lực thu gom và chế biến phân hữu cơ HTX đều tận dụng nhân công lúc nông nhàn là chính, nhưng khi đã tính đến việc sản xuất lớn, đều đặn thì nguồn nhân công tận dụng này sẽ không thể đáp ứng đủ.

Hiện tại, vùng sản xuất lúa hữu cơ của HTX Cây Trôm đã đảm bảo được năng suất và chất lượng ổn định cho thị trường. Một trong những yếu tố góp phần giúp HTX làm được điều này chính là việc vận hành mô hình tự sản xuất phân hữu cơ từ lục bình, nhờ đó, xã viên được cung cấp phân bón với giá thành hợp lý, chi phí sản xuất giảm đáng kể (có khi lên đến 30%) so với trước đây mà chất lượng hạt lúa lại tăng lên. Trong vùng nguyên liệu, các xã viên sử dụng 100% phân hữu cơ từ lục bình để bón lót, bón thúc. Nhiều hộ nông dân ngoài HTX cũng bắt đầu tìm mua và sử dụng phân hữu cơ từ lục bình của HTX để sử dụng trong quá trình canh tác…

Thị trường đang rộng mở với nhu cầu ngày một tăng nên thời gian tới, việc sản xuất phân hữu cơ từ lục bình trở thành lĩnh vực sản xuất quan trọng không kém việc sản xuất lúa hữu cơ của HTX. Để có thể phát triển hướng đi mới này, HTX Cây Trôm đang nỗ lực tìm thêm nhiều giải pháp hợp lý trong thời gian tới…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất